Tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các di tích lịch sử-văn hóa

NDO - Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung và thành phố Tam Điệp nói riêng cơ bản được thực hiện khá toàn diện, bảo đảm các quy định của pháp luật, thu hút được nhiều du khách thập phương về tham quan, chiêm bái. Tuy nhiên, tại một số khu di tích công tác quản lý vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, nguồn kinh phí thu được từ tiền công đức, dầu nhang… chưa được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, thiếu minh bạch… gây bức xúc trong dư luận.
Đền Quán Cháo, thành phố Tam Điệp có từ khoảng cuối thế kỷ 18. Năm 2009, đền này được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. (Ảnh: XUÂN CƯƠNG)
Đền Quán Cháo, thành phố Tam Điệp có từ khoảng cuối thế kỷ 18. Năm 2009, đền này được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. (Ảnh: XUÂN CƯƠNG)

Cụ thể, tại đền Quán Cháo và đền Dâu trên địa bàn thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình, công tác quản lý tại 2 di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh này còn nhiều khó khăn, phức tạp, tồn tại trong thời gian dài, cần sớm được các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm theo các quy định hiện hành.

“Thần thánh chẳng của riêng ai”

Đền Dâu nằm trên địa bàn hành chính phường Nam Sơn và đền Quán Cháo nằm trên địa bàn hành chính phường Tây Sơn, thành phố Tam Điệp, nhưng lại được hơn 100 “ông từ” đến từ tổ dân phố Lý Nhân, phường Yên Bình, cách đó chừng 5-6km quản cai và trông giữ từ nhiều năm nay.

Nguồn thu từ năm 2023 trở về trước hầu như chưa được thống kê đầy đủ, không báo cáo Ủy ban nhân dân phường, sử dụng chủ yếu để chia cho hơn 100 thành viên tổ trực đền của tổ dân phố Lý Nhân, phường Yên Bình… Vấn đề này đã được thành phố nhiều lần chấn chỉnh, tuy nhiên một bộ phận không nhỏ các thành viên tổ trực đền còn xem nhẹ vai trò quản lý của nhà nước tại 2 khu di tích lịch sử-văn hóa này.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Tam Điệp Vũ Đình Chiến cho biết, đền Dâu có từ trước năm 1592, đền Quán Cháo có từ khoảng cuối thế kỷ 18. Đây là nơi gắn liền với chiến công hiển hách của vua Quang Trung-Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh.

Trước kia, 2 ngôi đền này do nhân dân xã Lý Nhân, thuộc tổng Đàm Khánh, huyện Yên Mô (gồm địa phận các phường Yên Bình, Tân Bình, Bắc Sơn, Trung Sơn, Tây Sơn và Nam Sơn hiện nay) và các địa phương cùng nhau cúng tiến, xây dựng nên.

Năm 2009, 2 ngôi đền này được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. Tuy nhiên, nhiều người dân ở tổ dân phố Lý Nhân, thuộc phường Yên Bình, cho rằng, hai ngôi đền này thuộc sở hữu và quản lý của xã Lý Nhân xưa và giờ là tổ dân phố mang tên Lý Nhân hiện nay.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các di tích lịch sử-văn hóa ảnh 1

Đền Dâu có từ trước năm 1592, thuộc tổng Đàm Khánh, huyện Yên Mô (gồm địa phận các phường Yên Bình, Tân Bình, Bắc Sơn, Trung Sơn, Tây Sơn và Nam Sơn hiện nay) và các địa phương cùng nhau cúng tiến, xây dựng nên. (Ảnh: VĂN LÚA)

Liên quan đến vấn đề này, mới đây Ủy ban nhân dân thành phố Tam Điệp đã trình văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình xem xét sửa đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất liên quan đến 2 di tích này theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Văn bản nêu rõ: “… Việc quản lý 2 di tích do thôn Lý Nhân (nay là tổ dân phố Lý Nhân) trong thời gian qua có nhiều vi phạm gây bức xúc cho cử tri và nhân dân thành phố, nhất là việc lợi dụng vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp để các đối tượng kích động, lôi kéo người dân đấu tranh làm mất an ninh trật tự trên địa bàn và không thực hiện việc quản lý di tích lịch sử-văn hóa theo Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND ngày 14/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình…”

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Tam Điệp Mai Lương Tá cho biết, từ tháng 10/2023, Ủy ban nhân dân thành phố Tam Điệp đã ban hành quyết định thành lập Ban Quản lý.

