Hiệu quả từ chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn

Nghị định số 55/2015/NÐ-CP đi vào cuộc sống đã khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp-nông thôn, góp phần tháo gỡ khó khăn về cơ chế tín dụng cho cả người đi vay và ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn cho đại đa số người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh cải thiện cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Nguồn vốn tín dụng giúp nông dân xã Toàn Thắng, huyện Kim Ðộng, tỉnh Hưng Yên phát triển sản xuất chăn nuôi gà.
Nguồn vốn tín dụng giúp nông dân xã Toàn Thắng, huyện Kim Ðộng, tỉnh Hưng Yên phát triển sản xuất chăn nuôi gà.

Anh Hoàng Văn Thêm, trú tại thôn Lai Hạ, xã Hùng An, huyện Kim Ðộng, tỉnh Hưng Yên cho biết: "Tôi đã vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Ðộng từ nhiều năm nay. Ban đầu là vài chục triệu đồng để mua cặp bò sữa; sau đó qua các năm, tôi nhân đàn, nên nhu cầu vốn tín dụng ngày càng lớn, có lúc vay ngân hàng lên đến hai tỷ đồng để nuôi 50 con bò sữa và đầu tư mua các trang thiết bị để làm đại lý thu mua sữa của khoảng 60 hộ nuôi bò sữa trong vùng. Nhờ đó, thu nhập gia đình ngày càng khấm khá, trả dần cả vốn lẫn lãi và có vốn để tái đầu tư kinh doanh".

Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hưng Yên II Vũ Xuân Ngạn cho biết: Nghị định số 55/2015/NÐ-CP mở rộng cả về đối tượng, hạn mức, thủ tục cho vay; tập trung vào nhóm khách hàng thuộc địa bàn khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm khơi thông, tháo gỡ khó khăn về cơ chế tín dụng cho cả người đi vay và ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn cho đại đa số người dân, chủ trang trại, doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nghị định cũng ưu tiên các tổ chức đầu mối tham gia mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp có thể được vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% nhu cầu vốn… Với vai trò chủ đạo trong việc thực hiện Nghị định số 55/2015/NÐ-CP, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hưng Yên II đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tại các xã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai chính sách, giúp hàng chục nghìn lượt hộ dân, doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn tín dụng của ngân hàng với lãi suất thấp; dư nợ cho vay của chi nhánh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn tăng trưởng bình quân 13,5%/năm.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Hưng Yên: Sau khi Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 30/11/2015 về việc thực hiện Nghị định số 55/2015/NÐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, các tổ chức tín dụng đã phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội tích cực tuyên truyền rộng rãi Nghị định số 55/2015/NÐ-CP. Hệ thống ngân hàng nông nghiệp cùng Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hưng Yên đã tổ chức hội nghị ký kết thỏa thuận liên ngành về việc thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NÐ-CP. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn lượt hộ dân, trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp ở khu vực nông thôn tiếp cận nguồn vốn tín dụng và được vay vốn thuận lợi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh cải thiện cuộc sống, góp phần nâng cao thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn đạt khoảng 64 triệu đồng/người/năm và hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới. Ðến ngày 30/9/2023 dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đạt hơn 42 nghìn tỷ đồng, chiếm 47% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn toàn tỉnh.

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NÐ-CP trên địa bàn tỉnh Hưng Yên còn gặp một số khó khăn, vướng mắc: Nhiều hộ nông dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) do những thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà dẫn đến việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng bị hạn chế so với nhu cầu vay vốn. Nhiều người trẻ tuổi không có đất riêng sẽ khó tiếp cận được vốn vay; trong khi đó đây là nhóm thanh niên có nhu cầu khởi nghiệp, có khát vọng làm giàu đang cần nhiều vốn. Nhiều hợp tác xã có nhu cầu vốn để phục vụ sản xuất, kinh doanh nhưng không có tài sản thế chấp, quy mô nhỏ, thu nhập, tích lũy đầu tư phát triển thấp, năng lực của cán bộ quản lý còn hạn chế, dẫn tới khả năng tiếp cận nguồn vốn vay và tham gia vào các chương trình, dự án cũng như hưởng thụ các chính sách ưu đãi khó khăn…

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hưng Yên Ðặng Sỹ Hòa cho biết, để Nghị định số 55/2015/NÐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đi vào cuộc sống ngày càng hiệu quả hơn, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hưng Yên tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp: Khuyến khích thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phục vụ chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp; bám sát định hướng phát triển kinh tế của tỉnh, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương; kết hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; phối hợp, kiến nghị với các cơ quan chức năng của tỉnh tháo gỡ những khó khăn, ách tắc trong thủ tục hành chính, việc cấp sổ đỏ, kinh tế trang trại… giúp người dân có thể tiếp cận vốn tín dụng được nhiều hơn, thuận lợi hơn; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, các chỉ đạo của ngành ngân hàng, của tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh; ưu tiên, tập trung vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao...; thực hiện chuyển đổi cơ cấu dư nợ một cách hợp lý, đẩy mạnh nguồn vốn cho vay trung, dài hạn phù hợp với cơ cấu nguồn vốn huy động nhằm nâng cao hiệu quả tài chính. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn bám sát định hướng, mục tiêu và các giải pháp lớn về điều hành chính sách tiền tệ của ngành ngân hàng, định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thực hiện tốt công tác huy động vốn với các mức lãi suất linh hoạt, phù hợp để tập trung nguồn vốn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế địa phương.