Làm giàu từ nguồn vốn tín dụng chính sách

Từ nguồn vốn chính sách, chín tháng qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 1.300 lao động; giúp 154 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 7.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; 22 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng chính sách... Gắn liền với việc tăng trưởng dư nợ, việc nâng cao chất lượng tín dụng luôn được đơn vị quan tâm, chú trọng thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Hằng tháng, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Lưu tổ chức giao dịch tại các điểm giao dịch của xã nhằm hỗ trợ người nghèo kịp thời có vốn để sản xuất, kinh doanh.
Hằng tháng, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Lưu tổ chức giao dịch tại các điểm giao dịch của xã nhằm hỗ trợ người nghèo kịp thời có vốn để sản xuất, kinh doanh.

Nhanh tay đảo một trong những thùng nước mắm xếp san sát trong sân, chị Trần Thị Liên ở thôn Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu chia sẻ, với 70 triệu đồng vay từ chương trình giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình chị mở rộng sản xuất nước mắm, vừa tiêu thụ hải sản cho ngư dân, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

“Có những chum nước mắm đã để 5 năm, muốn có nước mắm ngon phải để lâu, đủ thời gian thì chất đạm trong cá mới hòa tan ra hết được, mới tạo ra được loại nước mắm “thượng hạng”. Muốn vậy phải có vốn để gối đầu, để quay vòng...”, chị Liên cho hay.

Nhìn những giọt nước mắm sóng sánh, vàng ươm như mật, chị Liên cho biết, nghề muối cá sản xuất nước mắm chị được truyền dạy từ nhiều thế hệ trong gia đình. Từ nhỏ, cứ mỗi mùa cá, chị đã quen với công việc sáng ra bến chọn những mẻ cá đốm, cá cơm, cá trích tươi ngon nhất để mua về uớp muối, ủ cá, chắt lọc tinh chất cho ra sản phẩm nước mắm cô đặc, nhiều dưỡng chất. Để có được một chai nước mắm hoàn chỉnh, đạt yêu cầu chất lượng, từ lúc mua cá về rửa sạch, gia đình chị phải chọn loại muối tinh khiết để ủ, tiếp nữa hằng ngày phải kiểm tra tỉ mỉ và khuấy đều ít nhất một lần... cứ như vậy trong ít nhất 2 năm mới có thể cho ra loại nước mắm ngon.

Mỗi thùng có thể muối được hơn 2 tạ cá, mỗi mẻ gia đình chị Liên ủ hết 6-7 tấn cá tươi. Với khoảng 200 thùng ủ, mỗi đợt thu hoạch chị có thể thu 2.000-2.500 lít nước mắm, giá bán tùy theo loại nước mắm dao động từ 80-100 nghìn đồng/lít. Để xoay kịp với thời vụ cá và thường xuyên phải khuấy đảo hàng trăm thùng ủ cá, cơ sở sản xuất nước mắm của chị Liên ngoài lao động của gia đình còn thuê thêm lao động địa phương.

Ngoài gia đình chị Liên, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn cho vay nhiều hộ khác, từ đó các hộ cũng đỡ được chi phí, có vốn để phát triển sản xuất. Hộ gia đình anh Đinh Văn Hưng ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu là một trong những trường hợp như vậy. Gia đình anh Hưng vừa được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Lưu giải ngân cho vay 100 triệu đồng để phát triển nghề mộc.

Anh Hưng chia sẻ: Với sự phát triển đa dạng và thường xuyên thay đổi như hiện nay của thị trường, người làm nghề mộc như anh cũng phải thích nghi để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Nếu như trước đây sản xuất thủ công và dùng sức người là chủ yếu, thì nay các hộ làm nghề đều đưa máy móc vào phần lớn các khâu sản xuất. Các loại máy được sử dụng nhiều nhất là máy cưa, máy bào, máy đánh bóng, máy đục, máy liên hợp, máy lu, máy tạo mộng, máy chạy chỉ, máy bắn đinh,...

Những sản phẩm yêu cầu độ tinh xảo, tỉ mỉ và nhiều chi tiết phức tạp cũng được anh nghiên cứu sản xuất, chế tạo. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳnh Lưu đã đồng hành cùng người dân, giải ngân nhanh ngồn vốn với lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn, giao dịch tận nơi,... Đây chính là trợ lực thiết thực nhất để những hộ gia đình như chị Liên, anh Hưng vươn lên.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Quỳnh Lưu Nguyễn Văn Thưởng, kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện chia sẻ: Trong những tháng cuối năm 2023, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ tiếp tục đề xuất, bổ sung kế hoạch tín dụng năm 2023, nhất là tranh thủ tối đa nguồn vốn của Trung ương nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm cho người lao động.

“Trước mắt, dự kiến đề xuất tăng thêm nguồn vốn cho vay là 23 tỷ đồng để cho vay giải quyết việc làm; xin tăng bổ sung chỉ tiêu kế hoạch vốn huy động qua Tổ tiết kiệm và vay vốn giao từ 3,2 tỷ đồng lên 5 tỷ đồng, huy động tiền gửi lãi suất thị trường từ 4,5 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng, bảo đảm nguồn vốn để thực hiện kế hoạch tăng trưởng tín dụng. Triển khai thực hiện tốt kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2023, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn để cho vay quay vòng, tích cực thực hiện công tác huy động các nguồn vốn để thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2023”, ông Nguyễn Văn Thưởng cho biết.

Có thể khẳng định, nguồn vốn vay chính sách đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu trang trải cuộc sống, tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Đây cũng chính là động lực quan trọng giúp huyện Quỳnh Lưu tiếp tục hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.