Chủ đề Ngày Dân số thế giới năm 2023, được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) lựa chọn nhằm tiếp tục khẳng định những mong muốn của phụ nữ và trẻ em gái cần được xã hội trao quyền tự chủ về cuộc sống và cơ thể của mình, từ đó một thế giới tốt đẹp sẽ được tạo ra. Quá trình này cần bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái và những người yếu thế; đồng thời xây dựng luật pháp và chính sách để có thể giúp họ thực hiện các quyền của mình để đưa ra các quyết định đúng đắn.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, kết quả 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy: Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên giảm 0,04% so cùng kỳ 2022; tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ đạt 68,2 % (tăng 4% so cùng kỳ 2022); tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 85,0% (tăng 1,07% so cùng kỳ 2022); tỷ lệ cặp nam nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 45 % (tăng 17% so cùng kỳ 2022)...
Ngoài ra, nhiều mô hình được duy trì và nhân rộng tại các địa bàn trên toàn thành phố như: Mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên.
Tuy nhiên, Hà Nội là địa phương đông dân thứ hai của cả nước và có mật độ dân số là 2.398 người/km2, cao gấp 8,2 lần so với mật độ dân số cả nước. Toàn thành phố đã đạt mức sinh thay thế; tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tuy có giảm mỗi năm nhưng chưa bền vững; tỷ lệ tăng dân số hằng năm ở mức cao tạo ra áp lực lớn cho kinh tế-xã hội Thủ đô. Công tác dân số của Hà Nội vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức do cơ cấu dân số trẻ nên hằng năm số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ cũng như tốc độ gia tăng dân số cơ học hằng năm ở mức cao. Nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai vẫn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn ở mức cao.
Lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia diễu hành kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới 11/7. |
Vì vậy, đối với công tác dân số thời gian tới, thành phố Hà Nội triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và các đề án, chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác dân số của thành phố theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự tham gia của các ngành, đoàn thể, nâng cao hiệu quả Ban chỉ đạo công tác dân số các cấp; thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị các cấp và các tầng lớp nhân dân tạo sự đồng thuận xã hội và tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển.
Đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số; chú trọng tuyên truyền các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên và tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh, quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhất là những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn.
Phát biểu tại lễ mít-tinh, Phó Tổng Cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Phạm Vũ Hoàng đề nghị thành phố Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 74 của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch số 94 của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác dân số; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia của các ngành, đoàn thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo dân số của thành phố và các cấp, đưa công tác dân số thành một nội dung quan trọng trong chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm, tăng cường tham gia phối hợp chặt chẽ và đồng bộ của các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác dân số, nâng cao chất lượng dân số Thủ đô ngày một cao hơn.