Để khắc phục tình trạng này, ngày 16/12/2024, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 6440/QĐ-UBND phê duyệt danh mục 191 tuyến đường, phố được sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ. Như vậy, cùng với 43 tuyến đường, phố đã được cấp phép trước đó, Hà Nội hiện có 234 tuyến đường, phố được phép trông giữ phương tiện dưới lòng đường.
Để việc trông giữ phương tiện dưới lòng đường không gây cản trở, ùn tắc giao thông, đối với đường phố, tổ chức giao thông hai chiều, nếu rộng 10,5m, thì thành phố cho phép trông giữ xe một bên; đường rộng từ 14m cho phép giữ xe hai bên. Đường tổ chức giao thông một chiều nếu rộng tối thiểu 7,5m thì được trông xe bên phải phần xe chạy. Thành phố không cấp phép cho các đơn vị tổ chức trông giữ phương tiện trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị; trông giữ xe trước mặt tiền của các công sở và một số tuyến phố đặc thù, đồng thời yêu cầu các điểm trông giữ hạn chế cho đỗ xe trên đường trong các khung giờ cao điểm.
Theo số liệu của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện thành phố có hơn 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó hơn 1,1 triệu ô-tô, khoảng 6,9 triệu xe máy. Trung bình mỗi năm, số lượng ô-tô tăng khoảng 10%, xe máy tăng 3%. Thành phố đã quy hoạch 1.627 bãi đỗ xe, nhưng hiện có 155 dự án đầu tư bãi đỗ xe, trong đó có 73 dự án đã hoàn thành; trong khi theo tính toán, diện tích giao thông tĩnh phải đáp ứng được 30% số lượng phương tiện mới bảo đảm yêu cầu, thì hiện nay mới đáp ứng được 0,5%.
Vì vậy, việc thành phố cho phép 191 tuyến đường, phố được sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ là rất đúng đắn, đáp ứng nhu cầu bức thiết của xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách. Bởi trên thực tế, kể cả khi thành phố chưa cho phép trông giữ xe dưới lòng đường, thì không ít chủ phương tiện vẫn tìm cách đỗ xe dưới lòng đường vì không tìm thấy nơi đỗ xe có phép. Việc này vừa không bảo đảm an toàn cho tài sản của người dân mà thành phố cũng mất đi một nguồn thu.
Tuy nhiên, việc thành phố cho phép một số tuyến phố sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ cũng chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt. Để giải quyết tình trạng thiếu điểm trông giữ xe, đòi hỏi thành phố cần có những chính sách đột phá để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho hệ thống giao thông tĩnh.
Mới đây, Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua có nhiều cơ chế mới thay thế Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng bãi đỗ xe ngầm. Cụ thể là miễn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng bãi đỗ xe ngầm, doanh nghiệp được dành 30% diện tích sàn để làm các dịch vụ chung quanh khu vực bãi đỗ xe…
Hy vọng rằng, những chủ trương mới của Luật Thủ đô 2024 sẽ sớm được thành phố cụ thể hóa thành các chính sách để thu hút các nhà đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân trên địa bàn.