Hội nghị năm nay có 45 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia, với hơn 2.000 nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ… tìm kiếm cơ hội hợp tác với các tập đoàn bán lẻ, sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam và quốc tế. Bên cạnh việc quảng bá trực tuyến, các đơn vị cung cấp còn sắp xếp khoảng 700 gian hàng tại sự kiện với không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, ẩm thực đặc sắc của các vùng, miền.
Chị Mai Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) chia sẻ: “Tôi mới gặp gỡ, trao đổi với bốn hệ thống siêu thị lớn. Những điều kiện, tiêu chuẩn mà các siêu thị này đưa ra cũng không khó lắm nên tôi hy vọng sắp tới các sản phẩm trà túi lọc, cao dược liệu… của công ty sẽ được xuất hiện nhiều hơn ở các siêu thị lớn. Chị Thủy cho biết thêm: Lâu nay, các sản phẩm của công ty chủ yếu được bày bán ở siêu thị Co.opmart Đông Hà (Quảng Trị), một số hệ thống siêu thị nhỏ, các đại lý, điểm du lịch, khu du lịch và các sàn thương mại điện tử. Công ty có vùng nguyên liệu hữu cơ rộng hơn 100 ha, nhiều sản phẩm đã đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2023, chứng nhận OCOP 4 sao và đang phấn đấu lên 5 sao; nhà máy sản xuất mới hoạt động khoảng 60% tổng công suất thiết kế cho nên công ty tự tin sẽ đáp ứng được những đơn hàng lớn. Chị Hồ Thị Khánh Ngọc, chủ cơ sở sản xuất tinh dầu Ngọc Phương (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng vui vẻ cho biết: “Đây là lần đầu tôi tham gia hội nghị này, nhưng qua tiếp xúc với một số hệ thống siêu thị lớn thì thấy tự tin hơn. Tôi nghĩ khả năng thành công của mình (đưa được sản phẩm vào siêu thị) đạt khoảng 80%. Hiện tại, các mặt hàng của cơ sở (chuẩn bị đạt chứng nhận OCOP 3 sao) chủ yếu được tiêu thụ thông qua các đại lý và hiệu thuốc tây”.
Đây là lần đầu tiên hội nghị kết nối cung-cầu có chiến dịch “Siêu LIVE hàng Việt” trên nền tảng TikTok, do các Mạng lưới đa kênh (là Melive Network, House of Deera và MVOT) tổ chức với chủ đề “Mega Live hàng Việt-Sản phẩm OCOP tiêu biểu” từ 9 giờ đến 23 giờ hằng ngày từ 26-29/9. Khoảng 20 TikToker (nhà sáng tạo nội dung) thực hiện 19 phiên livestream, quảng bá hơn 300 mặt hàng đặc sản của 45 tỉnh, thành phố. Trong đó, có nhiều đặc sản nổi tiếng như: Yến đảo Cần Giờ, dừa sáp Trà Vinh, mật ong Gia Lai, ba khía Đầm Dơi (Cà Mau), pa-tê cột đèn Hải Phòng, cà-phê Arabica Cầu Đất, sâm Thừa Thiên Huế, miến dong Tây Bắc, gạo ST25… Hoạt động này nhằm đưa sản phẩm hàng Việt Nam, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng, miền đến gần hơn với cộng đồng, đẩy mạnh kết nối giao thương hàng hóa, từ đó góp phần lan tỏa rộng rãi giá trị văn hóa vùng, miền.
Theo lãnh đạo Sở Công thương thành phố, hội nghị năm nay tiếp tục đặt ra yêu cầu hàng đầu là tạo điều kiện thuận lợi để bên mua và bên bán gặp gỡ, kết nối trực tiếp, trực tuyến…; qua đó góp phần giảm chi phí trung gian trong lưu thông hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và địa phương.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đề nghị các bên, đơn vị tham gia hoạt động kết nối cung-cầu năm nay không dừng lại ở giai đoạn gặp gỡ mà cần đi vào thực chất, hiệu quả cao hơn. Sở Công thương thành phố cần tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp “sau kết nối”. Theo đó, những doanh nghiệp có sản phẩm được hệ thống phân phối lựa chọn sẽ được hỗ trợ hoàn thiện về sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ cung ứng; giải quyết các khó khăn về công nợ, phương thức giao hàng, thanh toán, tồn kho…, nhất là đối với nhiều doanh nghiệp còn bỡ ngỡ trong giai đoạn đầu. Đồng thời, Sở Công thương phải tổ chức thường xuyên hơn hoạt động kết nối trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc sắc; nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp khởi nghiệp…
Đặc biệt, ngành công thương cần giúp doanh nghiệp nhận thức được tiềm năng, cơ hội phát triển thị trường thông qua kênh thương mại điện tử, bán hàng qua mạng xã hội… Để sự kết nối giữa các doanh nghiệp, bên bán và bên mua bền chặt lâu dài, rất cần sự thuận thảo, cam kết trách nhiệm của hai bên; các bên phải hy sinh cái tôi, điều chỉnh phương thức, cách thức sản xuất, kinh doanh. Các bên liên quan cần “kết nối trách nhiệm”, cùng nhau chăm chút sản phẩm tốt đến cùng; một bên phải lo tư vấn việc hoàn thiện sản phẩm, nỗ lực đưa sản phẩm đến người tiêu dùng; một bên phải giữ ổn định chất lượng, ổn định sản lượng và không ngừng tiếp thu, nâng cấp sản phẩm.