Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh tại Việt Nam

NDO - Sáng nay, 26/6, tại Nam Định sẽ diễn ra Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn”. Sự kiện do Tỉnh ủy Nam Định phối hợp Báo Nhân Dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: moit.gov.vn)
Ảnh minh họa. (Nguồn: moit.gov.vn)

Theo Ban tổ chức, trong những năm qua, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên, sử dụng lãng phí năng lượng đang tác động mạnh đến xu hướng phát triển kinh tế thế giới, thúc đẩy sự ra đời của những mô hình phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, chuyển đổi mô hình kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, từng bước xanh hóa sản xuất đang là một xu thế tất yếu của nền kinh tế thế giới, hướng tới thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững.

“Kinh tế xanh” là thuật ngữ chính thức được cộng đồng quốc tế sử dụng tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (tháng 6/2012) tại Rio de Janeiro, Brazil (Rio+20) và hiện nay được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

Ở Việt Nam, nhận thức được tầm quan trọng của phát triển kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài của nền kinh tế, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên;... kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.

Xác định tăng trưởng xanh là chìa khóa của phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển xanh, bền vững. Để cụ thể hóa Chiến lược về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Trong đó, Việt Nam xác định rõ mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển dịch trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã thể hiện là một thành viên tích cực và là đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, thúc đẩy hợp tác và tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Tuy nhiên, thực tế phát triển kinh tế xanh hiện nay còn gặp nhiều rào cản bao gồm: các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hướng tới thực hiện kinh tế xanh ở Việt Nam chưa được hoàn thiện, mới dừng ở việc đề xuất hướng tiếp cận, chủ yếu tập trung vào tăng trưởng xanh; ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao; vấn đề tài chính, nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế xanh còn thiếu; công nghệ sản xuất ở Việt Nam so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp.

Các ngành sản xuất năng lượng sạch, như: gió, mặt trời... phát triển chưa đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, lộ trình xây dựng nền kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu còn gặp nhiều khó khăn, thách thức...

Trong bối cảnh đó, Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn” được tổ chức nhằm mục đích góp phần cung cấp cơ sở khoa học khẳng định quan điểm, định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh; tạo diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ các nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế về vấn đề phát triển kinh tế xanh trên thế giới và tại Việt Nam; tập trung đánh giá những kết quả đạt được, những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng; dự báo những yếu tố tác động, đề xuất phương hướng, giải pháp thực hiện có hiệu quả mô hình kinh tế xanh và thúc đẩy phát triển kinh tế xanh trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế xanh; kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế xanh; tiềm năng và các điều kiện phát triển kinh tế xanh; các yếu tố tác động, những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, bền vững ở Việt Nam thời gian tới; các giải pháp thực hiện có hiệu quả mô hình kinh tế xanh trong phạm vi cả nước nói chung và tại từng địa phương.