Quản lý chặt các sàn thương mại điện tử, tiếp tục điều tra các vụ án điểm

NDO - Chiều 9/11, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ họp báo thường kỳ tháng 10/2024 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn. Tại họp báo, đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành đã trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan những vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Quang cảnh buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024 (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Quản lý chặt các sàn thương mại điện tử

Liên quan vấn đề quản lý các sàn thương mại điện tử, Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ đã tích cực làm việc với đơn vị chức năng, cũng như làm việc với đơn vị pháp lý của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới trên, yêu cầu phải khẩn trương đăng ký theo quy định pháp luật trong tháng 11. Trong thời gian đang thực hiện đăng ký, các sàn này cần thông báo chính thức về các ứng dụng, website là đang thực hiện thủ tục đăng ký; quá trình này phải dừng tất cả hoạt động thương mại, dịch vụ, quảng cáo, marketing để bảo vệ người tiêu dùng.

Ngoài ra, Thứ trưởng cũng cho biết, bộ cũng khẩn trương nghiên cứu các quy định pháp luật khác có liên quan về thương mại điện tử, thuế và các quy định khác... để đáp ứng yêu cầu tuân thủ pháp luật của Việt Nam. Hiện hai sàn thương mại điện tử đang phối hợp hợp tác với Bộ Công thương và trong tháng 11 phải hoàn thiện các quy định pháp luật.

Quản lý chặt các sàn thương mại điện tử, tiếp tục điều tra các vụ án điểm ảnh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ cũng đưa ra sau cảnh báo và triển khai nếu các sàn này không tuân thủ pháp luật Việt Nam sẽ phối hợp cơ quan chức năng thực hiện biện pháp kỹ thuật như ngăn chặn ứng dụng và ngăn chặn tên miền. Bộ cùng cơ quan chức năng tích cực tăng cường mạnh mẽ biện pháp thanh kiểm tra, truyền thông hướng dẫn người tiêu dùng, cảnh báo nguy cơ rủi ro khi giao dịch thương mại với sàn chưa được cấp phép, đẩy mạnh truyền thông Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ rà soát quy định pháp lý có liên quan, kiến nghị nghiên cứu biện pháp hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong thời gian tới.

Về quản lý thuế, ông Mai Sơn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, theo quy định về thuế của hoạt động thương mại điện tử, các sàn thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein phải có trách nhiệm đăng ký, tự tính, tự khai và nộp thuế vào Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài của Tổng cục Thuế. Nếu phát hiện nhà cung cấp nước ngoài kê khai không chưa đúng doanh thu, cơ quan thuế sẽ thực hiện đối chiếu dữ liệu để xác định Temu và nhà cung cấp nước ngoài thực hiện nghĩa vụ và thanh kiểm tra theo quy định nếu có dấu hiệu gian lận trốn thuế.

Đến nay có 116 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê khai nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử, với số thu lũy kế là 20.174 tỷ đồng, riêng 2024 số thuế này là 8.600 tỷ đồng, tăng 25,7% so với năm 2023.

Với Công ty Temu, ông Mai Sơn cho biết ngày 4/9, Công ty Lemun - chủ sở hữu Công ty Temu, đã thực hiện đăng ký thuế qua Cổng thông tin điện tử. Theo quy định của Thông tư 80, nhà cung cấp nước ngoài thực hiện kê khai theo quý. Vì vậy ngày 30/10/2024, công ty này đã kê khai và nộp tờ khai thuế quý III/2024, đang kê khai doanh thu bằng 0. Công ty này cũng kèm theo giải trình là doanh thu phát sinh tháng 10 sẽ được khai toàn bộ tờ khai của quý IV/2024.

Ông Mai Sơn khẳng định Bộ Tài chính sẽ giám sát và đôn đốc chặt chẽ hoạt động kê khai và nộp thuế của Temu, bảo đảm việc thu ngân sách nhà nước đúng đủ theo quy định pháp luật. Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ các cơ quan quản lý liên quan tới hoạt động sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, thực hiện công tác quản lý thuế kịp thời và đầy đủ.

Đối với quản lý thuế của người bán hàng và hộ kinh doanh sàn thương mại điện tử nói chung, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ sửa đổi Luật Quản lý thuế. Trong đó quy định nhà tổ chức quản lý sàn thương mại điện tử (trong nước và nước ngoài) có chức năng thanh toán, khấu trừ, nộp thuế thay thay cho hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên sàn. Như vậy khi luật thông qua sẽ ban hành quy định cụ thể, để các sàn phối hợp hỗ trợ với cơ quan thuế, bảo đảm sự thống nhất thực hiện quy định về thuế.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án điểm

Thông tin về vụ án xảy ra tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, ngày 16/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án tham ô tài sản và lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ xảy ra tại SJC và các đơn vị có liên quan.

