Ra mắt sách về bình đẳng giới tại nơi làm việc

NDO - Một cuốn sách về bình đẳng giới tại nơi làm việc của nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cung cấp những hiểu biết cơ bản, giúp bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về cơ cấu giới, cách thức vận hành, kiến tạo và tái tạo, khám phá tình hình thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc của một số doanh nghiệp tại Việt Nam…
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả trò chuyện tại tọa đàm. (Ảnh: Thanh Hoa)
Các diễn giả trò chuyện tại tọa đàm. (Ảnh: Thanh Hoa)

Sáng 19/3, tại Phố Sách Hà Nội, nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và doanh nghiệp xã hội ECUE tổ chức tọa đàm và giới thiệu sách “Bình đẳng giới tại nơi làm việc, những câu chuyện và giải pháp trong khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới”.

Thúc đẩy bình đẳng giới và quyền của phụ nữ ở nơi làm việc là một trong những vấn đề được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam rất quan tâm. Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Cuốn sách Bình đẳng giới tại nơi làm việc thuộc mảng sách nghiên cứu của Tủ sách Phụ nữ tùng thư giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn đối với các lập luận về sự cần thiết phải thực hiện bình đẳng giới trong doanh nghiệp, sự chuyển dịch các lập luận này từ quốc tế vào môi trường văn hóa Việt Nam.

Dù mới chỉ là nghiên cứu thăm dò trên cơ sở khảo cứu 30 doanh nghiệp cả quốc tế và Việt Nam, nhưng nhóm nghiên cứu đứng đầu là tiến sĩ Phạm Quốc Lộc và thạc sĩ Lê Quang Bình đã trình bày được rất nhiều kết quả thực sự rất lý thú và hữu dụng, rất đáng quan tâm khi chúng ta xác định phải tăng giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và cả nền kinh tế”.

Ra mắt sách về bình đẳng giới tại nơi làm việc ảnh 1

Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski phát biểu tại chương trình. (Ảnh: Thanh Hoa)

Ông Andrew Goledzinowski, Đại sứ Australia tại Việt Nam, chia sẻ: “Chiến lược Bình đẳng của Australia sẽ hỗ trợ quyền cho tất cả mọi người để họ được sống với nhân phẩm, sự an toàn và sự tôn trọng. Chiến lược tăng cường các nỗ lực dài hạn của Australia trong vấn đề bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời đáp ứng việc hòa nhập của người khuyết tật, các nhóm dân tộc thiểu số và cộng đồng LGBT”.

Ông Lê Quang Bình, Giám đốc ECUE, một tổ chức tham gia chương trình Investing in Women, cho rằng, vấn đề bình đẳng giới ở nơi làm việc rất quan trọng nhưng chưa được quan tâm tương ứng.

Cuốn sách nêu rõ thực trạng ở nước ta, vấn đề bình đẳng giới giúp cho các doanh nghiệp huy động được nguồn nhân lực nữ giới đóng góp vào sự đa dạng và thành công của một tổ chức; qua đây giúp tăng năng suất, tăng lợi nhuận tài chính của doanh nghiệp. Mặc dù có một số doanh nghiệp đã bắt đầu thúc đẩy bình đẳng giới, tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp này lại cho rằng không cần thực thi hay không cần có trách nhiệm với các giải pháp bình đẳng giới tại nơi làm việc, xếp bình đẳng giới vào mức độ ưu tiên thấp.

Như vậy, việc các doanh nghiệp không đề cập đến “giới tính” trong quảng cáo tuyển dụng và giới tính không phải là điều kiện thăng tiến nguyên nhân do nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp không tin có bất bình đẳng giới tại doanh nghiệp, cơ quan, công ty của họ. Sự không đề cập này vì thế thường sẽ được hiểu là không có sự phân biệt dẫn tới sự hiểu lầm là không có sự bất bình đẳng.

Bởi vậy, cuốn sách trên ra đời nhằm giúp bạn đọc trong và ngoài nước, những người nghiên cứu và quan tâm, bạn đọc yêu sách có những hiểu biết và nhận thức đầy đủ các vấn đề bất bình đẳng đang tồn tại trong tổ chức.

Cuốn sách cũng nêu ra các giải pháp toàn diện về nhận thức, nguồn lực, chính sách và văn hóa thúc đẩy bình đẳng giới cũng được giới thiệu trên các kinh nghiệm quốc tế và bài học thực tế tại Việt Nam. Đặc biệt, phải nói đến những nét lịch sử các làn sóng nữ quyền trên thế giới.

Cuốn sách “Bình đẳng giới tại nơi làm việc - Những câu chuyện và giải pháp trong khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam và trên thế giới” dày 247 trang, gồm 5 phần.

Tác phẩm giới thiệu các làn sóng nữ quyền phương Tây nhằm mục đích dẫn nhập các hệ tư tưởng về giới; kiến tạo giới ở Việt Nam nhằm cung cấp những hiểu biết cơ bản làm nền tảng một mặt tìm hiểu việc kiến tạo giới tại nơi làm việc; các vấn đề giới ở nơi làm việc giúp ta có cái nhìn rõ hơn về cơ cấu giới, cách thức vận hành, kiến tạo và tái tạo, đề xuất các giải pháp tại nơi làm việc; khám phá tình hình thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc của một số doanh nghiệp tại Việt Nam; kết luận và khuyến nghị.

Ban biên soạn cuốn sách cũng như tác giả chính của cuốn sách, Tiến sĩ Phạm Quốc Lộc, Hiệu trưởng trường đại học Thái Bình Dương mong rằng, cuốn sách sẽ làm phong phú hơn cách bạn đọc hiểu và thảo luận về vấn đề bình đẳng giới nói chung.

Tác giả cũng hy vọng, cuốn sách đem tới những góc nhìn mới, kích hoạt nhiều hơn những thảo luận đa chiều, đồng thời khơi gợi ra những đề tài nghiên cứu sâu hơn nữa.