Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước chung tay hành động, xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Thế giới đã gặt hái nhiều thành quả đáng khích lệ kể từ khi các SDG được chính thức thông qua vào năm 2015. Tỷ lệ dân số toàn cầu được sử dụng điện tăng từ 87% vào năm 2015 lên 91% năm 2021, khi có thêm khoảng 800 triệu người tiếp cận mạng lưới điện.
Thế giới đã gặt hái nhiều thành quả đáng khích lệ kể từ khi các SDG được chính thức thông qua vào năm 2015. Tỷ lệ dân số toàn cầu được sử dụng điện tăng từ 87% vào năm 2015 lên 91% năm 2021, khi có thêm khoảng 800 triệu người tiếp cận mạng lưới điện.
Số người sử dụng internet tăng 65% kể từ năm 2015, lên 5,3 tỷ người được kết nối vào năm 2022. Tiến trình chuyển đổi năng lượng cũng đạt bước tiến đáng kể.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, những thành quả nêu trên không đủ làm sáng lên bức tranh u ám về tiến trình thực hiện các SDG. Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh về các Mục tiêu phát triển bền vững, Tổng Thư ký Antonio Guterres chỉ rõ, nỗ lực đưa các SDG hoàn thành đúng hạn đang gặp khó khăn.
Hiện chỉ có 15% mục tiêu đi đúng hướng, trong khi nhiều mục tiêu có xu hướng bị đảo ngược. Thế giới có nguy cơ bỏ lỡ các SDG nếu không nhanh chóng hành động.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) mới đây cảnh báo, thế giới còn cả chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt hoàn toàn nạn đói.
FAO cho biết, năm 2022, khoảng 29,6% dân số toàn cầu, tương đương 2,4 tỷ người, bị mất an ninh lương thực ở mức vừa phải hoặc nghiêm trọng, tăng so mức 1,75 tỷ người năm 2015. Các quốc gia ở nam bán cầu chứng kiến tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất và nạn đói xảy ra tràn lan ở khu vực phía nam sa mạc Sahara của châu Phi.
Trong khi đó, việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới cũng đối mặt thách thức. Trong báo cáo mang tên “Tiến triển về các Mục tiêu phát triển bền vững: Thực trạng về giới năm 2023” vừa được công bố, Liên hợp quốc nhấn mạnh, bất bình đẳng giới trong lãnh đạo và quản lý vẫn tồn tại.
FAO cho biết, năm 2022, khoảng 29,6% dân số toàn cầu, tương đương 2,4 tỷ người, bị mất an ninh lương thực ở mức vừa phải hoặc nghiêm trọng, tăng so mức 1,75 tỷ người năm 2015. Các quốc gia ở nam bán cầu chứng kiến tình trạng suy dinh dưỡng nghiêm trọng nhất và nạn đói xảy ra tràn lan ở khu vực phía nam sa mạc Sahara của châu Phi.
Tổng Thư ký Antonio Guterres cảnh báo, thế giới có thể phải mất 300 năm nữa để hoàn thành mục tiêu bình đẳng giới. Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng liệt kê hàng loạt vấn đề gây nhức nhối trên toàn cầu hiện nay như tình trạng ô nhiễm tăng cao, 84 triệu trẻ em và thanh niên sẽ không được đến trường và gần 600 triệu người có nguy cơ sống trong cảnh nghèo cùng cực vào năm 2030.
Giới phân tích nhận định, tình trạng biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột trên thế giới, triển vọng ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng dai dẳng của đại dịch Covid-19 là những “hòn đá tảng” cản trở tiến trình thực hiện các SDG.
Liên hợp quốc chỉ rõ, những tác động của đại dịch Covid-19 khiến số người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực gia tăng. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, đại dịch Covid-19 và cơn bão lạm phát đã đẩy thêm gần 68 triệu người tại châu Á vào cảnh nghèo đói cùng cực, qua đó làm suy yếu các nỗ lực chống nghèo đói.
Đáng lo ngại, những người nghèo và dễ bị tổn thương lại chính là đối tượng phải gánh chịu tác động tồi tệ nhất của những thách thức toàn cầu chưa từng có hiện nay.
Khó khăn chồng chất khó khăn, khi tình trạng thiếu nguồn lực khiến thế giới gặp trở ngại trong nỗ lực xoay chuyển cục diện hiện nay.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đang chật vật đáp ứng nhu cầu cứu trợ lương thực gia tăng trên toàn cầu trong khi kinh phí cho năm 2023 còn thiếu hơn 60%, mức thiếu hụt cao nhất trong lịch sử. WFP buộc phải cắt giảm gần một nửa hoạt động, tại cả những điểm nóng cứu trợ, như Afghanistan, Bangladesh, Haiti và Syria.
Tổng Thư ký Antonio Guterres khẳng định, cách đây 8 năm, các thành viên Liên hợp quốc thông qua các SDG trong bối cảnh thế giới luẩn quẩn trong vòng quay nghèo đói, thất học, dịch bệnh, xung đột, biến đổi khí hậu và tâm lý mất niềm tin vào cuộc sống. Do đó, các SDG không đơn thuần là một bản danh sách, mà chứa đựng hy vọng, hoài bão, quyền lợi và kỳ vọng thế giới.
Ông Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo cùng chung tay vượt qua thách thức, hành động mạnh mẽ hơn để thực hiện lời hứa với hàng tỷ người dân trên thế giới.