Hút dòng vốn FDI chất lượng cao

Thời gian qua, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam vẫn chủ yếu đến từ các nước châu Á, trong khi dòng vốn từ Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) vẫn còn chưa được như kỳ vọng. Việc nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI, thu hút công nghệ cao đang trở nên bức thiết.
0:00 / 0:00
0:00
Để đón đầu các dự án FDI chất lượng cao, cần hướng mạnh vào đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề. Ảnh: HẢI NAM
Để đón đầu các dự án FDI chất lượng cao, cần hướng mạnh vào đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề. Ảnh: HẢI NAM

Dòng vốn chất lượng cao vẫn đang nghe ngóng

Theo báo cáo chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố tháng 7/2023, số doanh nghiệp đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh quý III/2023 tăng lên và Việt Nam vẫn củng cố vị trí là một trong năm điểm đến đầu tư hàng đầu của doanh nghiệp châu Âu.

Cụ thể, 48% số người tham gia khảo sát kỳ vọng đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI từ công ty họ vào Việt Nam sẽ tăng trong quý tới. Số lượng lãnh đạo doanh nghiệp đánh giá tích cực về triển vọng kinh doanh của Việt Nam trong quý III tăng 9% so với đánh giá quý trước.

Cũng theo kết quả khảo sát của EuroCham, có hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát cho biết, hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Và 35% số lãnh đạo doanh nghiệp EU nói rằng, đã thu được lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan từ FTA này.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) luôn băn khoăn khi đầu tư từ EU vào Việt Nam vẫn chỉ là tiềm năng. Nguồn vốn từ các quốc gia thuộc EU vẫn còn chưa chọn Việt Nam làm điểm đến.

Theo vị chuyên gia này, nước Đức bình quân đầu tư ra nước ngoài một năm khoảng 60 tỷ USD, Pháp khoảng 30 tỷ USD. Thế nhưng các quốc gia này không nằm trong tốp đầu tư vào Việt Nam, mà Hà Lan (quốc gia không lớn) mới là quốc gia đứng đầu trong số các nước châu Âu đầu tư ở Việt Nam.

“Phải chăng những doanh nghiệp Hà Lan phù hợp hơn với môi trường đầu tư ở Việt Nam. Còn những doanh nghiệp đến từ Pháp, Đức, Thụy Điển có vẻ như môi trường đầu tư của Việt Nam chưa phù hợp với họ?”, ông Toàn thắc mắc.

Nhưng gần đây, ông Toàn cũng thấy nổi lên sự thay đổi. Thí dụ như Đức, những năm trước họ đầu tư vào Việt Nam khoảng hơn 100 triệu USD, quá ít so với 60 tỷ USD họ đầu tư ra thế giới. Nhưng có một điểm sáng là chín tháng năm 2023 thì Đức đã đầu tư vào Việt Nam hơn 200 triệu USD. Cuối năm ngoái cũng có một dự án rất lớn của Đan Mạch đầu tư vào Bình Dương với hơn 1 tỷ USD.

Dòng vốn từ các nhà đầu tư từ châu Âu vẫn thường được đánh giá cao hơn so với nhiều quốc gia khác. Ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại Chính phủ gia nhập WTO và AEC phân tích: Chúng ta đều biết rằng, EU là một thị trường vốn và công nghệ, nhưng EU khác với nhà đầu tư ở các nước khác, tức là họ nghiên cứu rất kỹ một vấn đề thì họ mới quyết định đầu tư. Họ nghiên cứu đường vào và nghiên cứu xem làm gì có hiệu quả, đầu ra như thế nào.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Việt Nam đã thu hút đầu tư nước ngoài từ 142 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Apple, Google, Boeing,… đang nghiên cứu, đầu tư mở rộng chuỗi cung ứng tại Việt Nam nhằm bảo đảm tính ổn định trong dài hạn của toàn chuỗi.

