Số hóa tư liệu Hán Nôm trên đất Huế

Hơn 426.000 trang tư liệu Hán Nôm tương đương với gần 5.300 đầu tài liệu đã được Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành sưu tầm, số hóa và xử lý để đưa vào khai thác. Những tư liệu này nằm trong số hàng trăm nghìn tư liệu Hán Nôm quý giá còn lưu giữ trong các làng xã, tư gia... ở Huế. Hoạt động này đã góp phần bảo tồn di sản Hán Nôm, cũng như phục vụ hoạt động nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị của vùng đất Thuận Hóa nói riêng và cả nước nói chung.
Chuyên gia Hán Nôm phiên âm dịch nghĩa một số tài liệu tại đình làng Bàn Môn (huyện Phong Điền).
Chuyên gia Hán Nôm phiên âm dịch nghĩa một số tài liệu tại đình làng Bàn Môn (huyện Phong Điền).

Sau gần 15 năm, Thư viện Tổng hợp tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp triển khai số hóa tại 18 phủ đệ, hơn 187 làng, đền thờ và nhà vườn với hơn 923 họ tộc, tư gia trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng số tài liệu Hán Nôm sưu tầm, số hóa được gồm hàng trăm nghìn trang tư liệu. Tuy nhiên, đây chưa phải con số cuối cùng bởi còn rất nhiều tư liệu ở trong cộng đồng đối diện với nguy cơ bị hư hại, cần được số hóa và bảo quản, phát huy giá trị di sản đặc biệt này.

Nỗ lực số hóa nguồn tư liệu quý

Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương được đánh giá còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm quý, độc bản, văn bản quý hiếm có ngự bút của vua các triều đại. Theo các nhà nghiên cứu, di sản Hán Nôm được hình thành và lưu giữ trên vùng đất Thừa Thiên Huế, kinh đô cuối cùng của nhà nước quân chủ Việt Nam, là rất phong phú và đồ sộ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Khí hậu khắc nghiệt, lụt bão thường xuyên, chiến tranh hủy hoại, bảo quản, giữ gìn không đúng cách..., những loại tài liệu quý giá này đang đối diện nguy cơ hư hỏng, mất mát vĩnh viễn không thể cứu vãn.

Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Hoàng Thị Kim Oanh cho biết, trước thực trạng và nhu cầu hết sức cấp thiết đó, từ năm 2009 đến nay, Thư viện Tổng hợp tỉnh đã phối hợp Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện việc sưu tầm, số hóa và phát huy giá trị tài liệu Hán Nôm. Đến nay, đã thực hiện số hóa được hơn 426.000 trang tư liệu Hán Nôm tương đương với gần 5.300 đầu tài liệu; được triển khai tại 187 làng, 923 họ tộc và 18 phủ đệ.

Chương trình số hóa di sản này chia thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2009-2019), được thực hiện với sự phối hợp, giúp đỡ của Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Văn hóa Huế, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế… đã sưu tầm, số hóa được hơn 300.000 trang/3.000 đầu tài liệu. Giai đoạn 2 (từ năm 2020 đến nay), đã sưu tầm, số hóa gần 120.000 trang với hơn 2.000 đầu tài liệu. Giai đoạn này, Thư viện Tổng hợp tỉnh tiếp tục thực hiện từ kinh nghiệm đúc rút sau 10 năm phối hợp theo Quyết định số 508/QĐ-UBND ngày 21/2/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành “Phê duyệt Kế hoạch sưu tầm, số hóa, bảo quản, phục hồi và phát huy giá trị tài liệu Hán-Nôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2024”.

Giám đốc Thư viện Tổng hợp tỉnh Hoàng Thị Kim Oanh cho rằng, nhiều tư liệu Hán Nôm quý hiếm bị hư hỏng nặng đã được số hóa và phục chế, nghiên cứu xử lý và quảng bá phát huy giá trị. Trong nguồn tư liệu được số hóa có thể kể đến như bộ luật Hoàng Việt Luật lệ thời Vua Gia Long; nhiều sách đồng, sắc phong, chế phong bằng vải lụa ở các phủ Hàm Thuận Công, phủ Kiến Hòa Quận Công, phủ thờ Nguyễn Phúc Tộc... Hay tại làng Phù Bài, xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy) đã có hơn 30.000 trang tư liệu được số hóa, với các văn bản hành chính từ thời Lê, Tây Sơn, triều Nguyễn; các sổ địa bạ thời Vua Gia Long và nhiều tài liệu quý về các dòng họ; các làng cổ xưa như Kim Long, Lương Quán, Dương Xuân Thượng (ở TP Huế), làng Dã Lê Chánh, làng Thủy Thanh Thượng (thị xã Hương Thủy)... cũng lưu giữ nhiều sắc phong và các tư liệu Hán Nôm quý.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, Tiến sĩ Phan Thanh Hải cho biết, công tác khảo sát, sưu tầm và số hóa tư liệu Hán Nôm đã được triển khai tại nhiều làng, xã, họ tộc và các phủ đệ, nhà vườn trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian qua, công tác điền dã, sưu tầm và số hóa của Thư viện Tổng hợp tỉnh đã góp phần quan trọng trong bảo quản và phát huy giá trị di sản tư liệu Hán Nôm.

“Đây còn là nguồn tư liệu quý giá góp phần nghiên cứu, đánh giá đầy đủ hơn về văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị của vùng đất Thuận Hóa xưa. Chúng tôi sẽ xem xét, tuyển chọn để có một bộ tùng thư Hán Nôm tiêu biểu đưa vào Tủ sách Huế, một đề án quan trọng mà tỉnh đang triển khai, qua đó góp phần lan tỏa giá trị di sản và những nguồn thông tin, nội dung quý từ di sản này”, Tiến sĩ Phan Thanh Hải nhấn mạnh.

Bảo tồn và phát huy di sản Hán Nôm

Đoàn cán bộ Thư viện Tổng hợp tỉnh cùng các chuyên gia vừa tìm đến các dòng họ, tư gia thuộc làng Hà Lạc, xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) cùng các làng, xã ở hai huyện Phú Vang và Phú Lộc để tiếp tục sưu tầm và số hóa di sản tài liệu Hán Nôm. Ở những nơi này, đoàn cán bộ thư viện và một số chuyên gia đã phối hợp với chính quyền địa phương lần lượt mở các hòm bộ sắc phong lưu trữ tài liệu Hán Nôm của 66 họ tộc (14 làng) để số hóa. Số tài liệu được số hóa ước tính hơn 12.000 trang. “Chúng tôi đã liên hệ rất lâu, giờ đây được làng và các họ tộc, bô lão đồng ý cho nên quyết định số hóa với hy vọng lưu giữ được nhiều tư liệu Hán Nôm quý giá”, một cán bộ của Thư viện Tổng hợp tỉnh tâm sự.

Theo bà Hoàng Thị Kim Oanh, không phải từ bây giờ, mà nhiều năm về trước khi triển khai Đề án số hóa tư liệu Hán Nôm trên toàn tỉnh, đội ngũ cán bộ Thư viện Tổng hợp tỉnh cùng các chuyên gia đã rong ruổi khắp các làng quê xứ Huế, chạy đua với thời gian để bảo tồn những tư liệu quý giá mà cha ông để lại, trước nguy cơ hư hỏng. Trong đó có rất nhiều tài liệu quý được tìm thấy, như: Sắc phong, chế, chiếu chỉ, lệnh chỉ, gia phả, địa bạ, đinh bạ, văn bằng, văn bản hành chính, sách văn học, lịch sử, sách thuốc, hương ước, văn tế...

“Mục đích của chương trình mà chúng tôi theo đuổi, kiên trì thực hiện gần 15 năm qua gói gọn trong cụm từ bảo tồn và phát huy giá trị. Bảo tồn khẩn cấp trước mắt là chúng tôi đã số hóa để lưu giữ lại ít nhất về mặt nội dung thông tin của văn bản Hán Nôm, hình thức thể hiện...; bảo tồn bền vững là thông qua hoạt động này chúng tôi đã xác định được hiện trạng tài liệu để hướng dẫn cho người dân bảo quản, giữ gìn di sản đúng cách. Và mục tiêu cuối cùng là giữ lại di sản, di chỉ của tiền nhân cho hậu thế”, bà Hoàng Thị Kim Oanh nói.

Theo các nhà nghiên cứu ở Huế, từ công tác sưu tầm, số hóa nguồn tư liệu Hán Nôm, Thư viện tỉnh cùng các đơn vị đã nhiều lần chọn lựa, phiên âm, dịch thuật và cũng chọn lọc để xuất bản những ấn phẩm. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ bởi hệ thống tư liệu ở các làng xã, tư gia ở đất Huế rất đồ sộ cần tiếp tục đẩy mạnh khảo sát, nghiên cứu.

Một thực trạng đối với cơ quan chức năng trong việc sưu tầm, số hóa tư liệu Hán Nôm đang gặp nhiều khó khăn là sự đồng thuận của xã hội. Bởi người Huế thường coi tài liệu Hán Nôm mà mình có được là “vật thiêng”, là gia bảo của dòng họ, bảo vật của làng, xã cho nên không dễ dàng thuyết phục người dân đưa tài liệu ra để thực hiện quy trình số hóa. Việc đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, có đủ năng lực để bảo quản, giữ gìn, khai thác và phát huy các di sản Hán Nôm cũng là vấn đề mà ngành văn hóa địa phương rất quan tâm. Ngoài ra, nguồn nhân lực cho công tác bảo quản tư liệu này cũng như công tác nghiên cứu, phân loại cần có sự hỗ trợ, tham gia của các chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu Hán Nôm.

“Chúng tôi mong có sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để có thiết chế thư viện xứng tầm. Với những nỗ lực như thời gian qua, nguồn tư liệu Hán Nôm mà Thừa Thiên Huế đang có sẽ được sưu tầm và đưa ra công chúng rộng rãi hơn”, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, Tiến sĩ Phan Thanh Hải mong muốn ■