Công tác quản lý di tích lịch sử-văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo theo mô hình mới này đã được thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn của địa phương, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở; được cử tri và nhân dân thành phố đánh giá cao, nhất là nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Yên Bình, Nam Sơn và Tây Sơn.

Đến nay, các hoạt động quản lý di tích đền Dâu, đền Quán Cháo đã bước đầu thực hiện theo quy chế hoạt động của Ban Quản lý di tích và nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ và nhân dân thành phố.

Tuy nhiên, việc quản lý di tích lịch sử-văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai một số nội dung quản lý di tích chưa có sự phối hợp của Tổ trực đền thuộc tổ dân phố Lý Nhân, không thực hiện sự chỉ đạo của Ban Quản lý và Ủy ban nhân dân thành phố.

Nguồn thu từ các khoản tài trợ, công đức, dầu nhang chưa được quản lý tập trung theo quy định tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính …

“Lộn xộn” két, hòm dầu nhang…

Bước vào không gian linh thiêng của 2 di tích này, ngoài việc tham quan thắng cảnh, chiêm bái, du khách còn khá bất ngờ và đôi khi “lúng túng” bởi trong một không gian thờ tự không rộng lớn nhưng khá nhiều các “két dầu nhang”, “hòm công đức” và đĩa dùng để đựng tiền trên các ban thờ được bố trí dày đặc.

Một “ông từ” đến từ tổ dân phố Lý Nhân cho biết: “hòm công đức là của thành phố quản lý, còn két dầu nhang là của “nhà đền” quản lý thu chi”. Công của những người trông đền như chúng tôi hưởng từ tiền trong két dầu nhang và trên các điện thờ”.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Yên Bình Dương Quốc Tuấn cho biết, chỉ tính từ năm 2018-2023, phường Yên Bình đã phải 8 lần kiện toàn Ban Quản lý, trong đó, có 5 lần kiện toàn là do mâu thuẫn giữa những thành viên trực đền. Đến nay, chưa có số liệu chính xác nào nói về số tiền “công đức” đã từng thu được từ trước đến hết năm 2023.

Theo số liệu báo cáo của Ủy ban nhân dân thành phố Tam Điệp:

Từ tháng 6/2021 đến tháng 3/2023, số tiền thu được là hơn 18,3 tỷ đồng, đã chi hết hơn 16 tỷ đồng, trong đó cần phải kể tên một số khoản chi đáng quan ngại: (1) Ủng hộ phường 150 triệu đồng; (2) Nộp về chi hội Người cao tuổi tổ dân phố Lý Nhân 200 triệu; (3) Tham quan du lịch 500 triệu đồng; (4) Nộp phúc lợi cho tổ dân phố Lý Nhân hơn 1,5 tỷ đồng; (5) Bồi dưỡng thành viên trực đền 12,8 tỷ đồng.

Một người đi trực đền được trả các khoản sau: Tiền ăn, tiền ca, tiền lễ dao động từ 600-800.000đ/ngày (thời gian trực 3 ngày/ca/tháng/người). Đồng thời, cuối tháng nhận thêm từ 3-5 triệu/tháng (thường được gọi là lương trực đền); cá biệt những tháng tết khoảng hơn 10 triệu đồng. Dễ dàng để nhận ra, một số người coi việc trực đền là nơi để kiếm thêm thu nhập.

Từ tháng 1-8/2024, tiền công đức được chia làm 2 bộ phận: Tiền “Dầu nhang” do tổ trực đền quản lý; tiền “công đức” do Ban Quản lý quản lý. Việc làm này tiếp tục phát sinh một số vấn đề: Tiền dầu nhang: từ ngày 8/2/2024-3/8/2024, thu được 5,08 tỷ đồng; đã chi 4,18 tỷ đồng ; trong đó, có một số khoản chi: (1) Chi công trực đền 2,29 tỷ đồng; (2) Thù lao quản lý, bồi dưỡng ca trực, tiền ăn ca trực 908,7 triệu đồng; (3) Phúc lợi tổ dân phố đợt 1: 400 triệu đồng; (4) Hỗ trợ người cao tuổi đợt 1: 50 triệu đồng; (5) Chi tham quan 41,9 triệu đồng, trong khi tiền công đức: từ 5/2-29/7/2024: thu 754,5 triệu đồng chi 89,1 triệu đồng; dư quỹ 665,4 triệu đồng.

