Tiếng vọng lịch sử từ Di chỉ Thác Hai

Di chỉ khảo cổ học Thác Hai được Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai quật trong các năm 2021 và 2022, đã thu được nhiều di vật, hiện vật quý, độc đáo, lần đầu được phát hiện trong khu vực Tây Nguyên. Trong đó có bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đã được công nhận là Bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk. Tại lần khai quật thứ ba vừa qua, nhiều di vật quý tiếp tục được phát hiện, mở ra nhiều khám phá về lịch sử vùng đất cao nguyên.
Các di vật, hiện vật quý thu thập được trong đợt khai quật lần thứ 3 năm 2024 tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.
Các di vật, hiện vật quý thu thập được trong đợt khai quật lần thứ 3 năm 2024 tại Di chỉ khảo cổ học Thác Hai được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk.

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk Đinh Một cho biết, Di chỉ khảo cổ học Thác Hai thuộc thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp được Bảo tàng Đắk Lắk phát hiện năm 2020. Sau đó, với sự phối hợp của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, di chỉ được khai quật lần thứ nhất vào tháng 3/2021, lần thứ hai từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022. Kết quả khai quật qua các đợt đã thu được rất nhiều di tích, di vật, cho thấy đây là một di chỉ phức hợp bao gồm cư trú-mộ táng-công xưởng rất quan trọng.

Tại đây, các nhà khảo cổ học đã xác định được tầng văn hóa dày khoảng 2m đến 2,3m, bên trong chứa các di tích như mộ táng, hố đất đen,… cùng nhiều di vật như bàn mài, rìu, bôn, bàn đập vỏ cây bằng đá. Đáng chú ý, trong các đợt khai quật đã thu được nhiều di vật, hiện vật quý, độc đáo lần đầu được phát hiện trong khu vực Tây Nguyên; trong đó có bộ “Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai” đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk vào năm 2023.

Nhận thức được tầm quan trọng của Di chỉ khảo cổ học Thác Hai đối với việc nghiên cứu lịch sử Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung, để một mặt thu thập thêm các thông tin khoa học có giá trị, mặt khác kịp thời đưa lên khỏi lòng đất những di tích, di vật quý giá nhằm bảo quản, lưu giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ nhân dân, tránh tình trạng mất mát do thiên nhiên gây nên, Bảo tàng Đắk Lắk đã tiếp tục khai quật Di chỉ Thác Hai lần thứ ba trong năm nay, từ ngày 26/6 đến ngày 28/7.

Theo ông Trần Quang Năm, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, quá trình khai quật đã thu thập được các di vật, hiện vật phong phú với những thông tin khoa học quan trọng, có nhiều điểm mới so với hai lần khai quật trước, góp phần làm rõ thêm nội dung văn hóa và tính chất của Di chỉ khảo cổ học Thác Hai.

Cụ thể, trong đợt khai quật lần này, chỉ với diện tích khai quật 20m2, đoàn khai quật đã xác định được tầng văn hóa dày khoảng 2m, nhưng điều khá bất ngờ là bên trong chứa các di tích như mộ táng, cùng nhiều di vật quý như bàn mài, rìu, bôn… Qua sàng đãi đã thu được hơn 1.000 hạt chuỗi bằng chất liệu thủy tinh, gần 3.000 mũi khoan và phác vật bằng các loại đá opal, jasper, silic, phtanite… cùng hàng vạn vảy tước. Đặc điểm nổi bật của mũi khoan là được mài trau chuốt và hầu hết chưa qua sử dụng; đồ gốm khá phong phú về chủng loại gồm có các loại hình bình, nồi, chum, vò, bát bồng… mang nhiều kích cỡ khác nhau. Trong đó, đồ đá là di vật chủ đạo, số lượng nhiều nhất là sưu tập mũi khoan, bàn mài, rìu, mảnh dao, hòn ghè và bàn kê.

Đồ gốm, bao gồm các mảnh miệng, mảnh thân, đáy, chân đế của các loại hình đồ đựng và các loại đồ tùy táng trong các cụm mộ táng. Điều đặc biệt là trong đợt khai quật lần này, đoàn khai quật phát hiện năm dọi se sợi nằm cạnh các mộ táng, đây là lần đầu tiên phát hiện hiện vật dọi se sợi tại các di chỉ khảo cổ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, chứng minh cho hoạt động dệt vải được phổ biến ở khu vực này. Đồ thủy tinh cũng được tìm thấy trong hố khai quật, hầu hết là loại hình hạt chuỗi.

