Sau khi thành công tại Mỹ, Temu nhanh chóng mở rộng phạm vi hoạt động ra khoảng 40 quốc gia trên thế giới và đã có nhiều khách hàng ở nhiều thị trường lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc. Có được kết quả này là nhờ Temu có chính sách kết nối người tiêu dùng trực tiếp với các nhà máy ở Trung Quốc, cộng thêm triển khai các chương trình chiết khấu, khuyến mãi cao. Tuy nhiên, chính điều này làm dấy lên lo ngại ở nhiều quốc gia bởi nghi ngờ “cạnh tranh không lành mạnh” và nguy cơ phá hủy hệ thống sản xuất nội địa. Nhiều quốc gia đang tìm cách siết hoạt động của Temu trước nỗi lo hàng giá rẻ và kém chất lượng.
Tại thị trường Việt Nam, Temu nhanh chóng mở rộng tầm ảnh hưởng bằng hàng loạt chương trình quảng cáo trên các mạng xã hội cũng như khuyến mãi, thưởng và chiết khấu cao. Sàn này công bố, nếu mời được người đăng ký mới, người dùng được nhận ngay 150.000 đồng và mời càng nhiều nhận càng nhiều. Với mỗi người mua hàng, người dùng sẽ kiếm được 10-30% tiền hoa hồng, cộng thêm voucher giá trị,… Tuy nhiên, đây đều là các hoạt động “chui” vì theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), Temu chưa được cấp phép hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.
Thực tế không chỉ Temu mà nhiều sàn thương mại điện tử xuyên biên giới khác như Shein, 1688,… đều đã hoạt động tại Việt Nam nhưng chưa được cấp phép. Theo các chuyên gia, sự tham gia của nhiều sàn thương mại điện tử nước ngoài dù gây sức ép cạnh tranh cho các sàn Việt Nam, nhưng người tiêu dùng cũng hưởng lợi nhờ mua được sản phẩm giá rẻ. Tuy nhiên, nếu mua hàng trên các sàn hoạt động “chui”, khách hàng sẽ phải chịu nhiều rủi ro bởi không được pháp luật bảo vệ, nhất là hầu hết các sàn đều đang áp dụng chính sách yêu cầu thanh toán trước trong khi dịch vụ đổi trả hàng chưa rõ ràng.
Mặt khác, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới với chiến lược bán hàng giá rẻ sẽ gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất trong nước, nhất là đối với các doanh nghiệp hàng may mặc, đồ gia dụng,… Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu, đánh giá tác động có thể ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa và doanh nghiệp trong nước (cả doanh nghiệp thương mại điện tử, dịch vụ và sản xuất,…); từ đó, nhanh chóng có biện pháp siết chặt quản lý, ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ hợp lý các doanh nghiệp trong nước cũng như lợi ích của người tiêu dùng.
Ngày 27/10, Bộ trưởng Công thương có văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động “chui”. Các lực lượng chức năng sẽ tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại. Những động thái mạnh tay này, sẽ giúp giảm bớt tác động tiêu cực từ các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đến doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước.