Hiện đại và thiết thực
Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Trị có được cuộc sống thay đổi đáng mừng như hôm nay, một phần nhờ vào nguồn vốn vay các phòng giao dịch của chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị.
Thời gian qua, cùng với việc tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn sản xuất, kinh doanh, điểm nhấn được khách hàng quan tâm là chi nhánh chú trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ của tín dụng chính sách xã hội bằng việc triển khai dịch vụ áp quản lý tín dụng chính sách; dịch vụ VBSP SmartBanking trên điện thoại di động cho tất cả các cán bộ và khách hàng của các phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện và hội sở tỉnh. Trong đó, có nhiều khách hàng ở vùng miền núi, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa được áp dụng các dịch vụ số hiện đại, thiết thực.
Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Krông Klang, huyện miền núi Đakrông Trần Thị Lý cho biết, Phòng Giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Đakrông đã triển khai phần mềm quản lý quản lý tín dụng chính sách cho các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn của hội sử dụng một cách thuận lợi nhất. Phần mềm quản lý này ưu việt, tiết kiệm được thời gian, công sức cho người quản lý vay vốn.
Thông thường hằng ngày, Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Krông Klang và các tổ trưởng phải đi đến tận các hộ vay vốn để nắm bắt, đôn đốc việc thu lãi, trả nợ gốc; hoặc tuyên truyền các chính sách mới của ngân hàng đưa về.
Nay thông qua phần mềm sẽ kết nối đến các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn rất thuận tiện để điều hành, quản lý công việc. Hoặc những phát sinh nợ quá hạn, lãi cộng dồn, các tổ trưởng kiểm tra trên hệ thống để chủ động vận động các hội viên chuẩn bị tiền kịp trả đúng hạn, hoặc có kế hoạch tiếp tục vay vốn phát triển.
Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Krông Klang, huyện Đakông (bên trái) kiểm tra kết quả trả nợ vốn vay của hội viên qua phần mềm quản lý tín dụng chính sách. |
Giám đốc Phòng Giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Đakrông Ngô Văn Bảo cho biết, để quản lý và nắm bắt kịp thời chủ trương, kết quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn, phòng đã triển khai cài đặt và hướng dẫn ứng dụng áp quản lý tín dụng chính sách cho 259 đối tượng là thành viên ban đại diện hội đồng quản trị ngân hàng chính sách huyện, lãnh đạo hội đoàn thể cấp huyện, xã, thị trấn và 174 tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn.
Mới đây nhất, Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị đã triển khai, hướng dẫn và tuyên truyền dịch vụ mobile banking đến với tất cả khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh.
Số lượng giao dịch qua hệ thống Mobile Banking tại Phòng Giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Hướng Hóa đạt gần 1.700 lượt với hơn 24,3 tỷ đồng sau một thời gian ngắn thực hiện.
Chị Mun Thủy Ayua ở thôn Ván Ry, xã Húc chia sẻ chị vay vốn tại Phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Hướng Hóa để có thêm điều kiện để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chị đã mạnh dạn ứng dụng VBSP Smart Banking cài đặt trên điện thoại để tiếp cận được với dịch vụ hiện đại của hệ thống ngân hàng chính sách xã hội một cách dễ dàng nhất.
Theo Phó Giám đốc Phụ trách Phòng Giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Hướng Hóa Hồ Văn Quân, lợi ích dịch vụ Mobile Banking của ngân hàng chính sách xã hội là khách hàng chỉ cần có điện thoại di động có kết nối mạng internet, cài đặt ứng dụng VBSP Smart Banking là có thể sử dụng các dịch vụ phi tài chính và với giao diện dễ sử dụng sẽ mang đến nhiều tiện lợi, thực hiện các giao dịch 24/7 nhanh chóng.
Khách hàng không phải mất thời gian chờ đợi như giao dịch tại, ngân hàng, đồng thời có thể sử dụng ở bất cứ nơi nào. Hiện tại số lượng giao dịch qua hệ thống Mobile Banking tại phòng đạt gần 1.700 lượt với hơn 24,3 tỷ đồng sau một thời gian ngắn thực hiện.
