Thúc đẩy tăng trưởng bền vững từ công nghiệp

Qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế. Nhiều địa phương phát huy được lợi thế cạnh tranh, nhanh chóng bứt phá vươn lên tốp đầu trong cả nước về thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất tại một công ty ở Khu công nghiệp Amata, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh Thiên Vương)
Sản xuất tại một công ty ở Khu công nghiệp Amata, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh Thiên Vương)

Tuy nhiên, việc phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là nguy cơ khiến nền kinh tế mất tự chủ và nội lực trở nên suy yếu. Để giữ vững nhịp độ tăng trưởng, các địa phương cần sớm có giải pháp phát huy nội lực, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu, rộng.

Bài 1: “Cú huých” từ FDI

Mặc dù chịu ảnh hưởng tác động của suy thoái kinh tế thế giới và khó khăn trong nước nhưng những năm qua, nhiều tỉnh, thành phố vẫn thu hút được lượng vốn đầu tư lớn để phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, vốn FDI luôn chiếm ưu thế, đem lại tiền đề quan trọng để các địa phương có sự tăng trưởng mạnh mẽ.

FDI là ngoại lực quan trọng, góp phần giải quyết thiếu hụt về vốn trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý; đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách,... Nguồn vốn này trở thành “cú huých” thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập quốc tế.

Đầu tư nước ngoài bứt phá

Cuối những năm 1980, thời điểm Việt Nam bắt đầu mở cửa tiếp nhận dòng vốn FDI, các địa phương khu vực Đông Nam Bộ như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương đã nhanh nhạy nắm bắt, mời gọi các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Trải qua quá trình phát triển, Đông Nam Bộ đã trở thành khu vực dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI; hình thành tứ giác phát triển kinh tế của khu vực phía nam, gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu.

FDI là ngoại lực quan trọng, góp phần giải quyết thiếu hụt về vốn trong quá trình phát triển sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp trong nước đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản lý; đồng thời giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu ngân sách,... Nguồn vốn này trở thành “cú huých” thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập quốc tế.

Đồng Nai vốn là cái nôi của ngành công nghiệp Việt Nam. Từ năm 1963, Khu kỹ nghệ Biên Hòa - nay là Khu công nghiệp Biên Hòa 1 được thành lập, là khu công nghiệp đầu tiên của miền nam. Đến thời điểm hiện tại, Đồng Nai đã thu hút được 46 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với 1.589 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 33,87 tỷ USD.

Một số dự án FDI có quy mô khá lớn như Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) 2,2 tỷ USD, SMC Manufacturing (Nhật Bản) 670 triệu USD, Nestlé (Thụy Sĩ) 618 triệu USD, Bosch (Đức) 530 triệu USD,... Quá trình hoạt động, các dự án liên tục mở rộng, tăng vốn đầu tư, nâng quy mô, công suất so với đăng ký ban đầu.

Bình Dương cũng là bến đỗ lý tưởng của các nhà đầu tư. Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Trọng Nhân, đến nay tỉnh đã thu hút 4.185 dự án FDI từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 40,2 tỷ USD. Bình Dương đang đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong đó, ngày càng có nhiều dự án lớn của các tập đoàn quốc tế đầu tư vào tỉnh như: Tokyu, Aeon, Mitsubishi (Nhật Bản), Procter & Gamble (Hoa Kỳ), Kumho (Hàn Quốc), Uni-President (Đài Loan, Trung Quốc), Lego (Đan Mạch),...

Ở phía bắc, các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hưng Yên,... là những đại diện tiêu biểu thành công trong thu hút FDI. Ngày 11/10/2023, tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C (Bắc Ninh), nhà máy lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD (giai đoạn 1 là 520 triệu USD) đã đi vào hoạt động, hứa hẹn đưa Bắc Ninh trở thành cứ điểm quan trọng về lĩnh vực bán dẫn, sản xuất chíp gắn với công nghệ cao trên nền tảng thông minh.

Nhiều năm qua, Bắc Ninh luôn duy trì vị trí tốp 10 tỉnh, thành phố của cả nước thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Trên địa bàn tỉnh, hiện còn hơn 2.000 dự án FDI từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư sau điều chỉnh đạt hơn 24,6 tỷ USD.

Các dự án FDI chủ yếu của Hàn Quốc, Nhật Bản, tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (phần lớn là công nghiệp điện tử). Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho cho biết, sau 15 năm đầu tư liên tục, đến cuối năm 2022, lũy kế đầu tư của Samsung vượt 20 tỷ USD. Bên cạnh đó, Samsung cũng xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội với quy mô 220 triệu USD. Hiện tại, tập đoàn vẫn liên tục đầu tư bổ sung với quy mô khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.

