Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở miền núi Thanh Hóa còn chậm

Ngày 12/12, qua trình bày báo cáo kết quả giám sát của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa tại kỳ họp lần thứ 17, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, tiến độ giải ngân vốn đầu tư và vốn sự nghiệp Chương trình trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa còn chậm.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa.
Quang cảnh kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Năm vừa qua và năm nay, Trung ương phân bổ 884.426 triệu đồng vốn đầu tư phát triển vùng miền núi Thanh Hóa, trong đó bố trí tới hơn 700 tỷ đồng tập trung cho 6 huyện miền núi nghèo.

Với hơn 703 tỷ đồng thuộc dự án thành phần đầu tư phát triển kinh tế-xã hội 6 huyện nghèo để thực hiện 59 dự án, đến nay đã hoàn thành 24 dự án, 10 dự án đã khởi công, lũy kế vốn thực hiện hơn 397 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 57% kế hoạch. Hai huyện Thường Xuân, Bá Thước cũng được Trung ương bổ sung hơn 222 tỷ đồng phấn đấu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Hơn 44 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp thông qua 56 dự án trồng trọt, chăn nuôi, đã giải ngân được 6.583 triệu đồng, đạt gần 15% tổng vốn được giao.

Có 6 huyện đã tổ chức các lớp đào tạo nghề, giải ngân gần 5 tỷ đồng, chiếm hơn 46% tổng vốn được phân bổ phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, khó khăn. Các huyện Bá Thước và Thạch Thành đã giải ngân được hơn 920 triệu đồng, chiếm hơn 15% tổng 6.120 triệu đồng vốn hỗ trợ việc làm bền vững phân bổ cho 11 huyện miền núi, dân tộc. Có 3.385 hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ gần 82 tỷ đồng để xây dựng mới 1.643 ngôi nhà, sửa chữa 1.742 nhà ở….

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở miền núi Thanh Hóa còn chậm ảnh 1

Các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa tham dự kỳ họp.

Qua giám sát triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ năm 2021 đến năm 2023 trên địa bàn các huyện miền núi, Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa nhận thấy, nhiều hộ nghèo, cận nghèo chưa nắm bắt đầy đủ các nội dung chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tổ chức thực hiện.

Các chủ đầu tư chuẩn bị dự án chưa tốt, một số dự án lựa chọn danh mục chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư và vốn sự nghiệp chậm so với yêu cầu, thậm chí một số dự án thành phần chưa triển khai giải ngân. Phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, nhất là cơ quan thường trực Chương trình với các Sở được giao chủ trì các dự án thành phần chưa chặt chẽ, dẫn đến tổ chức thực hiện chậm tiến độ.

Ngoài lý do chậm phân bổ vốn, chậm có hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm nhiều đến công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách giảm nghèo; năng lực lãnh, chỉ đạo còn hạn chế, tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt. Còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo; huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo ở vùng miền núi Thanh Hóa còn khó khăn…