Góp phần bảo đảm nguồn vốn
Giám đốc Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị Trần Đức Xuân Hương cho biết, sau một thời gian ngắn triển khai thực hiện nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ khách hàng trên điện thoại di động, chi nhánh đã triển khai cài đặt và hướng dẫn sử dụng ứng dụng quản lý tín dụng chính sách cho 3.534/3.534 đối tượng, đạt 100%.
Với dịch vụ mobile banking, chi nhánh đã cung cấp đến 3.894 khách hàng, trong đó 100% khách hàng là thành viên ban đại diện các cấp, cán bộ tổ chức hội nhận ủy thác, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn.
Trước đó, chi nhánh cũng đã chủ động triển khai dịch vụ tin nhắn SMS rộng rãi trên địa bàn nhằm đối chiếu thông tin dư nợ tiền vay, số dư tiền gửi đến 100% khách hàng vay vốn của 8/8 phòng giao dịch ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện và hội sở tỉnh.
Khách hàng được cán bộ Phòng Giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện Hướng Hóa hỗ trợ cài đặt ứng dụng VBSP Smart Banking. |
Doanh số cho vay của chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị trong quý 1/2023 đạt 357 tỷ đồng, bằng 107% so với cùng kỳ năm 2022, với 7.226 lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ tín dụng chính sách đến 31/3/2023 đạt 4.070 tỷ đồng, tăng 188,3 tỷ đồng so với năm 2022, tốc độ tăng trưởng đạt 4,9%; với 18 chương trình cho vay. Có 1.815 tổ tiết kiệm và vay vốn và hơn 75,9 nghìn hộ còn dư nợ. Có 4 đơn vị đạt mốc dư nợ trên 500 tỷ đồng gồm Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng và Triệu Phong. Tiêu biểu đơn vị huyện Vĩnh Linh là đơn vị đầu tiên đạt mốc dư nợ trên 600 tỷ đồng.
Theo bà Trần Đức Xuân Hương, với quy mô hoạt động tín dụng chính sách xã hội ngày càng lớn, các chương trình tín dụng chính sách ngày càng nhiều thì công tác quản lý, phát triển nguồn vốn của Nhà nước cần được đặc biệt quan tâm để bảo đảm nguồn vốn.
Đầu tư tín dụng phải luôn đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng để bảo đảm hoạt động của chi nhánh và các phòng giao dịch phát triển ổn định, bền vững.
Luôn nhận thức tốt trách nhiệm của mình, chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị đặc biệt chú ý quan tâm chất lượng các dịch vụ tín dụng. Tuy nhiên, việc triển khai các dịch chất lượng để phục vụ khách hàng còn gặp không ít khó khăn vì nhiều lý do khác nhau.
Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, tiểu biểu là nâng cao chất lượng các dịch vụ số của tín dụng chính sách xã hội phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Vì vậy, để làm tốt công việc này, thời gian tới chi nhánh tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính xã hội và Chiến lược phát triển ngân hàng chính sách xã hội.
Chủ động nắm bắt và kịp thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Tập trung tuyên truyền về việc tiếp tục triển khai dịch vụ ứng dụng quản lý tín dụng chính sách, mobile banking… đến với tất cả các khách hàng trên địa bàn tỉnh; đa dạng hóa khách hàng sử dụng dịch vụ.
Chú trọng duy trì ứng dụng quản lý tín dụng chính sách để công tác quản lý, điều hành nguồn vốn tín dụng chính sách được thực hiện ngày càng hiệu quả, minh bạch.
Chi nhánh tiếp tục tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các phần mềm mới của ngành chuyển giao góp phần đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, an toàn. Tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chất lượng đối với khách hàng và hiện đại hóa công tác quản trị điều hành.
Ngân hàng Chính sách xã hội Ninh Thuận góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, với đặc thù riêng của Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh là hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, đối tượng cho vay chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giúp khách hàng có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Thời gian qua, Chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Quảng Trị đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, tiêu biểu là nâng cao chất lượng các dịch vụ số của tín dụng chính sách xã hội phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.