Chuyện kể văn hóa qua những tấm biển xưa

NDO - Giữa phố cổ Hà Nội nhộn nhịp, những tấm biển hiệu nhuốm màu thời gian vẫn tồn tại như những chứng nhân “đặc biệt” của lịch sử. Hằng thập kỷ lặng lẽ chứng kiến bao thăng trầm cuộc sống, những tấm biển thuở ấy ẩn chứa trong mình nhiều vỉa tầng văn hóa giá trị.

Hình ảnh những biển hiệu được vẽ tay, khắc nổi trên nóc nhà gắn liền với ký ức nhiều người Hà Nội về một thời kỳ đã xa. Đó là thời kỳ mà tên cửa hàng không chỉ là cái tên đơn thuần mà còn mang theo một phần ký ức và cả nét đặc trưng của từng con phố.

Phố thuở đó không nhiều nhà cao tầng như bây giờ. Hễ muốn mua gì, tìm gì, người ta chỉ cần nhìn vào tên cửa hiệu. Tên của các hiệu buôn ngày ấy thường rất đơn giản, cốt để khách dễ dàng nhận biết, thường trực tiếp lấy tên chủ, phía dưới ghi thêm vài mặt hàng kinh doanh, cứ thế, những tấm biển viết nên bao câu chuyện về Hà Nội xưa cũ.

Đến nay, Hà Nội đã chứng kiến nhiều sự đổi thay. Nhưng ở đâu đó, nép mình bên những tòa nhà cao tầng vẫn là những tấm biển hiệu thuở ấy - những chứng nhân của một Hà Nội xưa. Trân trọng mời bạn đọc cùng Báo Nhân Dân điểm qua một vài “hồn xưa dấu cũ" đất Hà Thành qua những tấm biển xưa.

Khuôn 59 Hàng Quạt - Hồn cốt văn hóa ẩn trong chất “ngông” nghệ sĩ:

Chuyện kể văn hóa qua những tấm biển xưa ảnh 1
Tấm biển “Khuôn: Bánh - Xôi - Oản” hơn 40 năm tuổi đời tại phố Hàng Quạt.

Biển “Khuôn: Bánh - Xôi - Oản” (59 Hàng Quạt, Hoàn Kiếm, Hà Nội) gắn liền với cuộc đời của người nghệ nhân Phạm Văn Quang khi ông còn đôi mươi. Đến nay, biển đã có tuổi đời gần nửa thập kỷ. Được biết, tấm biển được chính tay ông thiết kế, chỉ vỏn vẹn 4 từ "Khuôn: Xôi - Bánh - oản". Biển vừa có cái lạ, thể hiện cái tôi của một người nghệ sĩ, lại rất phù hợp với lối sống vội vã hiện đại.

Không quảng cáo rầm rộ nhưng cửa tiệm của ông Quang vẫn thu hút, giữ chân những vị khách cần và yêu mến tài hoa của ông. Với lòng tự tôn của một người nghệ nhân, ông Quang chia sẻ: “Tôi không bao giờ mời chào khách. Khách hàng có thể tự do trải nghiệm, nếu thích có thể mua hàng. Tôi chỉ cần những người thợ làm nghề, thợ học việc sau này mở lò biết địa chỉ và tìm đến tôi.”

Chiếc biển đặc biệt ở số 59 Hàng Quạt đã trải qua hơn 40 năm thầm lặng, lắng nghe tiếng đục, dũa, mài sớm tối của người nghệ nhân. Ít ai biết rằng, tấm biển ấy đã cất giấu hàng thập kỷ những câu chuyện về một người con yêu văn hoá đất Việt.

Dưới bàn tay khéo léo của thợ lành nghề, những chiếc khuôn bánh trung thu của ông Quang đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật kể chuyện về văn hóa. “Yêu văn hóa là một chuyện nhưng để vận dụng văn hóa không phải dễ. Có người nhìn chỉ thấy khúc gỗ. Còn tôi quan sát, lắng nghe nguyện vọng của khách hàng, kết hợp với tư duy, kỹ năng. Mượn của người, thêm, bớt thành tác phẩm của mình. Đó là chắt lọc văn hóa”, ông Quang cho hay.

