Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã trao đổi thông tin tổng quan tình hình chuyển đổi số quốc gia và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; chuỗi cung ứng và giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam.
Trên cơ sở đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, thách thức trong công tác chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các diễn giả đề xuất nhiều giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Trong đó, giải pháp phát triển nông nghiệp xanh được nhiều diễn giả quan tâm chia sẻ. Bởi, ngành nông nghiệp đóng góp quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam; có tiềm năng về các sản phẩm chế biến và thị trường cao cấp hơn; được tiếp cận nhiều cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp còn yếu trong tối đa năng suất đất, lao động. Sản xuất manh mún, thiếu liên kết, thiếu hiệu quả, chưa bền vững. Hầu hết nông dân và doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, năng suất không lớn, thiếu vốn. Các khâu chế biến và bảo quản nông sản chưa đạt tiêu chuẩn...
Trong khi đó, chuyển đổi số đang đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cho các doanh nghiệp nông nghiệp trong chuỗi cung ứng nông sản. Do đó, để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp nông nghiệp cần đánh giá hiện trạng, các yếu tố bên trong, bên ngoài có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp cần xác định các thay đổi cần thiết trong mô hình kinh doanh và hoạt động để đạt được mục tiêu chiến lược. Cần xây dựng kịch bản kinh doanh chi tiết để biết được các tác động của việc thực hiện sáng kiến đến kinh doanh và chi phí mà doanh nghiệp cần bỏ ra để thực hiện.
Đồng thời, đưa ra hai giải pháp mà doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai sớm là giải pháp truy xuất nguồn gốc và bán hàng đa kênh để tăng doanh thu, tăng liên kết trong chuỗi giá trị.
Các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm chuyển đổi số. |
Nhiều ý kiến cũng khuyến nghị cần thay đổi tư duy nhận thức, thay đổi phương thức canh tác, quy trình nuôi trồng bằng ứng dụng số hóa khoa học công nghệ gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Về đổi mới sáng tạo, trước tiên cần khai thác triệt để điều kiện sẵn có, tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc ứng dụng số hóa khoa học công nghệ...
Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, năm 2023, chỉ số chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam dự báo đạt 0,75; chỉ số đổi mới sáng tạo đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Về Chính phủ số, đến hết năm 2023, đã triển khai 81% thủ tục hành chính dưới dạng dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đạt 38,3%, tiết kiệm gần 37 triệu giờ làm việc của người dân, tương đương 1.274 tỷ đồng.
Kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh với tốc độ khoảng 20%, nhanh gấp 3 lần GDP.
Về xã hội số, Bộ Công an đã cấp cho người dân 84,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip, 70,2 triệu tài khoản định danh điện tử; giao dịch thanh toán trực tuyến tăng 66% về lượng và 4% về giá trị giao dịch trên môi trường mạng, tăng 63% về lượng và 8,8% về giá trị giao dịch qua điện thoại di động, tăng 124% về lượng và 16% về giá trị giao dịch qua mã QR…