Ngành Nông nghiệp thực hiện kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen... Tuy nhiên, với sự thống nhất từ nhận thức đến hành động và việc tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản; chuyển từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển các chuỗi ngành hàng theo đúng định hướng tại Nghị quyết "Tam nông" và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững; nỗ lực vươn lên với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”. Vì vậy, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế (trong đó: nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%).
Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng và là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô: sản lượng lúa 43,5 triệu tấn, tăng 1,9% và năng suất đạt 61 tạ/ha, tăng 1 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 7,79 triệu tấn, tăng 6,38%; sản lượng thủy sản 9,32 triệu tấn, tăng 2,3%; sản lượng gỗ khai thác 20,84 triệu m3, tăng 2,8%; lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Trong đó một số mặt hàng tăng cao kỷ lục như: rau quả 5,69 tỷ USD, tăng 69,2%; gạo 4,78 tỷ USD, tăng 38,4%, gạo ST25 lần thứ 2 đạt giải quán quân, ngon nhất thế giới; điều 3,63 tỷ USD tăng 17,6%.
Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đổi mới; nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững ngành. Qua đó, thúc đẩy phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị. |
Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến hết năm 2023, cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó: 1.612 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 256 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Trong tổng số 20 tỉnh, thành phố có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Sản phẩm OCOP phát triển nhanh về lượng và nâng cao chất lượng, phát triển thương hiệu; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 hợp tác xã nông nghiệp và 19.660 trang trại.
Về đầu tư xây dựng cơ bản: năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao 9.852 tỷ đồng. Bộ đã thực hiện điều hành vốn linh hoạt, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đầu tư có khả năng giải ngân cao; tổ chức nhiều cuộc họp giao ban trực tuyến, các đoàn kiểm tra để tháo gỡ khó khăn trong xây dựng cơ bản, kết quả giải ngân trên 94,6%...
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao thành tựu của ngành Nông nghiệp đóng góp vào thành tích chung của cả nước năm 2023. Ngành Nông nghiệp đã xoay chuyển tình thế từ lúng túng, bị động, bất ngờ sang chủ động, tự tin, kịp thời, sáng tạo vượt khó khăn, thách thức để đạt kết quả cao; đã chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự chống đỡ sang tấn công đột phá một số ngành rau củ quả, gạo, một số cây công nghiệp, lập kỷ lục mới; là năm được mùa được giá, bội thu ở một số ngành; vai trò vị thế của ngành Nông nghiệp Việt Nam ngày càng được khẳng định.
Năm 2023, chúng ta đạt được thành tích cao hơn năm 2022. Ngành đã đóng góp vào kiểm soát lạm phát, nỗ lực vượt mọi khó khăn, góp phần đạt mục tiêu "Xây dựng nền nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm", nông dân thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững trong bối cảnh mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị. |
Thủ tướng nêu một số điểm sáng quan trọng, nổi bật của ngành nông nghiệp, là động lực mới cần phát huy: theo đó, về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và xây dựng, hoàn thiện thể chế: đã tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều Đề án, Chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển Ngành; tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế như festival lúa gạo, tôm; cùng với các bộ, ngành xây dựng một số Luật và đã được thông qua…; chủ động đề xuất với lãnh đạo Chính phủ trực tiếp làm việc với Bộ, với Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản, Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, xử lý công việc.
Thúc đẩy chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; công nghiệp hóa nông nghiệp; xây dựng nông dân trí thức theo tư tưởng mới; phát triển công nghiệp chế biến nông sản; nâng cao trình độ, năng lực, hiểu biết, kỹ năng của nông dân. Từ đó chúng ta mới đạt được tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành năm 2023 đạt trên 3,8% (cao nhất trong 5 năm trở lại đây), giải quyết việc làm ở nông thôn, khẳng định trụ đỡ của nền kinh tế; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 53,01 tỷ USD; phát triển mở cửa thị trường, gắn với phát triển thương mại điện tử; phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương tổ chức hội nghị với các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; triển khai tích cực thương mại biên giới với Trung Quốc; đề án thúc đẩy nông sản sang các thị trường lớn; linh hoạt, thích ứng thị trường nội địa; thúc đẩy chuyển đổi số, giao dịch nông sản qua sàn giao dịch; mở rộng, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Chương trình OCOP đã kết hợp văn hóa, truyền thống địa phương; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khuyến khích, ứng dụng khoa học công nghệ; gạo ST25 tiếp tục đạt quán quân gạo thế giới, khẳng định văn minh lúa nước của Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng ta cũng không chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được; cũng không bi quan, lo sợ những kết quả khó khăn, thách thức. Ngành nông nghiệp đối mặt với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng; nền kinh tế của Việt Nam còn khiêm tốn vì là nước đang phát triển, độ mở cao, sức chống chịu có hạn… Chúng ta phải nhận thức tình hình luôn thay đổi, phải bình tĩnh, sáng suốt để vượt các cơn gió ngược.
Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải khắc phục vấn đề tàu cá theo Nghị định 67, gỡ “Thẻ vàng” IUU, phải cương quyết triển khai việc này, phải tạo việc làm, sinh kế cho người dân, giáo dục ý thức người dân; phải mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa trong một số trường hợp, giải quyết các tồn đọng của ngành như Hồ thủy lợi Bản Mồng…
Quang cảnh hội nghị. |
Qua năm 2023, chúng ta đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, đó là luôn phải đổi mới tư duy, tầm nhìn phải chiến lược vì nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân. Trên thực tế, ngành Nông nghiệp đã phát huy tinh thần này.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh khi khó khăn thì tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn, hành động phải quyết liệt; phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, huy động sự vào cuộc của nhân dân. Hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các bộ, ngành, địa phương, tích cực sản xuất những cái thị trường cần chứ không phải cái mình có; phải tìm hiểu kỹ thị trường; phải chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương với địa phương, giữa người dân với doanh nghiệp và nhà khoa học; sự ủng hộ, vào cuộc của người dân, doanh nghiệp; hoàn thiện thể chế, xây dựng các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, phân quyền tối đa, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cho cấp dưới, tăng cường giám sát, kiểm tra; phát huy tính tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển, mảnh đất, không trông chờ, ỷ lại.
Về các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024, Thủ tướng yêu cầu ngành Nông nghiệp phải “thừa thắng xông lên”, phải đặt mục tiêu cao hơn năm 2023, đạt tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành duy trì 3,5-4%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 55 tỷ USD trở lên…
Về nhiệm vụ và giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh ngành Nông nghiệp phải bám sát phương châm chỉ đạo Chính phủ năm 2024 là “Kỷ cương trách nhiệm - Chủ động kịp thời - Tăng tốc sáng tạo - Hiệu quả bền vững”; trên tinh thần đó, Thủ tướng gợi ý thêm và nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Nghị quyết 20-NQ/TW về kinh tế tập thể và các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ; Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các chương trình, kế hoạch của Chính phủ; xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả…
Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu ý kiến. |
Tập trung cho đổi mới sáng tạo, đặc biệt chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, coi đây là động lực mới cho xây dựng và phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Đây là đòi hỏi khách quan, sự lựa chọn đúng đắn, ưu tiên nguồn lực phát triển; trước mắt triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành Nông nghiệp; phát triển thị trường tín chỉ carbon; tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch; quy hoạch phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh; đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, đi đôi với phân bổ nguồn lực, tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện; đơn giản hóa thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư PPP.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ để đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực, theo các ngành, lĩnh vực và cơ cấu lại sản xuất theo vùng; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, trong đó, Thủ tướng lưu ý phải xây dựng thương hiệu, quy hoạch nguồn nguyên liệu, vùng sản xuất; ứng dụng khoa học công nghệ; bố trí vốn, có thị trường thì phải dựa vào doanh nghiệp; có thị trường. Tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển mạnh mẽ, hợp lý, phù hợp, phát triển hệ thống hợp tác xã, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; tổng kết lý luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tổng kết lý luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, thông minh, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp; chú trọng khâu chọn, tạo giống; phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, tăng tỷ trọng chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm; phát triển các cụm liên kết sản xuất gắn với vùng nguyên liệu, các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, chế biến kết nối với hệ thống tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Làm tốt dự báo cung cầu, thông tin về tình hình thị trường, kết nối giữa người sản xuất với tiêu dùng, tranh thủ lợi thế từ các FTA, nhất là EVFTA, CPTPP để cơ cấu lại thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; phát triển kinh tế biển, đẩy mạnh nuôi biển và khai thác hải sản bền vững; tập trung giải quyết dứt điểm các khuyến nghị của EC để gỡ "Thẻ vàng" trong năm 2024; ngăn chặn và xử lý nghiêm tàu cá khai thác trái phép ở nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất trích lập Quỹ phát triển hạ tầng thủy sản để có thể tập hợp, huy động được nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng thủy sản.
Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ; hoàn thành kế hoạch năm 2024 thực hiện Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025". Theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, cần chủ động chỉ đạo sản xuất và triển khai công tác phòng, chống thiên tai bảo đảm kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
Thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng nông thôn mới phải đi đôi với tạo điều kiện phát triển kinh tế nông thôn, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, thu nhập, sinh kế cho người dân; gắn chương trình xây dựng nông thôn mới với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng miền, gắn với đô thị hóa, tránh làm theo phong trào, hình thức, lãng phí; đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế để phát triển nông nghiệp, nông thôn, đồng thời chủ động đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của quốc gia, bảo vệ hàng hóa nông sản Việt Nam, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2024 tiếp tục được dự báo là có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, những khó khăn, thách thức có thể nhiều hơn; ngành nông nghiệp phải đối mặt với khó khăn, thách thức, nhất là biến đổi khí hậu, nhưng với kinh nghiệm và thành quả năm 2023, Thủ tướng tin tưởng với truyền thống đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao ở Trung ương cũng như ở địa phương, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục phát triển nhanh, mạnh hơn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, đạt kết quả năm 2024 cao hơn năm 2023; nông dân sẽ ngày càng giàu có, văn minh hơn. Nông thôn sẽ ngày càng hiện đại, phồn vinh, thân thiện và đáng sống hơn.