Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Hội nghị kết nối lần này là 1 trong 3 hội nghị kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp theo chuyên đề mà Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp các sở, ngành và các tổ chức tín dụng dự kiến sẽ tổ chức trong tháng 10/2024, nhằm tạo hiệu ứng và hành động cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm.
Tiếp sau hội nghị này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức các hội nghị kết nối cho vay theo chuyên đề đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Giải bài toán ngân hàng "thừa" tiền nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp yếu
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, việc ngành ngân hàng chủ động tổ chức liên tiếp 3 hội nghị kết nối ngân hàng quy mô lớn và theo 3 chuyên đề trên nhằm đáp ứng nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng, đặc biệt khi hoạt động kết nối ngân hàng-doanh nghiệp gắn với các chính sách lãi suất, chính sách cơ cấu lại giữ nguyên nhóm nợ; cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng như hoạt động sản xuất nông lâm ngư nghiệp trên địa bàn.
Đây sẽ là động lực và là hành động cụ thể để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ trong những tháng cuối năm.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB phát biểu tại hội nghị. |
Tại hội nghị, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB thông tin, kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu khởi sắc 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên, đầu tư công, thị trường bất động sản còn chậm, cầu tiêu dùng chưa khôi phục đáng kể. Những thách thức này kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh phải đối mặt. Để giải quyết những vấn đề này, cần sự chung tay của hệ thống ngân hàng.
ACB cam kết dành khoảng 5.000 tỷ đồng để tài trợ vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Thành phố Hồ Chí Minh trong các tháng tới, phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu.
“Tuy nhiên, trong các tháng cuối năm 2024, nếu nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh tăng cao, ACB có thể tăng quy mô gói tín dụng này lên mức 10.000 tỷ đồng hoặc có thể lên tới 20.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi”, ông Từ Tiến Phát nhấn mạnh.
Đánh giá về chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh trong các quý đầu năm 2024 vừa qua, ông Nguyễn Đức Lệnh cho hay, đến hiện nay ngành ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp các sở, ngành tổ chức thành công 31 hội nghị đối thoại và ký kết cho vay vốn.
Đại diện Ngân hàng ACB ký kết hợp đồng tín dụng với các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tại hội nghị ngày 14/10. |
Trong đó, ký kết cho vay vốn trực tiếp tại hội nghị với tổng số tiền đạt 58.144 tỷ đồng cho 4.495 khách hàng, doanh nghiệp, đồng thời thông qua chương trình đối thoại, phổ biến thông tin chính sách, tháo gỡ và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về vốn, dịch vụ ngân hàng, với tổng số lượt doanh nghiệp tham gia là trên 6.000 doanh nghiệp.
Tính đến nay, 17 thương hiệu ngân hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã giải ngân gói tín dụng kết nối (theo cam kết từ đầu năm) đạt 425.659 tỷ đồng cho 146.906 khách hàng, bằng 83,4% quy mô gói, qua đó trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp về vốn để tăng trưởng và phát triển sản xuất kinh doanh.