Tăng cường biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình

NDO - Sáng 24/8, tại Hà Nội, hơn 60 đại biểu đến từ các bộ, ngành Trung ương, cơ quan của Quốc hội và các tổ chức xã hội đã tham dự Hội nghị phản biện xã hội và đóng góp ý kiến phản biện nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị phản biện xã hội về dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sau hơn 14 năm thi hành đã có tác động tích cực trong đời sống; nhận thức của xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình được nâng lên, nhiều vụ bạo lực gia đình được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam, có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội, là tiếng chuông cảnh báo về sự suy thoái giá trị gia đình, giá trị dân tộc, những giá trị vốn là niềm tự hào của người Việt.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) lần này đã kế thừa những nội dung còn giá trị thực tiễn của luật hiện hành và có những quy định sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, chỉ thị 06 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình trong tình hình mới, góp phần giải quyết những thách thức hiện nay như: “Chưa xử lý triệt để tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục, sử dụng lao động trẻ em;… ”.

Dự thảo cũng đề ra những quy định mang tính đột phá trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có ưu tiên đến nhóm người bị bạo lực gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi... Tuy nhiên, để các quy định của luật bảo đảm tính khả thi, ngăn chặn các hành vi bạo lực gia đình, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện.

Bà Elisa Fernandez Saenz, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam đánh giá: “Mặc dù Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc cải thiện khuôn khổ chính sách về phòng chống bạo lực đối với phụ nữ nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, tuy nhiên các kết quả nghiên cứu cho thấy tình trạng bạo lực vẫn còn trầm trọng và không có nhiều chuyển biến tích cực. Một trong những nguyên nhân chủ chốt là vẫn còn độ vênh trong các văn bản pháp luật hiện tại so với các chuẩn mực quốc tế, dẫn đến hạn chế nguồn lực cho công tác Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ”.

Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã đưa ra các ý kiến về một số quy định của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), chú trọng vào những vấn đề nhằm bảo đảm bình đẳng giới và việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực là nhóm dễ bị tổn thương trong dự thảo Luật; nâng cao hiệu quả công tác hòa giải; tăng cường công tác xã hội hóa về phòng, chống bạo lực gia đình; một số khuyến nghị nhằm đáp ứng chuẩn mực quốc tế đối với dự thảo Luật…

Để tăng cường lồng ghép giới trong dự thảo Luật, các đại biểu cũng chỉ rõ cần tập trung vào việc giải thích nội hàm của bạo lực gia đình; tiếp tục chỉnh lý, xác định các hành vi bạo lực bảo đảm bao quát hơn các dạng thức của bạo lực; bổ sung nguyên tắc về chống phân biệt đối xử, định kiến, bổ sung đối tượng cần được ưu tiên trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị bạo lực; tăng cường cơ chế bảo vệ người bị bạo lực, nhất là trẻ em; gia tăng vai trò của các tổ chức, các thành viên trong gia đình trong bảo vệ người bị bạo lực…