Đến nay, thành phố Tam Điệp đã tổ chức nhiều lần hội nghị đối thoại trực tiếp với đại diện nhân dân tổ dân phố Lý Nhân và những người có liên quan và nhiều hội nghị triển khai công tác quản lý 2 di tích, trong đó, có hội nghị đã mời lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, hội khoa học lịch sử tỉnh, các nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa dân gian, làm rõ chủ sở hữu ngôi đền, quan điểm chỉ đạo của thành phố, trách nhiệm của phường Yên Bình, tổ dân phố Lý Nhân.

Tại hội nghị tiếp tục triển khai công tác quản lý di tích lịch sử-văn hóa đền Dâu, đền Quán Cháo theo quy định, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Tam Điệp Bùi Thành Đông, khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo Ban Quản lý 2 di tích khẩn trương bổ sung, sửa đổi quy chế quản lý di tích, hoàn thiện ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế hoạt động của Tổ trực đền; thống nhất quản lý chung các khoản tài trợ, công đức, đóng góp của nhân dân, du khách và các nhà tài trợ (theo quy định tại Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội). Đồng thời, quy định cụ thể việc sử dụng kinh phí chi đầu tư, sửa chữa, tôn tạo, chi cho các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của 2 di tích này.

Rà soát, sắp xếp lại nhân sự tổ trực đền, thực hiện tốt công tác duy tu, tôn tạo, bảo đảm môi trường văn minh nền nếp để 2 di tích thực sự là nơi tôn nghiêm, đáp ứng tốt nhu cầu tâm linh của nhân dân và du khách thập phương.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các di tích lịch sử-văn hóa ảnh 3

Nhiều két dầu nhang và hòm công đức đặt chen chúc nhau tại không gian thờ cúng. (Ảnh: VĂN LÚA)

Nhiều ý kiến cho rằng, trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, chi ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa hằng năm còn khiêm tốn, thì tiền công đức, dầu nhang, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa là nguồn tài chính rất quan trọng, đã và đang đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của thành phố Tam Điệp cũng như tỉnh Ninh Bình nói chung.

Nhất là 2 ngôi đền nằm cạnh quốc lộ 1A, diện tích hẹp, trong nhiều năm qua không được quan tâm trùng tu, tôn tạo, nhiều hạng mục đã xuống cấp ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và an toàn giao thông. Do đó, việc tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với đền Dâu và đền Quán Cháo đang được cử tri quan tâm, du khách thập phương đồng tình ủng hộ theo đúng tinh thần chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện Số: 77/CĐ-TTg ngày 8/8/2024 về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các khu di tích lịch sử-văn hóa trên toàn quốc.

Báo cáo số 174/BC-BTC về kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử-văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023. Tổng số tiền thực thu trong năm 2023 là 4.100 tỷ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng; tiền công đức, tài trợ cho hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo.

Còn tổng số chi trong năm 2023 là 3.612 tỷ đồng, một số địa phương có số chi cao hơn số thu do sử dụng số dư năm 2022 chuyển sang: Có 7 tỉnh, thành phố có số thu hơn 200 tỷ đồng, gồm: Hà Nội 672 tỷ đồng, Hải Dương 278 tỷ đồng, An Giang 277 tỷ đồng, Bắc Ninh 269 tỷ đồng, Hưng Yên 242 tỷ đồng, Nam Định 215 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Ninh được giao thực hiện thí điểm việc kiểm tra, số thu 4 tháng đầu năm 2023 hơn 67 tỷ đồng (đã bổ sung số thu tại chùa Ba Vàng và một số di tích), ước thu cả năm hơn 200 tỷ đồng.

Có 9 tỉnh, thành phố có số thu hơn 100 tỷ đồng đến dưới 200 tỷ đồng, gồm: Hải Phòng 183 tỷ đồng, Thái Bình 169 tỷ đồng, Vĩnh Phúc 127 tỷ đồng, Bắc Giang 122 tỷ đồng, Phú Thọ 119 tỷ đồng, Lào Cai 116 tỷ đồng, Nghệ An 115 tỷ đồng, Ninh Bình 110 tỷ đồng, Thanh Hóa 105 tỷ đồng.