Nghiêm minh hơn với bạo lực gia đình

Sau gần 15 năm đi vào đời sống, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, từng cá nhân về phòng, chống bạo lực gia đình.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ những phát giác, tố cáo, lên tiếng của quần chúng, dư luận xã hội, nhiều vụ việc bạo lực gia đình được phát hiện, xử lý nghiêm minh. Nhờ đó, số vụ việc bạo lực gia đình trong cả nước giảm qua các năm. Tuy nhiên, trên thực tế, bạo lực gia đình vẫn là vấn nạn nhức nhối, ngày càng có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn, đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, thế hệ.

Theo số liệu khảo sát của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, trong 10 năm qua, có tới 76% số vụ ly hôn liên quan bạo lực gia đình. Đáng chú ý là, trong hơn hai năm dịch Covid-19, số vụ việc bạo lực gia đình có xu hướng tăng lên với mức độ nghiêm trọng hơn, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến một số vụ án mạng đau lòng xảy ra trong thời gian gần đây. Nạn nhân của bạo lực gia đình phần lớn rơi vào nhóm đối tượng phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật và trẻ em.

Các chuyên gia về giới nhận định, nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình là do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải, như nghiện rượu, cờ bạc, kinh tế khó khăn, người chồng có tính gia trưởng, mất vị trí trụ cột trong gia đình, con cái vi phạm pháp luật, chiếm tỷ lệ cao nhất 63,7%. Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết pháp luật, trình độ học vấn thấp, mang nặng tư tưởng về định kiến giới, tất yếu dẫn đến bạo lực gia đình.

Những nạn nhân của bạo lực gia đình, chủ yếu là phụ nữ, vợ có thái độ cam chịu, không muốn tố cáo, không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, xem vấn đề này là chuyện riêng của gia đình. Một nguyên nhân không thể không đề cập, chính là hình phạt đối với hành vi này còn quá nhẹ, không tương xứng với hậu quả mà nó gây ra. Do vậy, tính phòng ngừa răn đe còn hết sức hạn chế. Việc thực thi pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình hiệu quả chưa cao.

Các chuyên gia về giới cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng nêu trên là do các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay. Quá trình thi hành luật cũng xuất hiện nhiều hạn chế, nhất là vấn đề trách nhiệm và công tác phối hợp liên ngành trong phòng, chống bạo lực gia đình.

Để khắc phục, các chuyên gia cho rằng, cơ quan soạn thảo Luật Phòng chống, bạo lực gia đình (sửa đổi) cần tiếp tục nghiên cứu, bảo đảm tính bao quát của các hành vi bạo lực gia đình theo các dạng bạo lực: thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế. Cần bổ sung thêm các hành vi: cưỡng ép hoặc ngăn cản việc sử dụng các biện pháp tránh thai trái ý muốn; cưỡng ép sinh đẻ sớm, sinh đẻ nhiều, cưỡng ép mang thai hộ trái luật hoặc các hành vi gián tiếp: bao che, dung túng, cổ vũ hành vi bạo lực gia đình.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, luật không nên bỏ sót các trường hợp bạo lực gia đình, nhất là đối với con riêng của vợ, chồng hoặc những người đang chung sống với nhau như vợ chồng. Đề nghị, tại khoản 2 Điều 4 dự thảo của luật bổ sung thành viên gia đình của người đã ly hôn, người chung sống với nhau như vợ, chồng cũng là đối tượng áp dụng quy định nếu có hành vi bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để đưa người gây bạo lực, cũng là đối tượng của tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong phòng, chống bạo lực gia đình. Bởi nếu luật chỉ quy định về xử phạt vi phạm cấm tiếp xúc mà chưa coi người có hành vi bạo lực gia đình là đối tượng cần được trợ giúp tư vấn thì khó có thể giải quyết được gốc rễ vấn đề. Như vậy, hành vi bạo lực gia đình sẽ có nguy cơ tái diễn.

Bên cạnh việc Quốc hội bổ sung, hoàn thiện các quy định của luật, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Thực tế cho thấy còn không ít địa phương chưa thật sự quan tâm, đầu tư một cách thỏa đáng đến lĩnh vực gia đình. Cần nghiên cứu nhân rộng mô hình cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, nhà tạm lánh ở các địa phương. Kết quả thí điểm mô hình “Nhà bình yên” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang thực hiện hỗ trợ nạn nhân về nơi ở, về đời sống, về tâm lý, về pháp lý đã đem lại hiệu quả rất thiết thực trong việc hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình.