Doanh nghiệp Việt lớn mạnh sẽ thu hút được FDI nhiều hơn
Phóng viên: Kinh tế Việt Nam phục hồi khá tích cực nhưng còn đối diện với nhiều khó khăn, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế đang có nhiều thay đổi. Ông nhận định thế nào về tình hình thu hút vốn FDI từ đầu năm đến nay?
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng: Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài mười tháng năm 2023 đã khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu.
Tính đến ngày 20/10/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so cùng kỳ.
Trong đó, có 2.608 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt hơn 15,29 tỷ USD, tăng 66,1% về số dự án và tăng 54% về số vốn so với cùng kỳ;
Bên cạnh đó có 1.051 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 5,33 tỷ USD, tăng 19,4% về số lượt nhưng giảm 39% về số vốn so với cùng kỳ;
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng thực hiện 2.836 giao dịch góp vốn, mua cổ phần với tổng giá trị đạt 5,13 tỷ USD. Con số này tuy giảm 5,4% so với cùng kỳ về số lượt nhưng tăng 35,4% về số vốn.
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoàiTôi muốn nhấn mạnh rằng tăng trưởng của dòng vốn FDI vào Việt Nam được duy trì trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang giảm sút do ảnh hưởng của tình hình địa chính trị quốc tế có nhiều biến động, tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển - nơi có các nguồn vốn đầu tư ra bên ngoài lớn đều chậm lại.
Các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về thu xếp nguồn vốn, lựa chọn thị trường, điểm đến đầu tư… trong khi các nước trong khu vực đưa ra nhiều chính sách ưu đãi mời gọi đầu tư nước ngoài ngày càng có tính cạnh tranh cao, cho thấy kết quả thu hút đầu tư nước ngoài nói trên của Việt Nam là đáng khích lệ.
Triển vọng thu hút FDI trong giai đoạn tới có thể cao hơn, nhưng điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam; việc nâng cao chất lượng quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương về đầu tư nước ngoài; sức tăng trưởng và phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và đặc biệt là phụ thuộc rất nhiều vào cải cách cơ chế quản lý, hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài.
Phóng viên:Theo ông, Việt Nam đã và đang có cơ hội gì trong xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI toàn cầu,?
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng: Từ khi luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ tháng 12/1987 đến nay, Việt Nam luôn đứng trước các khó khăn, thách thức khác nhau ở mỗi giai đoạn phát triển. Nhưng chúng ta cũng đã biết tận dụng các cơ hội lớn, nhỏ khác nhau của mỗi giai đoạn để vượt qua khó khăn và tạo thêm các cơ hội mới để phát triển được như ngày hôm nay.
Ngoài một số các nhà đầu tư lớn trên thế giới đã đến Việt Nam như Samsung, LG, còn có các nhà đầu tư lớn khác như Foxconn, Apple, Goertek, Luxshare…đã và đang chuyển một số các hoạt động sản xuất trong chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam. Hơn nữa, rất nhiều cơ hội lớn đang mở ra sau những chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam gần đây.
Các động thái này cho thấy Việt Nam đang có cơ hội để tiếp nhận xu hướng chuyển dịch của dòng vốn FDI toàn cầu. Nhưng cần lưu ý rằng trong thực tế đầu tư kinh doanh quốc tế đối với mọi quốc gia trên thế giới, cơ hội cũng có thể đến rồi đi.
Điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, đó là môi trường kinh tế-xã hội và sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư của mỗi quốc gia; thực tế tình hình địa chính trị; mức độ phát triển của kinh tế thế giới, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và dịch bệnh toàn cầu... ở mỗi giai đoạn phát triển.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong thời kỳ đương đại này, khi cách mạng Công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi cơ bản nhận thức quan hệ quốc tế, thời gian kéo dài của mỗi giai đoạn phát triển đều ngắn lại. Như xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành năm 2020-2021 đã qua đi. Hoặc hiện nay là chiến sự giữa Nga-Ukraine tạo ra thách thức lớn nhưng cũng có cơ hội cho một số quốc gia.
Sự bất ổn định của địa chính trị, kinh tế thế giới tạo ra điều kiện để một số quốc gia lớn có động thái, thậm chí muốn toan tính thay đổi trật tự thế giới, gia tăng ảnh hưởng của quốc gia mình, sử dụng các công cụ có khả năng để chi phối đáng kể các nước khác.
Cho nên xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
FDI toàn cầu đã giảm từ 1.500 tỷ USD năm 2019 xuống còn 1.000 tỷ USD năm 2020.