Hút dòng vốn FDI chất lượng cao ảnh 1

Dòng vốn FDI đã thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, từng bước nâng cao năng lực sản xuất trong nước.

Nhu cầu bức thiết nâng chất lượng dòng vốn nước ngoài

Nhìn những số liệu về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp FDI, có thể thấy việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng hơn thời gian tới có nhiều ý nghĩa như thế nào.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2022, có 28.963 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 3,27% số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Kết quả tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp FDI năm 2022 có sụt giảm nhẹ so với năm 2021 đối với lợi nhuận sau thuế. Cụ thể: Doanh thu đạt khoảng 9.727.000 tỷ đồng, tăng 4,4% so với năm 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế là 386.673 tỷ đồng, giảm 2,1% so với năm 2021.

Nộp ngân sách của doanh nghiệp FDI đạt 237.777 tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng số nộp của các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung. Trong đó có năm lĩnh vực chiếm khoảng 91% tổng tài sản của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài gồm: Doanh nghiệp chế biến - chế tạo (60%), tài chính - ngân hàng - bảo hiểm (10%); bất động sản (7%), sản xuất chế biến - khí đốt - điều hòa (4%), hoạt động chuyên môn về khoa học - công nghệ (4%)…

Song, một vấn đề đáng băn khoăn trong kết quả kinh doanh của khu vực FDI là số doanh nghiệp thua lỗ nhiều hơn doanh nghiệp có lãi. Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết: Trong số các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, năm 2021 có 37% số doanh nghiệp có lãi; năm 2022 là 38,79% số doanh nghiệp có lãi. Tuy nhiên, so với doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn có lãi nhiều hơn nhưng lỗ lại cao hơn. Có tới 53,83% số doanh nghiệp FDI báo lỗ trong khi tổng doanh nghiệp nói chung báo lỗ là 50%.

Tại Hội nghị Thủ tướng gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài, ông Phạm Thanh Hà, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chia sẻ: Rõ ràng là gần 40 năm qua, vốn FDI rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. NHNN thấy rằng chiến lược đồng hành và phát triển đầu tư nước ngoài bền vững, dài hạn rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, để bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, cần xem xét cẩn trọng các dòng vốn “nóng”, mang tính “đầu cơ”, hay dòng vốn đơn thuần mang tính đầu cơ tài chính.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đánh giá: Mỹ và Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ và đây là thời điểm quan trọng, cũng là cơ hội tuyệt vời để cải thiện khung chính sách và môi trường đầu tư nhằm thu hút dòng đầu tư mới, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam.

“Chính phủ có thể thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh tổng thể và chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục hành chính của Chính phủ trong thời gian qua. Các thành viên của chúng tôi nhận thấy quy trình phê duyệt còn chậm và thủ tục hành chính còn mất thời gian, cản trở hoặc làm chậm tiến độ các dự án của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam”, đại diện AmCham chia sẻ.

Đánh giá hiệu ứng lan tỏa của các nhà đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong nước còn thấp, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho rằng, điều này dẫn đến rất nhiều bất lợi cho Việt Nam. Bởi khi đó, các doanh nghiệp FDI sẽ không chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam chỉ tham gia chuỗi giá trị thấp, sản phẩm hỗ trợ không tham gia được nhiều hoặc ở phân khúc công nghệ thấp…

“Tất cả những chuyện như vậy dẫn đến thua thiệt cho chúng ta, tức là thu hút FDI được nhiều nhưng hiệu quả chưa cao. Quan trọng nhất trong thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài là làm sao thu được những lợi ích kép, vừa tham gia chuỗi giá trị cao hơn, giá trị gia tăng nhiều hơn, vừa phát triển được nguồn nhân lực”, ông Toàn chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Toàn khẳng định, phải nâng cấp môi trường đầu tư của chúng ta lên để môi trường đầu tư đó phù hợp với những dự án có công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến ở những quốc gia phát triển hơn.