Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3, kiểm tra công đoạn thiết kế poster của buổi giới thiệu tài liệu.
Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3, kiểm tra công đoạn thiết kế poster của buổi giới thiệu tài liệu.

“Giải phóng Thủ đô” và những tài liệu, hình ảnh chưa từng công bố

NDO - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) sẽ tổ chức sự kiện “Giới thiệu tài liệu lưu trữ về Ngày Tiếp quản, Giải phóng Thủ đô”, dự kiến vào ngày 24/9. Đến thời điểm hiện tại, những công việc cuối cùng đang được cán bộ và nhân viên của trung tâm gấp rút hoàn thiện.

Những ngày này của 70 năm về trước, Đảng và Chính phủ đang khẩn trương thực hiện kế hoạch tiếp quản và giải phóng Thủ đô.

Không chỉ có những bức hình, thước phim ghi lại không khí của ngày 10/10/1954, mà còn có hàng chục nghìn tài liệu, văn bản của các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành liên quan đến sự kiện trọng đại này.

“Giải phóng Thủ đô” và những tài liệu, hình ảnh chưa từng công bố ảnh 1 “Giải phóng Thủ đô” và những tài liệu, hình ảnh chưa từng công bố ảnh 2
Lễ chào cờ tại sân vận động cột cờ (nay là sân Đoan Môn tại Hoàng thành Thăng Long) vào hồi 15 giờ ngày 10/10/1954.

Với mong muốn giúp công chúng có thể tiếp cận một cách đa chiều về mốc son lịch sử này, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 đã quyết định lựa chọn khoảng 200 tài liệu, hình ảnh từ kho lưu trữ đồ sộ của mình để giới thiệu đến công chúng trong dịp chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 Trần Việt Hoa cho biết: "Hiện nay, trung tâm đang lưu giữ, bảo quản hàng nghìn mét giá tài liệu liên quan đến sự kiện 10/10/1954. Trung tâm quản lý những tài liệu độc bản (tài liệu gốc) có giá trị vĩnh viễn của các cơ quan Trung ương như Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành.

Nhìn ở góc độ các tài liệu chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và các cơ quan Trung ương, cũng như việc thực hiện các chỉ đạo đó của các bộ, ngành, có thể khẳng định, chúng tôi là đơn vị đang quản lý số lượng tài liệu lớn nhất trong các đơn vị đang lưu giữ những tài liệu, hình ảnh liên quan đến ngày 10/10/1954".

“Giải phóng Thủ đô” và những tài liệu, hình ảnh chưa từng công bố ảnh 3

Bản đồ chiến sự toàn thành Hà Nội từ 19/12/1946-31/5/1948. (Một tài liệu gốc sẽ được giới thiệu tới đây)

Xuất phát từ đặc thù đó cộng với trách nhiệm của những người làm lưu trữ luôn mong muốn tài liệu sẽ được phát huy giá trị, trong những năm qua, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 đã tổ chức nhiều hoạt động để chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô.

Tiếp nối thành công của các hoạt động trong những năm trước, sự kiện “Giới thiệu tài liệu lưu trữ về Ngày Tiếp quản, Giải phóng Thủ đô” chính là món quà tri ân sâu sắc tới những chiến sĩ, cán bộ, công nhân viên đã cống hiến hết mình cho Ngày Giải phóng Thủ đô; đồng thời khơi gợi niềm tự hào về những mùa thu cách mạng trong tâm hồn mỗi người. Vì thế, những tài liệu được lựa chọn giới thiệu lần này cũng đặc biệt hơn.

“Giải phóng Thủ đô” và những tài liệu, hình ảnh chưa từng công bố ảnh 5 “Giải phóng Thủ đô” và những tài liệu, hình ảnh chưa từng công bố ảnh 6

Báo cáo của Đảng bộ Hà Nội ngày 11/10/1954 về cuộc đón tiếp bộ đội, chính quyền ta của nhân dân Hà Nội ngày 10/10/1954.

“Là cơ quan lưu trữ những tài liệu quan trọng, chúng tôi thường xuyên tổ chức những hoạt động để phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Nhưng rất ít khi tài liệu, hình ảnh gốc được giới thiệu tới công chúng. Tuy nhiên với sự kiện lần này, chúng tôi đưa các tài liệu gốc ra để trưng bày, giới thiệu.

Nội dung rất phong phú vì được lựa chọn từ các phông như Phủ Thủ tướng, Quốc hội, Bộ Giáo dục, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Canh nông; phông Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản, nhà sưu tầm Đặng Tích, Giáo sư Hoàng Minh Giám”, bà Trần Việt Hoa nhấn mạnh.

Việc giới thiệu khoảng 200 tài liệu, hình ảnh gốc sẽ giúp công chúng có thể tiếp cận đa chiều về sự kiện Giải phóng Thủ đô mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã phải dày công làm nên.

“Giải phóng Thủ đô” và những tài liệu, hình ảnh chưa từng công bố ảnh 7

Nhân viên của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 cẩn thận tìm tài liệu phục vụ cho buổi giới thiệu.

Đến thời điểm hiện tại, các công đoạn cuối cùng cho buổi giới thiệu tài liệu đang được trung tâm gấp rút hoàn thành.

Cùng với việc giới thiệu tài liệu, tại sự kiện lần này, trung tâm sẽ mời một số nhân chứng tham gia trò chuyện, chia sẻ về ngày tiếp quản Thủ đô 70 năm về trước.

Đó là câu chuyện của những người lính giải phóng, những người dân sinh sống tại Hà Nội, những người lao động khi được chứng kiến thời khắc lịch sử ấy.

Buổi lễ “Giới thiệu tài liệu lưu trữ về Ngày Tiếp quản, Giải phóng Thủ đô”, dự kiến diễn ra vào ngày 24/9, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 (34 phố Phan Kế Bính, Ba Đình, Hà Nội)

Cùng với chương trình “Giới thiệu tài liệu lưu trữ về Ngày Tiếp quản, giải phóng Thủ đô”, từ nay đến ngày 10/10, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 3 còn tổ chức một số hoạt động, gồm:

1. Tổ chức một buổi giới thiệu tới khách quốc tế và những người đang làm việc trong các cơ quan đại diện của nước ngoài tại Việt Nam tìm hiểu về sự kiện tiếp quản Thủ đô, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 9.

2. Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội để tổ chức một cuộc trưng bày về ngày 10/10, dự kiến diễn ra vào 2/10 tại phố Tràng Tiền.

back to top