Theo ông Trần Quang Năm, thông qua đặc điểm di tích, di vật cùng các kết quả phân tích niên đại C14, các nhà khảo cổ xác định Di chỉ Thác Hai nằm trong khung niên đại từ khoảng 4000 năm cho đến khoảng 2000 năm cách ngày nay, tồn tại kéo dài trong khoảng thời gian hơn 1000 năm. Qua tổng thể di tích và di vật, có thể thấy Thác Hai là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, vừa là một công xưởng chế tác mũi khoan đá có quy mô lớn.

Bên cạnh những giá trị về mặt khoa học, kỹ thuật, sưu tập mũi khoan đá tại Thác Hai còn là nguồn tư liệu quý để tìm hiểu về mạng lưới buôn bán, trao đổi và giao lưu văn hóa ở Tây Nguyên trong giai đoạn tiền-sơ sử. Các nhà khảo cổ học nhận định bước đầu có thể thấy Di chỉ Thác Hai có mối quan hệ gần gũi với các văn hóa khảo cổ ở Tây Nguyên như Biển Hồ ở tỉnh Gia Lai hay Lung Leng, Plei Krông ở tỉnh Kon Tum. Mối quan hệ với văn hóa Biển Hồ thể hiện qua các loại hình đồ gốm và các kiểu trang trí hoa văn trên đồ gốm. Với Lung Leng, nhất là Plei Krông, địa điểm phát hiện khá nhiều đồ gốm là sự tương đồng về kiểu dáng như nồi đáy tròn có chân đế; loại hình nồi, vò, bình con tiện... Ngoài ra, là sự có mặt của loại hình rìu, bôn răng trâu ở địa điểm Thác Hai trước đây chỉ tìm thấy chủ yếu ở tỉnh Gia Lai, Kon Tum.

Không chỉ có mối quan hệ với các văn hóa, nhóm di tích ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, Di chỉ Thác Hai còn có mối quan hệ với văn hóa Tiền Sa Huỳnh-Sa Huỳnh ở ven biển miền trung, thể hiện qua một số đồ gốm thân gãy góc, sự có mặt của bôn răng trâu và nhất là sự có mặt phổ biến của hạt chuỗi đơn sắc Indo-Pacific.

Chung quanh Di chỉ Thác Hai, dọc theo dòng sông Ea H’leo, các nhà khảo cổ cũng đã nhận diện được một số địa điểm có đá nguyên liệu, mảnh tước, mũi khoan… có nét tương đồng với Thác Hai, mở ra khả năng về sự có mặt của một hệ thống công xưởng tồn tại dọc theo sông Ea H’leo, cung cấp sản phẩm cho các địa điểm Tiền Sa Huỳnh-Sa Huỳnh ở phía ven biển phía đông và các địa điểm khảo cổ ở Campuchia phía tây. Trong bối cảnh đó, Di chỉ Thác Hai với sưu tập mũi khoan đá nổi lên như một điển hình, một trung tâm thủ công nghiệp của thời đại, với những minh chứng rõ ràng về một công xưởng lớn chế tác mũi khoan đá tại chỗ.

Giám đốc Bảo tàng Đinh Một nhận định: Cho đến nay, Thác Hai là di chỉ khảo cổ học có tầng văn hóa dày nhất ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung, thể hiện sự cư trú lâu dài và liên tục trong khoảng thời gian hơn 1000 năm, đồng thời đây được xem là công xưởng chế tác mũi khoan bằng đá duy nhất ở Tây Nguyên cho đến thời điểm hiện nay. Trong đợt khai quật lần thứ ba này, dù chỉ đào trên một diện tích nhỏ hẹp khoảng 20 m2, nhưng đã phát hiện ra một số điểm mới so với hai đợt khai quật trước như: Lần đầu tiên tìm thấy các dọi se sợi trong tầng văn hóa, xuất lộ khá nhiều mảnh đá trang sức khoan dở, khoan hoàn thiện, các mảnh gãy vỡ, qua đó gợi mở khả năng về hoạt động sản xuất trang sức đá ở Thác Hai. Đây là một trong những phát hiện có ý nghĩa đối với việc nghiên cứu vùng đất Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung ■