Thúc đẩy tín dụng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị

NDO - Ngày 17/10, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức Hội nghị Kết nối ngân hàng–doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Agribank ký kết vay vốn với các khách hàng tại Hội nghị Đối thoại kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
Đại diện Agribank ký kết vay vốn với các khách hàng tại Hội nghị Đối thoại kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Theo thống kê, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đóng góp vào GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ trọng nhỏ (dưới 1%). Tuy nhiên, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 50% tổng diện tích đất tự nhiên trên địa bàn 5 quận, huyện ngoại thành. Đây là nơi sinh sống của trên 2 triệu người dân, khoảng 500.000 hộ, trong đó có khoảng 50.000 hộ sản xuất nông nghiệp.

Vì thế phát triển lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn thành phố có ý nghĩa quan trọng về bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường tự nhiên, phát triển và gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp để tăng trưởng và phát triển bền vững.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này theo Nghị định 55 của Chính phủ đạt 345.581 tỷ đồng, cho hơn 2 triệu khách hàng vay vốn, tăng 2% so với cuối năm 2023 và tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Riêng giải ngân gói tín dụng cho vay lâm sản, thủy sản trên địa bàn đạt 3.041 tỷ đồng, cho hơn 2.000 lượt khách hàng vay vốn, với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1,5%-2%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của tổ chức tín dụng, đã trực tiếp hỗ trợ khách hàng, đặc biệt là hộ kinh doanh, nuôi trồng thủy hải sản tại huyện ngoại thành Cần giờ phát triển.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hoạt động tín dụng ngân hàng trên địa bàn Thành phố đóng góp quan trọng vào việc đáp ứng nhu cầu vốn để phát triển sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, chương trình xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn trên địa bàn theo định hướng của thành phố “phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị”.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng có rất nhiều chính sách và sản phẩm cho phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp nông thôn phù hợp với từng nhu cầu doanh nghiệp và cá nhân. Từ đầu năm đến nay, ngân hàng này đã có 6 gói tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho doanh nghiệp. Theo đó, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng tính đến 30/9/2024 giảm 2,6% so với đầu năm; nhiều khoản vay lĩnh vực nông nghiệp tại Agribank hiện nay lãi suất ở mức trên 6%/năm.

Tại Hội nghị Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trong lĩnh vực nông thôn ngày 17/10, hệ thống Agribank trên địa bàn cho biết đã cho vay với số tiền 993,4 tỷ đồng cho 1.347 khách hàng (trong đó 961 tỷ cho 1.340 khách hàng lĩnh vực Lâm thủy sản; 13,4 tỷ đồng 5 khách hàng lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch trong nông nghiệp; 19 tỷ đồng cho cho 2 khách hàng Chương trình OCOP).

Có đại diện 20 khách hàng của Agribank đến tham dự ký kết trực tiếp tại Hội nghị ngày 17/10 với số vốn vay hơn 70 tỷ đồng.

Tính chung trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đã thực hiện được với số tiền là 490.138 tỷ đồng cho 153.151 khách hàng, đạt 96,13% tổng số Gói tín dụng các tổ chức tín dụng đã đăng ký từ đầu năm và bằng 77% tổng số tiền đã thực hiện năm 2023.

Trong đó, riêng hệ thống Agribank trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến thời điểm hiện nay đã thực hiện giải ngân cho vay với số tiền 4.302 tỷ đồng, đạt 99% số tiền đã đăng ký gói tín dụng từ đầu năm của hệ thống Agribank trên địa bàn.