Kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, vững chắc, tỉnh Thanh Hóa, các cấp, các ngành, các địa phương tiếp tục phát huy nội lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025.
Từ năm 2022, Trung ương mới bắt đầu phân bổ vốn hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu giai đoạn nhưng đến thời điểm này Thanh Hóa đã giải ngân được hơn 43% kế hoạch vốn đầu tư phát triển; giải ngân vốn sự nghiệp Trung ương phân bổ đạt hơn 20%.
Kết quả thực hiện các dự án thành phần góp phần phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo; hỗ trợ các huyện miền núi Thường Xuân, Bá Thước phấn đấu thoát nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ người dân tiếp cận, hưởng lợi các dịch vụ phúc lợi giảm nghèo đa chiều.
Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa trình bày báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ. |
Nổi bật là tỉnh Thanh Hóa tiếp tục huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện giảm nghèo nhanh, như tăng trưởng tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo; bố trí ngân sách địa phương, huy động nguồn vốn hợp pháp khác gần 21 tỷ đồng thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Bên cạnh đó, địa phương cũng huy động thêm được gần 9 nghìn tỷ đồng cùng gần 10 nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức trong hệ thống chính trị tiếp tục có những việc làm thiết thực; lực lượng vũ trang tại địa bàn, các huyện miền xuôi, cộng đồng doanh nghiệp, xã hội tiếp tục đồng hành thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Qua đó, tỉnh Thanh Hóa giảm 1,79% hộ nghèo trong năm vừa qua, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Đại diện bộ đội Biên phòng Pù Nhi tham luận tại Hội nghị. |
Tham luận của các đại biểu đến từ các địa phương, đơn vị tiếp tục đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, trao đổi kinh nghiệm, cách làm phù hợp với thực tiễn địa phương. Đó là phát triển dịch vụ, du lịch, nuôi trồng, khai thác thủy sản gắn với chế biến sâu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, phát triển kinh tế-xã hội vùng bãi ngang ven biển; hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi; khơi dậy, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; Bộ đội Biên phòng đồng hành cùng đồng bào các dân tộc miền núi, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao tặng Bằng khen cho 44 tập thể, 26 cá nhân, 17 hộ gia đình có thành tích xuất trong phong trào thi đua “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”, giai đoạn 2021-2023.
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao kết quả tỉnh Thanh Hóa đạt được trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững. Điểm nổi bật là cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh chỉ đạo, ban hành cơ chế, chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ phát triển đồng bộ, thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”; phân công các huyện miền xuôi đỡ đầu các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn cùng phát triển kinh tế-xã hội.
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội nghị |
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh tổ chức thực hiện các nội dung, hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội liên kết vùng, thiết yếu phục vụ dân sinh, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, phục vụ sản xuất, lưu thông hàng hóa.
Bên cạnh đó, đồng chí lưu ý cần tiếp tục phát triển các hoạt động sản xuất, tạo việc làm, sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, người nghèo theo chuỗi giá trị, liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát huy lợi thế, sản phẩm tiềm năng của địa phương; đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đã được phân bổ.
Địa phương cần tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện có hiệu quả kế hoạch đưa huyện Thường Xuân và huyện Bá Thước thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn vào năm 2025.
Tổ chức thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo thường xuyên nhằm hỗ trợ toàn diện người nghèo như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, nhà ở, dạy nghề, việc làm, vay vốn tín dụng ưu đãi, trợ giúp pháp lý…
Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh trao đổi, cần khảo sát, đánh giá hiệu quả đầu tư trước đây làm cơ sở tham mưu cho cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên cấp huyện.
Bên cạnh đó, đồng chí cũng ghi nhận một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Thanh Hóa, nhất là không nên giao chi tiết vốn sự nghiệp theo lĩnh vực, tạo sự chủ động cho các địa phương trong phân bổ, triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án của các chương trình.