Đây cũng là dịp để đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm; tạo điều kiện tiếp xúc giữa các bên cung-cầu công nghệ, thiết bị và sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kết nối chuyển giao công nghệ, thiết bị; đưa công nghệ-thiết bị, các kết quả nghiên cứu và thành tựu khoa học về trồng, chăm sóc và chế biến các sản phẩm từ cây điều; cung cấp cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp giới thiệu, tìm hiểu các thông tin về ngành điều từ giống, trồng và chăm sóc, sản xuất và công nghệ, thiết bị bảo quản sau thu hoạch, chế biến các sản phẩm.
Nhiều thiết bị chế biến hạt điều triển lãm bên lề hội thảo. |
Bên lề hội thảo, có 45 gian hàng trưng bày các sản phẩm liên quan đến ngành điều, như: quy trình trồng và chăm sóc; công nghệ, thiết bị: thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch; chế biến hạt điều, sản xuất các phế phẩm điều, phụ trợ trồng và sản xuất…
Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong ngành điều tham luận các vấn đề: công nghệ mới trong sản xuất, sử dụng cây giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến hạt điều và các sản phẩm mới chế biến từ hạt điều; giải pháp duy trì, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm điều Bình Phước; giải pháp về khoa học và công nghệ nhằm khắc phục các bệnh thường gặp ở cây điều trong thời kỳ biến đổi khí hậu; xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm điều Bình Phước.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho biết, hội thảo là dịp để tỉnh cùng các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, người tiêu dùng và các chuyên gia cùng đánh giá lại hiện trạng, những khó khăn, vướng mắc trong phát triển ngành điều. Qua đó đề xuất các giải pháp khoa học, công nghệ nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm của cây điều.
Hơn 30 năm qua, từ một quốc gia xuất khẩu điều thô với số lượng ít, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu nhân điều hàng đầu trên thế giới. Từ năm 2006 đến nay, ngành điều Việt Nam luôn giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu điều nhân. Sự hiện diện của hạt điều Bình Phước đã góp phần đưa hạt điều Việt Nam đến với gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Bình Phước được biết đến là thủ phủ điều của Việt Nam. Tỉnh hiện có hơn 152.000 ha điều, sản lượng 170.000 tấn/năm, chiếm gần 50% diện tích và sản lượng điều cả nước. Trong đó, diện tích trồng điều của đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 50.000ha. Năng suất điều cao do điều kiện tự nhiên phù hợp, đặc biệt Bình Phước đã đưa các giống điều cao sản, thích hợp với tiểu vùng sinh thái, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào trồng, thâm canh chăm sóc giúp vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Tạ Quang Huyên, Giám đốc Công ty cổ phần chế biến điều Hoàng Sơn 1, huyện Bù Đăng là chủ một trong những doanh nghiệp chế biến điều lớn nhất Bình Phước cho biết, doanh nghiệp luôn ưu tiên mua hạt điều Việt Nam nói chung và Bình Phước nói riêng để chế biến vì hạt ít vỡ, chất lượng thơm ngon hơn so với hạt điều ngoại nhập. Chính vì vậy, giá điều trong nước luôn cao hơn giá điều nhập khẩu và khách hàng châu Âu rất ưa chuộng sản phẩm điều Việt Nam, đặc biệt là điều có chỉ dẫn địa lý Bình Phước.
Hiện Bình Phước là nơi sản xuất, kinh doanh điều sôi động nhất cả nước với hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều quy mô nhỏ và vừa, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50.000 lao động. Tỉnh cũng được xem là trung tâm chế biến điều số 1 thế giới, với công suất 500.000 tấn điều thô/năm.
Năm 2022, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm hạt điều của Bình Phước đạt 1,045 tỷ USD. Sản phẩm hạt điều chế biến tại tỉnh xuất đi hơn 50 quốc gia trên thế giới, chiếm khoảng 70% thị phần xuất khẩu của ngành điều thế giới. Công nghiệp chế biến điều đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung, tự cấp tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn.