Hiệu quả sử dụng tín dụng chính sách ở Vĩnh Long

Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, những năm qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Nguồn vốn vay ưu đãi này đã “trợ lực” cho nhiều nông hộ vươn lên thoát nghèo, đời sống ngày càng khấm khá, góp phần cùng địa phương nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Phạm Văn Bì (người bên phải), ngụ xã Long Mỹ, huyện Mang Thít bên ruộng khoai mỡ được đầu tư sản xuất từ vốn vay ngân hàng chính sách xã hội.
Ông Phạm Văn Bì (người bên phải), ngụ xã Long Mỹ, huyện Mang Thít bên ruộng khoai mỡ được đầu tư sản xuất từ vốn vay ngân hàng chính sách xã hội.

Cách nay hơn một năm, thông qua Hội Nông dân xã Long Mỹ, gia đình ông Phạm Văn Bì, ngụ xã Long Mỹ, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mang Thít. Với số tiền này ông Bì đã đầu tư trồng 8,5 công khoai mỡ và bí đao xen canh một vụ lúa. Nhờ có số vốn mở rộng sản xuất, thời tiết thuận lợi và giá cả ổn định đã cho gia đình ông thu nhập khấm khá hơn mọi năm. Theo ông Bì, một công (1.000m2) khoai mỡ đầu tư khoảng 14 triệu đồng, trung bình thu hoạch 2-2,5 tấn/công, với giá bán 13.000 đồng/kg, trừ hết chi phí thu lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/công. Hiện tại, cuộc sống gia đình ông đã khấm khá hơn nhiều so với trước. Còn ông Lê Thành Tâm, ở ấp Long Hòa 1, xã Long Mỹ cũng được vay 50 triệu đồng từ ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mang Thít khoảng hơn ba năm trước. Ông Tâm dùng vốn mua hai con bò nuôi sinh sản, đến nay đàn bò nhà ông đã có sáu con. Ông Tâm chia sẻ: “Nuôi bò không tốn nhiều chi phí vì mọi người trong gia đình ông thay phiên nhau đi cắt cỏ về cho bò ăn. Khi bò cái sinh sản, nuôi bò nghé vài tháng là có thể bán giống cho người khác, thu được trên dưới 10 triệu đồng/con”.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Long Mỹ Huỳnh Phi Long cho biết, sau khi giải ngân nguồn vốn cho người dân, Ủy ban nhân dân xã kết hợp với các hội, đoàn thể đi kiểm tra thực tế về việc sử dụng nguồn vốn và nắm được những tâm tư nguyện vọng của người dân. Từ đó Ủy ban nhân dân xã đề xuất với các ngành cấp trên mở các lớp tập huấn kỹ thuật, chăn nuôi, trồng trọt, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận khoa học-kỹ thuật, giúp đạt năng suất cao hơn. Hiện nay, thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn xã Long Mỹ, địa phương quản lý nguồn vốn được hơn 30 tỷ đồng; trong đó, có gần 10 tỷ đồng cho vay giải quyết việc làm người dân trên địa bàn xã. Nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, làm ăn có hiệu quả, thu nhập của người dân được nâng cao, bình quân đầu người của xã Long Mỹ năm 2023 đạt hơn 56 triệu đồng.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Mang Thít, năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải quyết cho 4.690 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với số tiền hơn 438 tỷ đồng. Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới và góp phần ổn định tình hình chính trị-xã hội tại địa phương. Chính nguồn vốn này đã góp phần giúp huyện Mang Thít giảm hộ nghèo đến cuối năm 2023 còn 205 hộ, chiếm tỷ lệ 0,73%; 384 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 1,36%... Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mang Thít Lê Thành Phương cho biết, nguồn vốn ưu đãi đã giúp nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện thoát nghèo. Mục tiêu của huyện là hỗ trợ nguồn vốn đúng đối tượng, đúng mục đích, giải ngân nhanh, tạo điều kiện tài chính cho người dân yên tâm đầu tư sản xuất, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Long, đến ngày 31/12/2023, tổng nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 3.544 tỷ đồng, tăng 660,4 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng 22,9%. Trong đó, nguồn vốn Trung ương tăng 550 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương tăng 73,4 tỷ đồng, nguồn vốn huy động được Trung ương cấp bù lãi suất tăng 37 tỷ đồng... Doanh số cho vay đạt 1.182 tỷ đồng với 31.400 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Doanh số thu nợ đạt 511 tỷ đồng. Tổng dư nợ đạt 3.529 tỷ đồng, tăng 672 tỷ đồng so với đầu năm. Tỷ lệ tăng trưởng đạt 23,5% với 98.600 hộ còn dư nợ. Bình quân một hộ có dư nợ khoảng 36 triệu đồng. Nổi bật là, năm 2023, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng sau dịch để khôi phục sản xuất, giải ngân cho hơn 31 nghìn lượt hộ vay vốn với số tiền 1.182 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Nguồn vốn chính sách đã duy trì việc làm, tạo việc làm mới cho hơn 10 nghìn lao động, tạo điều kiện cho 375 lao động vay vốn đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động; giúp hơn 1.600 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập. Nguồn vốn cũng đã xây dựng cho hơn 25 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; cho vay xây dựng 38 căn nhà ở xã hội...

Tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ■