Phần thưởng cho nỗ lực vì bình đẳng giới

Một dự luật mới được đề xuất tại Hạ viện Mỹ nhiều khả năng sẽ giúp tay vợt nữ của nước này Billie Jean King trở thành nữ vận động viên (VĐV) đầu tiên của “xứ cờ hoa” nhận được huân chương cao quý của Quốc hội cho những đấu tranh vì bình đẳng giới.
0:00 / 0:00
0:00
Nữ vận động viên huyền thoại của Mỹ Billie Jean King. Ảnh: GETTYIMAGES
Nữ vận động viên huyền thoại của Mỹ Billie Jean King. Ảnh: GETTYIMAGES

Theo thông báo ngày 29/3 từ Hiệp hội Quần vợt Mỹ (USTA), dự luật trên do nghị sĩ đảng Cộng hòa Brian Fitzpatrick (bang Pennsylvania) và nghị sĩ đảng Dân chủ Mikie Sherrill (bang New Jersey) đồng bảo trợ nhằm tôn vinh bà King - nữ VĐV quần vợt được coi là biểu tượng của nước Mỹ vì đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả mọi người, trong thể thao và trong xã hội. Yahoo!News cho biết, Huân chương vàng của Quốc hội Mỹ là giải thưởng dân sự cao quý nhất tại “xứ cờ hoa”. Trong lịch sử mới chỉ có 11 VĐV nam và một đoàn VĐV Olympic Mỹ nhận được giải thưởng này.

Việc đề xuất dự luật diễn ra trong bối cảnh giới quần vợt kỷ niệm 50 năm áp dụng quy định các VĐV nam và nữ nhận số tiền thưởng bằng nhau tại Giải quần vợt Mỹ mở rộng (US Open). Ngay sau khi dự luật được công bố, bà King đã bày tỏ sự xúc động và vui mừng. “Tôi rất vinh dự được xem xét trao Huân chương vàng của Quốc hội”, bà cho biết.

Nhận xét về tay vợt biểu tượng của nước Mỹ, nghị sĩ Fitzpatrick chia sẻ: “Bà Billie Jean King là một VĐV đáng kinh ngạc và là người tiên phong nhằm bảo đảm quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong thể thao. Đồng quan điểm, nghị sĩ Sherrill khẳng định, bà King là “người phụ nữ đã thật sự tác động đến cuộc sống của rất nhiều người”. “Chúng ta vẫn chưa đến đích, song chúng ta sẽ không đến được ngày hôm nay trong phong trào bình đẳng giới nếu không có Billie Jean King”, hạ nghị sĩ này nhấn mạnh.

Trong khi đó, Chủ tịch USTA Brian Hainline cũng ca ngợi cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ của bà King cách đây nửa thế kỷ sau khi bà giành được chức vô địch giải US Open năm 1972. Nhờ những nỗ lực của bà King nhằm thúc đẩy sự bình đẳng giới, năm 1973, US Open trở thành sự kiện thể thao đầu tiên trong lịch sử trao số tiền thưởng bằng nhau là 100.000 USD cho các VĐV nam và nữ.

Chủ tịch USTA cũng nhắc lại về “cuộc chiến giới tính” trong làng banh nỉ thế giới khi bà King đánh bại tay vợt nam huyền thoại Bobby Riggs trong trận đấu “có một không hai” trong lịch sử, khi một tay vợt nam thi đấu cùng một tay vợt nữ. Trước đó, tay vợt nam số một thế giới thường tỏ ý coi thường phụ nữ. “Có lẽ ấn tượng nhất về di sản của bà King là bà đã truyền cảm hứng cho vô số phụ nữ và trẻ em gái hướng đến sự thành công như bà và thúc đẩy họ đấu tranh vì quyền lợi của chính mình”, ông Hainline bày tỏ.

Bà Billie Jean King, 79 tuổi, sinh ra tại California (Mỹ). Từ bé, bà đã có niềm đam mê với các môn thể thao vận động. Năm 11 tuổi, bà được gia đình cho theo học quần vợt. Kể từ ngày đó, đây chính là môn thể thao thay đổi cả cuộc đời bà và nhiều người phụ nữ khác. Cựu tay vợt nữ số một thế giới đã giành được tổng cộng 39 danh hiệu Grand Slam trong sự nghiệp, trong đó 12 danh hiệu ở nội dung đơn, 16 ở nội dung đôi nữ và 11 ở nội dung đôi nam nữ.

Bà cũng là người sáng lập Hiệp hội quần vợt nữ, cùng với các thành viên khác của Original-9 (nhóm chín nữ VĐV quần vợt chuyên nghiệp nổi tiếng). Bà từng hai lần được vinh danh tại Đài danh vọng quần vợt thế giới ở Rhode Island (Mỹ), lần đầu cho thành tích cá nhân của bà vào năm 1987 và lần thứ hai cách đây hai năm, với tư cách là thành viên của Original-9.

Năm 2009, bà là nữ VĐV đầu tiên nhận Huân chương Tự do của Tổng thống Mỹ. Bà cũng được ghi danh vào bảo tàng những người phụ nữ nổi tiếng và được đưa vào danh sách “100 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất thế giới mọi thời đại”.