Một đợt nọ có khách đặt mua chiếc khuôn hình hoa sen dựa theo họa tiết của một bức vách. Thay vì chỉ đơn thuần sao chép các mẫu hoa sen truyền thống, ông Quang đã lấy cảm hứng từ tranh Đông hồ Đàn lợn âm dương để làm nên cái mới từ chất liệu cũ.

Theo như ông chia sẻ, tranh có 5 chú lợn con, tượng trưng cho Ngũ Phúc Lâm Môn, tức là năm cái phúc tới nhà, bao gồm: Phúc-Lộc-Thọ-Khang-Ninh. Theo quan niệm của người Việt, Phúc là những điều may mắn, tốt lành; Lộc là phú quý, tiền của đầy nhà; Thọ là trường thọ, tồn tại với thời gian; Khang là sống lành mạnh, an khang; Ninh là cuộc sống bình an, tự do và ổn định.

Chuyện kể văn hóa qua những tấm biển xưa ảnh 2
Mộc bản tranh Đông Hồ Đàn lợn âm dương.

Từ hình tượng Ngũ Phúc Lâm Môn ứng dụng vào bông sen của khách, ông đã tinh tế "mượn” những đường nét mềm mại, thanh thoát của cánh sen thay cho bông sen không ưng ý. Đó chính là tài năng của một người nghệ sĩ: biết cách "mượn" những gì tinh túy nhất từ thiên nhiên, từ cuộc sống và từ chính những tác phẩm nghệ thuật đi trước để tạo nên một tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân.

Chuyện kể văn hóa qua những tấm biển xưa ảnh 3
Mộc bản Ông Hổ (bên trái ngoài cùng).

Văn hóa dân gian là “văn hóa gốc”, “văn hóa mẹ” và cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho người nghệ nhân Phạm Văn Quang. Được biết, bên cạnh tranh Đông Hồ, mộc bản Ông Hổ được ông Quang xin từ chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) cũng là minh chứng cho tình yêu văn hóa của ông.

Cầm trên tay mộc bản, ông Quang tự hào giới thiệu: “Nhìn thì ai cũng biết là hổ nhưng ít ai biết hổ Việt Nam khác với hổ Trung Quốc. Hổ nước bạn trợn mắt, nhe răng. Còn hổ Việt Nam mặt hiền từ nhưng dáng đứng lại vô cùng hiên ngang. Đây mới là văn hóa Việt Nam, mang theo bản chất con người Việt Nam”.

Cũng theo ông Quang, việc lưu giữ và phát huy giá trị của những mộc bản cổ như vậy không chỉ góp phần bảo tồn nghệ thuật của người xưa mà còn giúp lan tỏa văn hóa Việt. Nhiều khách du lịch nước ngoài tới đây đã có dịp chiêm ngưỡng và bày tỏ sự thích thú trước những tác phẩm nghệ thuật được ông trưng bày, ông cho biết.

Ich-An 42 Hàng Cân - hạt giống thiện lành trên mảnh đất trăm năm

Chuyện kể văn hóa qua những tấm biển xưa ảnh 4
Biển “Ich-An” nép mình trong căn nhà cổ trăm tuổi tại phố Hàng Cân.

Biển "Ich-An" tại 42 phố Hàng Cân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vốn nổi tiếng là “thương hiệu” dành cho những người yêu thích giấy Dó. Không những thế, tấm biển còn là lời “tuyên ngôn” cho những giá trị tốt đẹp của gia đình bà Lê Thị Minh Tâm.

