Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình

NDO - Là dự án luật được dư luận xã hội, cử tri và nhân dân rất quan tâm, dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ tiếp tục được nghiên cứu sâu hơn, xem xét thấu đáo để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, nhằm sớm trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ tư.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Cần chính sách cụ thể hơn bảo vệ người yếu thế, trẻ em

Tại phiên thảo luận chiều 26/10, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm về dự thảo Luật này.

Bộ trưởng nhấn mạnh, so với Kỳ họp thứ ba, dự án Luật đã tiếp cận và hoàn thiện 4 mục tiêu lớn, trong đó mục tiêu xuyên suốt bao trùm là thể chế hóa các quan điểm của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị 06 của Ban Bí thư về xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc, cũng như thể chế hóa sâu hơn về quyền con người trong Hiến pháp 2013, bám sát các thông lệ, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, khắc phục những bất cập của bộ luật cũ.

Qua các ý kiến thảo luận chiều nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định, các đại biểu bày tỏ ủng hộ 5 nhóm vấn đề mới mà trong dự án Luật này đã đề cập.

Để hoàn thiện dự luật, sẽ phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, xem xét thấu đáo hơn các ý kiến góp ý để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Bộ trưởng cho biết, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu một cách thấu đáo những ý kiến của đại biểu để tham mưu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và giải trình.

Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình ảnh 1

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, qua 17 ý kiến thảo luận chiều nay, các đại biểu quan tâm đến vấn đề liên quan người yếu thế, mong muốn có những chính sách cụ thể hơn để bảo vệ trẻ em trong phòng, chống bạo lực gia đình.

“Đây là một chủ trương xuyên suốt và một điều rất trăn trở trong tất cả các cấp lãnh đạo của chúng ta cũng như những người đang làm luật. Vì vậy, tinh thần này đã xuyên suốt trong quá trình xây dựng luật và đã mở rộng hơn so với những đối tượng yếu thế khác”, Bộ trưởng cho biết.

Ngoài ra, nội dung này cũng thể hiện trong nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình được nêu tại Điều 4 về bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em, cũng như ở nhiều nội dung khác đã ghi trong các điều luật cụ thể. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra để làm rõ thêm nội hàm mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Quy định rõ hơn đối tượng, biện pháp xử lý bạo lực gia đình

Liên quan ý kiến các đại biểu đề cập trách nhiệm của công an xã quy định tại Điều 24 và khoản 3 Điều 20, theo Bộ trưởng, trên thực tế, hiện nay lực lượng công an xã đa số là công an chính quy, và trong chức năng, nhiệm vụ của công an, có chức năng về phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ.

Tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình ảnh 2

Đại biểu Quốc hội dự phiên họp tại Hội trường Diên Hồng chiều 26/10.

Theo Bộ trưởng, biện pháp này chính là hình thức về phòng ngừa xã hội và cũng chỉ áp dụng đối với trường hợp bạo lực gia đình do công an xử lý, cụ thể ở đây người bạo lực là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, với mục đích là làm rõ thông tin các vụ việc, chưa phải xử lý hành chính hay xử lý hình sự.

Liên quan các đối tượng được áp dụng như thành viên của gia đình quy định tại khoản 2 Điều 3, Bộ trưởng cho biết, đang có một khoảng trống trong xử lý vi phạm bạo lực gia đình đối với nhóm đối tượng đã ly hôn, ly thân, có quan hệ gia đình trước đây.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh phải đưa nhóm đối tượng này vào để áp dụng tương tự như thành viên của gia đình và điều này cũng không sai với các quy định hiện hành.

Nêu rõ 3 biện pháp mới hỗ trợ xử lý bạo lực gia đình trong dự án Luật, gồm yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an cấp xã giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực, thực hiện phục vụ công việc cộng đồng, Bộ trưởng cho rằng cần nghiên cứu thêm việc lựa chọn các biện pháp giữa góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư hay thực hiện nhiệm vụ phục vụ cộng đồng, để vừa có ý nghĩa giáo dục tự nguyện, đồng thời thể hiện mục tiêu giúp đỡ người có hành vi bạo lực gia đình nhận thức được hành vi sai trái của mình để khắc phục và hoàn thiện.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được Quốc hội thông qua tại phiên họp thứ hai, so với lần trước có nhiều điểm mới và đã được tiếp thu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng đây là một vấn đề rộng, khó để khu trú hết. Do đó, ngay sau phiên họp chiều nay, cơ quan soạn thảo sẽ bắt tay ngay xem xét, tiếp thu một cách đầy đủ nhất ý kiến của các đại biểu để tiếp tục chỉnh sửa các điều luật.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, đây là dự án Luật được dư luận xã hội, cử tri và nhân dân rất quan tâm, vì vậy phiên thảo luận tiếp tục nhận được nhiều ý kiến của đại biểu.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận và gửi đến các đại biểu Quốc hội, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm yêu cầu chất lượng, khả thi, thống nhất với các điều luật liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.