Đón đầu xu thế
Hiện nay, Bình Dương đã quy hoạch được 33 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha, chiếm 1/4 diện tích KCN toàn miền nam (13% diện tích KCN Việt Nam) và 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 789 ha. Trong đó, có 28 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 11.962 ha; 1 KCN đang tiến hành các thủ tục đầu tư cơ sở hạ tầng (KCN Cây Trường) với tổng diện tích 700 ha; 10 cụm công nghiệp đi vào hoạt động với diện tích hơn 648 ha, tỷ lệ lắp đầy bình quân đi vào hoạt động khoảng hơn 67%, qua đó đã đáp ứng tốt nhu cầu đầu tư phát triển các ngành công nghiệp cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương Phạm Trọng Nhân cho biết, định hướng tương lai, Bình Dương sẽ thực hiện chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát thải carbon thấp, sử dụng hiệu quả năng lượng, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính.
Thực tế, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh mới hướng đến gần hơn với kinh tế tuần hoàn trong khu vực tư nhân đang được thực hiện khá thành công, tạo ra nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Điển hình, một số mô hình tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn trong các ngành, lĩnh vực đã được triển khai trên địa bàn tỉnh là tại KCN VSIP III, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) đã đầu tư xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên được phát triển theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường. Với mục tiêu không khí thải carbon, tác động tích cực đến môi trường sẽ góp phần vào chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh.
Trao đổi ý kiến về vấn đề này, Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC Phạm Ngọc Thuận cho biết, Becamex IDC tiên phong đồng hành cùng Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) nghiên cứu thúc đẩy cơ hội phát triển KCN Sinh thái (EIP) đầu tiên ở Việt Nam theo khung quốc tế EIP 2.0 của Tổ chức Phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO), WB và Tổ chức Hợp tác quốc tế CHLB Đức (GIZ), đồng thời, đáp ứng các tiêu chí theo định hướng trong Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ Việt Nam.
Hệ sinh thái EIP kiểu mới là xu hướng phát triển quan trọng và tất yếu của thời đại, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, môi trường, xã hội và nâng cao hiệu quả quản trị, bổ sung cho mô hình Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ tích hợp hiện hữu của Becamex. Ngoài việc cung cấp đầy đủ các hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và xã hội, chúng tôi từng bước cải tiến mô hình quản trị - vận hành KCN theo tiêu chí ESG để hỗ trợ toàn diện cho nhà đầu tư và lan tỏa trong cộng đồng cùng hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.
“Với định hướng phát triển bền vững bằng việc liên tục thay đổi để đón đầu xu thế phát triển mới, hệ sinh thái mới thúc đẩy đầu tư công nghệ cao được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc chuyển đổi mô hình KCN hiện tại thành các KCN thông minh và xanh hơn, hướng đến phát triển mô hình KCN khoa học - công nghệ”, ông Phạm Ngọc Thuận nhấn mạnh.
Tương tự, mới đây, tập đoàn SEP (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư hơn 200 triệu USD để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa carbon chuyên về ngành giày và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon trên diện tích 180 ha tại huyện Phú Giáo.
Bà Nah Yoon Shin, chuyên gia trong lĩnh vực tư nhân của WB cho rằng, việc phát triển các KCN sinh thái ở Bình Dương sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, cải thiện xếp hạng khử carbon và nâng cao khả năng cạnh tranh của cả nhà đầu tư và KCN. Đồng thời sẽ mang lại nhiều lợi ích đáng kể, bao gồm làm giàu tri thức, tiết kiệm chi phí, trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Chiến lược nào cho mục tiêu đề ra?
Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn cần phải có một kế hoạch rõ ràng các mục tiêu cụ thể để thực hiện kỹ lưỡng và có sự đồng thuận lớn của toàn xã hội. Mặt khác, phải có một hành lang pháp lý rõ ràng cho việc hình thành, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế (Chính phủ, người dân và doanh nghiệp).
Trên tinh thần đó, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 thông qua tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, thời gian qua, Bình Dương đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm hài hòa giữa việc phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với môi trường như đã ban hành kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022 - 2030 với 4 mục tiêu và 18 chủ đề hành động.
Trong đó, kế hoạch xác định tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Mục đích nhằm cụ thể hóa chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 trong việc thực hiện cắt giảm phát thải khí nhà kính, xanh hóa các ngành kinh tế, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, giải pháp thực hiện tăng trưởng xanh phù hợp với tỉnh Bình Dương.
Cùng với đó, tỉnh tập trung triển khai thực hiện đề án thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tập trung nguồn vốn cho phát triển kinh tế tuần hoàn; tiếp tục kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; xây dựng và phát triển mô hình KCN sinh thái, phát triển thị trường các sản phẩm tái chế, xanh, sạch, thân thiện.
Đặc biệt, tỉnh luôn nhất quán phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường. Qua đó, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.
Để thu hút các KCN theo hướng xanh hóa, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương Nguyễn Trung Tín cho hay, tỉnh đang tập trung triển khai thành lập KCN khoa học và công nghệ với diện tích 400 ha tại huyện Bàu Bàng; nghiên cứu các phương án nâng cấp, chuyển đổi các KCN hiện hữu sang KCN hỗ trợ, sinh thái, đổi mới sáng tạo, đô thị - dịch vụ phù hợp với định hướng mới. Giai đoạn tới, việc thu hút đầu tư vào các KCN sẽ có sự chuyển biến theo hướng chuyên biệt, sinh thái, thông minh và phát triển bền vững.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng nhấn mạnh, tỉnh luôn nhất quán phương châm không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường và thu hút các dự án đầu tư có công nghệ tiên tiến, tiết kiệm nguyên liệu và năng lượng. Qua đó, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, kinh tế tuần hoàn để phát triển bền vững.
Tỉnh Bình Dương quy hoạch hoàn thiện theo hướng bền vững. Cụ thể, giai đoạn 1, đến năm 2030, Bình Dương hình thành mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ - thông minh - bền vững. Trong đó, xây dựng, nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, big data... Từ đó, thu hút các ngành công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Giai đoạn 2, đến năm 2050, cơ bản hình thành được mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ, quốc tế - đổi mới sáng tạo - khoa học công nghệ, trong đó xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ thu hút các viện, trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.