Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vinamit Nguyễn Lâm Viên cho biết: “Tất cả hoạt động sản xuất đều theo kế hoạch và có sự chuẩn bị, sản phẩm Vinamit không chỉ đưa vào các siêu thị ở Việt Nam, mà còn đưa đến nhiều quốc gia trên thế giới”.
Theo ông Viên, các sản phẩm Vinamit xuất khẩu mạnh vào thị trường Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… và đang mở rộng đến thị trường châu Âu nhờ tận dụng các FTA. Hơn 30 năm hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, ông Viên nhìn nhận, khi tham gia các hiệp định, lợi thế lớn nhất là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có thể thâm nhập các thị trường thuận lợi, dễ dàng hơn; thứ hai là dễ dàng thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Đơn cử như việc ký Nghị định thư giữa Việt Nam-Trung Quốc thời gian gần đây đã mở ra cho doanh nghiệp cơ hội về xuất khẩu trái cây tươi. “Những hiệp định thương mại, nghị định thư đã mang giá trị thông thương rất lớn cho doanh nghiệp và nông sản trong nước” - ông Nguyễn Lâm Viên cho biết.
Công ty cổ phần Thực phẩm G.C (G.C Food) cho biết: Từ năm 2022, công ty liên tiếp mở rộng sang thị trường châu Âu thông qua các FTA giữa 28 nước thành viên châu Âu và Việt Nam với hai sản phẩm chủ lực là nha đam và thạch dừa. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty G.C Food Nguyễn Văn Thứ chia sẻ: Đến nay, khoảng 40% sản lượng sản xuất dự kiến năm 2023 của G.C Food đã có hợp đồng tiêu thụ.
“Hai thị trường chính của G.C Food là Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại đây, nha đam và thạch dừa có lợi thế cạnh tranh hơn hẳn sản phẩm Thái Lan nhờ các FTA mà Việt Nam đã ký với Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi Thái Lan chưa có” - ông Nguyễn Văn Thứ phân tích.
Ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, Tập đoàn Lộc Trời là đơn vị xuất khẩu đơn hàng gạo đầu tiên. Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, Nguyễn Duy Thuận cho biết: Trong năm 2023 đã nhận các đơn hàng xuất khẩu lên tới 400.000 tấn gạo sang thị trường này. Hiện, gạo Lộc Trời thương hiệu Cơm VietNam Rice đã vào hệ thống đại siêu thị Leclerc với gần 600 đại siêu thị và hơn 100 siêu thị trên khắp nước Pháp; siêu thị Carrefour - hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu...
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, các FTA đã mang lại cơ hội cạnh tranh sòng phẳng cho gạo Việt Nam về giá tại châu Âu. Trước đó, để vào thị trường này, hạt gạo phải chịu mức thuế nhập khẩu rất cao, từ 5-45%, có khi nhà nhập khẩu gạo từ Việt Nam phải đóng thuế từ 100-200 euro/tấn cho nên rất khó cạnh tranh với gạo của các nước được đặc cách miễn thuế.
Đánh giá về thuận lợi, ông Nguyễn Văn Thứ cho rằng, nhờ được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan (thuế nhập khẩu) trong các hiệp định đa phương, song phương… khách hàng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu sẽ ưu tiên chọn lựa mua hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Từ đó, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước có cơ hội mở rộng thị phần tại nhiều quốc gia.
Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước cũng gặp khó khăn khi phải cạnh tranh ngay trên sân nhà bởi các nước có tham gia FTA với Việt Nam cũng sẽ đưa hàng hóa chất lượng cao tiếp cận người tiêu dùng. Do đó đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao chất lượng, cải tiến sản phẩm… Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) do Việt Nam ký với các nước và khu vực có hiệu lực.
Đây được cho là cơ hội để doanh nghiệp tận dụng ưu đãi thuế quan nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 được nhận định sẽ rất khó khăn.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đổi mới và phát triển bền vững tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phạm Ngọc Hưng nhìn nhận: Diễn biến thực tế vào những tháng đầu năm 2023 cho thấy, đây là giai đoạn rất khó khăn của nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu. “Trước tình hình khó khăn này, doanh nghiệp nên khai thác các thị trường mới, thị trường ngách… nhất là những thị trường mà Việt Nam ký kết các FTA để tận dụng ưu đãi về thuế quan qua đó, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm”- ông Hưng nói.