Hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh trong phát triển công nghiệp

Chiều 24/5, tại Bắc Ninh, Báo Xây dựng cùng các đơn vị liên quan tổ chức Diễn đàn “thực trạng và giải pháp chuyển đổi năng lượng xanh - kinh tế xanh ngành công nghiệp”. Đây là Diễn đàn chuyên sâu với những phân tích, nhận định đa chiều, đánh giá khách quan về tầm quan trọng và ý nghĩa của việc tái cơ cấu lại các nền kinh tế theo hướng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và bền vững, xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh cho các doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh diễn đàn.
Toàn cảnh diễn đàn.

Các ý kiến tại diễn đàn thống nhất, biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất đối với nhân loại và tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành xu hướng tất yếu trên toàn cầu, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển, tái cơ cấu lại các nền kinh tế theo hướng xanh, giảm phát thải khí nhà kính và bền vững.

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ đưa mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0. Đây là mục tiêu rất tham vọng nhưng cũng đầy thách thức, đòi hỏi nguồn lực về tài chính và công nghệ vô cùng lớn.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên trước mắt và lâu dài, Thứ trưởng cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh kiến tạo thể chế, chính sách cho tăng trưởng xanh đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 ở Việt Nam.

Cùng với đó, tăng cường đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới, sáng tạo; xây dựng chính sách, công cụ về huy động nguồn vốn cho phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời hoàn thiện khung khổ pháp lý cho trái phiếu xanh và bảo hiểm xanh; khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh, ngân hàng xanh, nâng cao khả năng tiếp cận tài chính xanh.

Hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh trong phát triển công nghiệp ảnh 1

Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại Diễn đàn.

''Chuyển đổi xanh bao gồm việc chuyển đổi năng lượng, loại bỏ sử dụng than, nhiên liệu hóa thạch và phát triển năng lượng tái tạo phải dẫn đến sự thay đổi mang tính đột phá cho các ngành, lĩnh vực trong đó có ngành xây dựng", đồng chí Nguyễn Tường Văn lưu ý.

Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Vương Quốc Tuấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh khẳng định, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Bắc Ninh luôn chú trọng tới bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Sau 27 năm tái lập tỉnh từ năm 1997, từ một tỉnh nông nghiệp, xuất phát điểm thấp, Bắc Ninh đã tạo ra những bước phát triển vượt bậc, toàn diện trên các lĩnh vực, đến nay đã cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước.

Hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh trong phát triển công nghiệp ảnh 2

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại Diễn đàn.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cũng thẳng thắn nhìn nhận phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh nói chung và vấn đề chuyển đổi năng lượng xanh, kinh tế xanh trong ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế như ô nhiễm công nghiệp làng nghề, vấn đề chuyển đổi công nghệ cao, công nghệ sạch của doanh nghiệp.

Thông qua diễn đàn, tỉnh Bắc Ninh mong muốn nhận được các ý kiến của các Ban, bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp cho tỉnh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, sản xuất xanh, để Bắc Ninh có thể là một hình mẫu tiêu biểu của cả nước về phát triển kinh tế xanh, bền vững.

Tại diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về triển khai thực hiện các hoạt động kiểm kê khí nhà kính; các giải pháp xanh giảm phát thải; ứng dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường. Đồng thời, áp dụng giải pháp thiết kế cho công trình xây dựng để tận dụng tối các yếu tố có lợi của thiên nhiên; ứng dụng năng lượng tái tạo, thiết bị công nghệ phát thải các bon thấp; tiếp cận nguồn vốn xanh…