Khơi thông điểm nghẽn

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lũy kế tính đến ngày 20/10/2023, cả nước có 38.622 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 460 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 292 tỷ USD, bằng 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Là “thỏi nam châm” hút dòng vốn FDI nhưng thời gian qua, hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại các địa phương cũng còn những hạn chế, bất cập. Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai Dương Thị Xuân Nương cho biết, chất lượng các dự án FDI ở địa phương còn “non”, chưa thu hút được nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, hiện đại từ các tập đoàn lớn trên thế giới.

Số dự án có công nghệ tiên tiến, hiện đại còn thấp, không nổi trội so với doanh nghiệp trong nước. Mối liên kết giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với khu vực trong nước chưa thật sự tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của hai bên.

Về giá trị gia tăng trên diện tích đất công nghiệp, so sánh với các tỉnh công nghiệp đứng đầu cả nước, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp trên diện tích đất công nghiệp của Đồng Nai ở mức thấp, chỉ đạt 18 tỷ đồng/ha trong khi trung bình các tỉnh công nghiệp là 22 tỷ đồng/ha, Thành phố Hồ Chí Minh 43 tỷ đồng/ha; Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh từ 22 đến 31 tỷ đồng/ha. Như vậy, mặc dù là tỉnh đầu tiên trên cả nước phát triển công nghiệp nhưng hiệu quả đầu tư công nghiệp của Đồng Nai hiện đang thấp hơn các địa phương phát triển công nghiệp khác.

Mặc dù là tỉnh đầu tiên trên cả nước phát triển công nghiệp nhưng hiệu quả đầu tư công nghiệp của Đồng Nai hiện đang thấp hơn các địa phương phát triển công nghiệp khác.

Nguyên nhân chủ yếu do Đồng Nai phát triển công nghiệp hỗn hợp, chưa thu hút được các doanh nghiệp công nghệ cao, các dự án chủ yếu sử dụng lao động phổ thông giản đơn. Toàn tỉnh hiện có khoảng 1,2 triệu lao động trong các nhà máy, riêng trong khu công nghiệp khoảng 589 nghìn lao động, trong đó tỷ lệ lao động ngoại tỉnh chiếm hơn 50% dẫn đến nhu cầu nhà ở tăng cao, trong khi cơ sở vật chất và công trình tiện ích phục vụ người lao động chưa đáp ứng kịp nhu cầu.

Tại nhiều tỉnh công nghiệp hiện nay, quỹ đất công nghiệp còn lại sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê không còn nhiều, do vướng bồi thường giải tỏa. Thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phức tạp, kéo dài, chưa đáp ứng kịp nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư, chưa có hành lang pháp lý về liên kết phát triển vùng, như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển kết nối hạ tầng giao thông,...

Do đó, sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng và liên vùng thiếu đồng bộ, khoa học, ảnh hưởng đến phát huy thế mạnh của từng vùng, liên vùng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát triển bền vững.

Theo phản ánh của nhiều địa phương, cơ chế chính sách trong quản lý, phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở nước ta hiện nay chưa hoàn thiện, thiếu sáng tạo, đột phá để thích ứng yêu cầu phát triển. Cụ thể, tính pháp lý về quy định khung đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa mạnh.

Khung pháp lý điều chỉnh hoạt động khu công nghiệp, cụm công nghiệp chỉ dừng lại ở cấp nghị định. Tại các nghị định về khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đôi khi vẫn có những quy định trong quy hoạch xây dựng, đầu tư,... khác biệt với luật, nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện các luật chuyên ngành, cho nên không điều chỉnh được.

Điều này gây khó khăn trong quá trình thực thi chính sách về khu công nghiệp, nhất là việc phát triển mô hình mới. Chính sách ưu đãi đầu tư đối với khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa đồng bộ, phức tạp, chồng chéo, thiếu ổn định và khó dự đoán, chưa tính đến yếu tố đặc thù về điều kiện phát triển ở từng địa phương, thiếu chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết giữa các dự án trong khu công nghiệp. Thực trạng nêu trên gây ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư về sự ổn định của môi trường đầu tư và tính minh bạch, công bằng của chính sách.

Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức hút mới trong hoạt động thu hút đầu tư, thời gian tới, cơ quan chức năng cần tập trung rà soát vướng mắc, khó khăn, từ đó có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hình thành những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng ngành công nghiệp thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện bộ tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài thật phù hợp; lắng nghe ý kiến phản ánh, kiến nghị của địa phương, sớm giải quyết tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo ở các văn bản quy phạm pháp luật.

(Còn nữa)