Năm 2021, đại dịch Covid-19 được kiểm soát hiệu quả, quy mô FDI toàn cầu lại tăng lên 1,65 tỷ USD (Số liệu của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển-UNCTAD 2022) nhưng có xu hướng chậm lại.
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng
Việt Nam có cơ hội, nhất là tác động tích cực từ việc tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhưng cơ hội lại luôn phụ thuộc vào chính chúng ta. Sức cạnh tranh của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài. Nội dung này đã được đề cập tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Không thể phủ nhận Việt Nam đã đạt được rất nhiều thành công trong thu hút FDI và quan hệ quốc tế trong lĩnh vực này. Theo UNCTAD, Việt Nam đứng thứ 24 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tiếp nhận FDI lớn nhất năm 2019, nhưng vẫn đứng sau Singapore ở vị trí thứ 3 và Indonesia ở vị trí thứ 19.
Do đó, chúng ta không tự bằng lòng với kết quả đã có mà cần có nhiều giải pháp khác để nâng cao sức cạnh tranh trong thu hút FDI, nhất là gắn với thực trạng sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở từng giai đoạn để đánh giá kết quả đạt được và có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
Doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh sẽ thu hút được FDI nhiều hơn, giúp giải quyết được các tồn tại hiện nay như vấn đề tiếp nhận chuyển giao công nghệ, xây dựng nền kinh tế tự cường. Đó chính là đòi hỏi xuyên suốt của quá trình hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong nhiều năm tới.
Nắm công nghệ cao để xây dựng nền kinh tế tự cường
Phóng viên: Theo ông đâu là những yếu tố tạo nên một Việt Nam hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh hiện nay?
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng: Từ góc độ cá nhân, tôi cho rằng có nhiều yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của Việt Nam xuyên suốt các giai đoạn thu hút và hợp tác đầu tư nước ngoài từ năm 1988 đến nay.
Đó là tình hình chính trị và xã hội ổn định. Vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao cả về chính trị, ngoại giao, kinh tế; đặc biệt, Việt Nam đã hội nhập sâu vào kinh tế thế giới, tham gia vào nhiều các hiệp định và cam kết quốc tế về FDI, cụ thể là tham gia vào cam kết của 136 quốc gia, chiếm 90% thương mại thế giới về mức thuế thu nhập doanh nghiệp toàn cầu thấp nhất 15%;
Kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng ổn định trong các giai đoạn khó khăn vừa qua và hiện nay. Thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân có mức thu nhập ngày càng cao, sức mua tăng, là điểm trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thuận tiện do hội nhập sâu vào thương mại quốc tế với nhiều Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới đã ký kết;
Cơ sở hạ tầng cứng của Việt Nam như đường xá, cầu cống, sân bay, bến cảng.. ngày càng được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu về logistics của các nhà đầu tư; hệ thống luật pháp chính sách về đầu tư nước ngoài liên tục được sửa đổi bổ sung nhằm tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài phát triển hiệu quả cũng là yếu tố góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút vốn FDI toàn cầu.
Phóng viên: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Nghị quyết này nếu được thông qua sẽ có ý nghĩa thế nào đối với thu hút FDI vào Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh gần đây, các nhà đầu tư lớn có xu hướng cẩn trọng xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào Việt Nam trong bối cảnh mới?
Tiến sĩ Phan Hữu Thắng: Nếu Nghị Quyết của Quốc hội về chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao được áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có ý nghĩa hết sức đặc biệt.
Chỉ nói riêng về nguồn vốn đầu tư, nếu được hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp vượt khó trong giai đoạn hiện nay vì hiện có rất ít doanh nghiệp không phải vay vốn hoặc phải vay vốn ngân hàng với số vốn không lớn. Với mức lãi suất cao như hiện nay, ít doanh nghiệp còn sức đầu tư vào công nghệ vì lĩnh vực này đòi hỏi nguồn lực lớn để nắm được bản quyền công nghệ, mua sắm các thiết bị liên quan và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…
Chỉ khi có nhiều doanh nghiệp nội địa nắm được công nghệ, Việt Nam mới khắc phục các tồn tại hiện nay trong thực hiện mục tiêu tiếp thu công nghệ nguồn từ các nước công nghiệp phát triển hàng đầu; dần xóa bỏ được thực trạng doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp gia công với tỷ lệ nội địa hóa thấp, thiếu liên kết với doanh nghiệp trong nước.
Nắm được công nghệ cao trong thời đại chuyển đổi sang nền kinh tế số dưới tác động của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng được nền kinh tế tự cường mà Việt Nam bằng mọi giá phải có được trong giai đoạn tới.
Xin trân trọng cảm ơn ông!