Đến nay, Bộ Công an đã khởi tố 6 bị can về hai nhóm tội danh "tham ô tài sản" và "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, các bị can đã lợi dụng việc mua bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ sổ sách, chiếm đoạt tài sản.

Hiện nay, Bộ Công an đang tập trung củng cố tài liệu chứng cứ, mở rộng điều tra, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt.

Về sai phạm liên quan Tập đoàn Thuận An, thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết cuối tháng 10/2024, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can điều tra hành vi đưa và nhận hối lộ tại tỉnh Đắk Lắk. Ba người bị khởi tố gồm: ông Phạm Văn Hạ, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp-phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk; ông Lê Đình Hải, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sài Gòn và ông Hoàng Đình Chương, Giám đốc Công ty TNHH An Nguyên.

Hiện nay Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ dấu hiệu sai phạm trong việc đấu thầu, triển khai dự án của Tập đoàn Thuận An, đồng thời tập trung lực lượng mở rộng điều tra vụ án, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước, đề xuất xử lý nghiêm minh sai phạm của các bị can.

Quá trình điều tra các bị can đã thừa nhận sai phạm, tự nguyện nộp, vận động gia đình khắc phục hậu quả vụ án. Đến nay, cơ quan điều tra đã thu giữ 122 tỷ đồng, 130.000 USD có liên quan sai phạm của các bị can, người liên quan vụ án.

Về diễn biến mới nhất liên quan vụ án tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Dương, Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam và các đơn vị liên quan, thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, ngày 27/10 Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bổ sung vụ án gây ô nhiễm môi trường, khởi tố bị can, áp dụng các biện pháp ngăn chặn với 3 người về tội gây ô nhiễm môi trường.

Gỡ khó để giải quyết 2 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận: Dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 đã được triển khai xây dựng từ năm 2015. Trong quá trình thực hiện dự án, thi công, tổ chức thực hiện hợp đồng có nhiều vướng mắc liên quan. Đầu năm 2021 dự án đã tạm dừng thi công. Từ đó đến nay vẫn chưa giải quyết được những vướng mắc, chưa có cơ chế xử lý những vấn đề khó khăn liên quan đến dự án.

Quản lý chặt các sàn thương mại điện tử, tiếp tục điều tra các vụ án điểm ảnh 2

Thứ trưởng Y tế Lê Đức Luận thông tin tới báo chí về tiến độ giải quyết vướng mắc liên quan đến 2 dự án Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước tình hình đó, năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 40/QĐ-TCT, thành lập tổ công tác của Chính phủ, trong đó có đại diện Bộ Y tế, và có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, để thực hiện nhiệm vụ rà soát những khó khăn, vướng mắc của dự án, đề xuất các phương án để giải quyết, tháo gỡ, xử lý cho dự án được tiếp tục, hoàn thiện để phục vụ nhân dân.

Trong thời gian qua, Tổ công tác của Chính phủ và Bộ Y tế đã nhiều lần rà soát hồ sơ của dự án và đánh giá một cách toàn diện những vấn đề pháp lý và vi phạm có liên quan; nghiên cứu, xác định những khó khăn, vướng mắc cơ bản cần phải tháo gỡ. Trên cơ sở đó, đề xuất các phương án để xử lý, giải quyết. Bộ Y tế và Tổ công tác đã có nhiều báo cáo gửi Chính phủ và trực tiếp báo cáo tại các cuộc họp. Cho đến nay, Bộ đang hoàn thiện phương án để báo cáo tiếp, sẽ đề nghị, đề xuất với Chính phủ và các cấp có thẩm quyền về phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với hai dự án này. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành để có phương án khả thi, sớm trình các cấp có thẩm quyền cho phép có cơ chế giải quyết các khó khăn, vướng mắc này. Trên cơ sở đó, các bệnh viện này sẽ tiếp tục xây dựng, đi vào hoạt động.

Về Bệnh viện Bạch Mai, khối lượng hoàn thành cũng đã trên 90%, Bệnh viện Việt Đức khoảng 60%. Hôm nay, nhà thầu Bệnh viện Việt Đức đang khởi động lại, tiếp tục thi công dự án.