Biển “Ich-An” không đơn thuần là tấm biển quảng cáo mà còn là linh hồn của ngôi nhà số 42 Hàng Cân. Hai chữ "Ich-An" vừa rộng lại vừa sâu. "Ich" là lợi ích, là việc làm có ích cho bản thân, gia đình và xã hội. "An" là bình an, là sự yên ổn trong tâm hồn. Hai chữ “Ich”, “An” kết hợp lại như một lời cầu chúc cho gia đình luôn bình an, hạnh phúc, hướng về cái thiện, tránh xa cái ác.

Theo lời bà Tâm, mảnh đất mà gia đình bà đang sinh sống vốn là vùng đất hoang sơ, được phù sa sông Hồng bồi đắp qua bao mùa lũ. Cây cối um tùm, muông thú sinh sôi khiến đất xấu, không phù hợp để sinh sống. Các cụ trong gia đình thời đó lại có truyền thống thờ Phật, tu tâm dưỡng tính. Kỳ lạ thay, từ khi có Phật pháp ngự trị, đất hiền, con người cũng trở nên hiền hòa hơn. Cũng vì lẽ ấy mà các bậc tiền nhân lấy làm tâm đắc, cảm kích, đề ra hai chữ “Ich-An”.

Kể từ khi được khai sinh đến nay, biển "Ich-An" vẫn được coi là lời nhắc nhở về những giá trị cổ truyền và đạo lý sống của gia đình. Khắc cốt ghi tâm lời răn dạy của bậc tiền nhân, nhiều thế hệ trong gia đình của bà Tâm đều là người có học thức, làm nhiều việc thiện giúp ích cho đời. Trước kia, gia đình có công nuôi cán bộ cách mạng, về sau dòng họ lại tự hào có cố GS Trần Hữu Tước - người trí thức tiêu biểu ngành y. Đến nay, tinh thần “ích quốc lợi dân” vẫn được gia đình kế thừa. Nhiều người con, cháu của bà Tâm hiện đang công tác trong lĩnh vực y học, tiếp tục gìn giữ những giá trị tốt đẹp của cha ông.

Không chỉ có truyền thống nhiều đời làm việc thiện, gia đình bà Tâm còn rất chú trọng tới những nét đẹp văn hóa của dân tộc, đặc biệt là tục thờ cúng tổ tiên. Khắc ghi lời nhắc nhở “hướng về cội nguồn” của người đi trước, bà Tâm, người giữ hồn cho căn nhà cổ chia sẻ: “Trước kia khi mới về nhà, tôi còn nhiều lạ lẫm. Nhờ có các cụ dạy bảo, tôi biết được lễ nghi, biết cách tụng kinh, thờ phụng gia tiên như một cách bày tỏ lòng thành kính với người đi trước.”

Cũng theo lời bà, phải có “duyên” lắm mới được các cụ “chọn mặt gửi vàng”, giao phó cho trọng trách trông nom căn nhà cổ gắn liền với hai chữ “Ich - An”. Đây cũng là cơ duyên đưa bà đến với công việc kinh doanh giấy Dó mà theo bà vừa giúp lưu giữ nghề truyền thủ công truyền thống, vừa giúp gìn giữ chất riêng của ngôi nhà. “Nhà là nhà cổ, nếu kinh doanh mặt hàng khác phải trang trí, gia công lại. Kinh doanh giấy Dó vừa giữ nghề, lại giữ nhà”, bà chia sẻ.

Chuyện kể văn hóa qua những tấm biển xưa ảnh 5
Nghề bán giấy Dó được gìn giữ trong căn nhà cổ.

Dạo bước nơi phố phường Hà Nội, những tấm biển từ thế kỷ trước giờ chỉ còn lác đác đâu đó vài biển. Biển dù cũ, dù sờn theo năm tháng nhưng vẫn còn đó, tiếp tục ngắm nhìn sự thay da đổi thịt của phố phường. Những tấm biển như thế đã hòa thành một phần của nhịp sống hiện đại, của văn hóa tồn tại theo thời gian.