Tiền Giang chấn chỉnh sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng chưa bảo đảm môi trường

NDO - Chiều 31/5, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang cho biết, đơn vị đã gửi văn bản cho Ủy ban các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Tiền Giang về việc xử lý tình trạng sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng chưa bảo đảm về môi trường trong thời gian gần đây.
0:00 / 0:00
0:00
Một điểm san lấp mặt bằng tại thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) chưa bảo đảm về môi trường.
Một điểm san lấp mặt bằng tại thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) chưa bảo đảm về môi trường.

Theo đó, người dân trên địa bàn thị xã Cai Lậy và huyện Tân Phước (Tiền Giang) phản ánh một số người đã sử dụng loại vật liệu san lấp mặt bằng có màu đen, mùi hôi gây ảnh hưởng đến môi trường chung quanh.

Kết quả rà soát của ngành chức năng, thị xã Cai Lậy có 15 điểm tập kết san lấp và huyện Tân Phước có 3 bãi tập kết, 8 điểm san lấp.

Đặc điểm chung của các loại vật liệu san lấp này là có màu đen, mịn, tơi xốp, thành phần chủ yếu là đất, lẫn một số tạp chất (nhựa, cao su…) và có mùi hôi.

Tiền Giang chấn chỉnh sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng chưa bảo đảm môi trường ảnh 1

Một điểm san lấp mặt bằng tại huyện Tân Phước (Tiền Giang).

Theo các tài liệu do địa phương cung cấp, bước đầu, cơ quan chức năng xác định loại vật liệu này là bùn thải không nguy hại. Bùn thải này sau khi xử lý được sử dụng làm nền trồng cây cảnh, không có kim loại nặng và nằm trong ngưỡng cho phép của quy chuẩn Việt Nam 03-MT:2005/BTNMT về đất nông nghiệp.

Vật liệu này có nguồn gốc từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (trụ sở chính tại quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh). Công ty này có Nhà máy xử lý bùn thải Sài Gòn Xanh tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và nghĩa trang Đa Phước (địa chỉ quận Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh). Đây được xác định là đất công trình loại 2 (theo bảng công bố tiêu chuẩn áp dụng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh) và là sản phẩm hàng hóa.

Tuy nhiên, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang cho rằng, việc sử dụng loại vật liệu san lấp này đang gây phản ánh ô nhiễm môi trường về mùi hôi và ngành chức năng của địa phương đang tiếp tục xác minh, làm rõ nguồn gốc, tính chất của loại vật liệu san lấp này để làm cơ sở xử lý theo quy định.

Trước phản ánh của người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang đã đề nghị các địa phương trên địa bàn tăng cường rà soát, theo dõi, giám sát nhằm phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời; không để xảy ra các trường hợp sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng không rõ nguồn gốc, gây ô nhiễm môi trường…