Thừa Thiên Huế quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Những năm qua, Thừa Thiên Huế luôn duy trì tăng trưởng khá trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; có nhiều giải pháp mới trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (thứ ba từ trái sang) kiểm tra các mô hình đầu tư giảm nghèo tại huyện miền núi A Lưới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (thứ ba từ trái sang) kiểm tra các mô hình đầu tư giảm nghèo tại huyện miền núi A Lưới.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân, đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định, Thừa Thiên Huế sẵn sàng bước tiếp chặng đường mới với động lực mới, khí thế mới và hành động mới, quyết tâm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Phóng viên: Với nỗ lực đổi mới, sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025, bức tranh kinh tế, văn hóa, xã hội của Thừa Thiên Huế có nhiều điểm sáng. Xin đồng chí khái quát những kết quả nổi bật mà tỉnh đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua?

Đồng chí Lê Trường Lưu: Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và gần 3 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch bệnh Covid-19 đã tác động toàn diện đến mọi mặt của đời sống xã hội, song với sự nỗ lực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, góp sức của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng thuận, vượt khó của nhân dân, kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận. Đối chiếu với các chỉ tiêu nhiệm kỳ, có 5/15 chỉ tiêu đạt và vượt, 6/15 chỉ tiêu khả năng đạt so với kế hoạch đề ra.

Thừa Thiên Huế quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ảnh 1
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (hàng trước, ngoài cùng bên phải) cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương thăm khu đô thị mới và kiểm tra mô hình đầu tư nhà ở xã hội tại Thừa Thiên Huế.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành, lĩnh vực phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2021-2023 đạt 7,3%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt gần 2.700 USD. Thu ngân sách tăng bình quân 12,5%/năm. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng bình quân 13,6%/năm. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%.

Kinh tế-xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả tích cực đáng ghi nhận với 5/15 chỉ tiêu đạt và vượt, 6/15 chỉ tiêu khả năng đạt so kế hoạch đề ra.

Kết cấu hạ tầng được tập trung xây dựng theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nhiều công trình, dự án có tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh được triển khai như: Nâng cấp, mở rộng tuyến đường Quốc lộ 1A; đường cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn; các dự án hạ tầng Khu kinh tế, khu công nghiệp, nâng cấp cảng Chân Mây; dự án mở rộng nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế. Hệ thống giao thông đô thị được chỉnh trang, cải tạo, nhất là các tuyến đường dọc theo bờ sông Hương. Khu đô thị mới An Vân Dương phát triển mạnh mẽ, hiện đại.

Một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có thương hiệu đã hoạt động, nghiên cứu đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh như: VinGroup, Banyan Tree, BRG, AEON Nhật Bản… Kinh tế biển và đầm phá cũng đang trở thành động lực phát triển của tỉnh, tạo diện mạo mới cho toàn vùng, góp phần khai thác lợi thế phát triển du lịch và thủy sản.

Thừa Thiên Huế quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ảnh 2
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (từ hai từ trái sang) kiểm tra các gian hàng phát triển công nghệ trong Tuần lễ chuyển đổi số của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Toàn tỉnh có 67/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 71,3%, có 2 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Công tác giảm nghèo được triển khai quyết liệt với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2023 giảm còn 2,79%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2021-2023 đạt 7,3%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt gần 2.700 USD. Thu ngân sách tăng bình quân 12,5%/năm.

Văn hóa-xã hội phát triển toàn diện với sự hình thành và dần khẳng định vị thế của 4 trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục-đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học-công nghệ của cả nước. Bản sắc văn hóa Huế, con người Huế được chú trọng giữ gìn, phát huy. Các di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế được ưu tiên trùng tu, tôn tạo. Nhiều hội nghị, hội thảo, sự kiện, lễ hội văn hoá, Festival bốn mùa được tổ chức thành công tại Huế, góp phần thu hút khách du lịch, xây dựng Huế trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Huế ngày càng xanh - sạch - sáng với nhiều phong trào, cuộc vận động được lan tỏa sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, được nhân dân hưởng ứng, đồng thuận.

Chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn được nâng lên. Nhiều học sinh đạt giải quốc gia, quốc tế. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 71%. Đại học Huế tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế của một đại học trọng điểm, mang tầm vóc của một cơ sở giáo dục đại học quốc gia, góp phần quan trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền trung và cả nước.

Thừa Thiên Huế quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ảnh 3

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (bên phải) và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thăm hỏi, động viên và tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Tuyết, tại, phường Thủy Phương (thị xã Hương Thủy).

Y tế phát triển mạnh mẽ với trụ cột, hạt nhân là Bệnh viện Trung ương Huế, Trường đại học Y Dược Huế và ngành Y tế của tỉnh... đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân khu vực miền Trung và cả nước, đóng góp tích cực vào những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực Y học của nước nhà.

Khoa học-công nghệ đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỉnh đã tập trung phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh hoạt động tích cực, hiệu quả, vận hành, triển khai nhiều dịch vụ đô thị thông minh. Liên tục trong 3 năm 2020, 2021, 2022, chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh của Thừa Thiên Huế đều giữ vững ở top 5 toàn quốc.

Quốc phòng, an ninh luôn được bảo đảm, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được tập trung, chú trọng. Tổ chức bộ máy cả hệ thống chính trị các cấp ngày càng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đảng bộ tỉnh luôn đoàn kết, trong sạch vững mạnh, năng lực lãnh đạo ngày càng được củng cố, nâng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.

Đặc biệt, trong nửa nhiệm kỳ qua, tỉnh tập trung triển khai thực hiện quyết liệt Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị với nhiều chương trình, đề án, quy hoạch quan trọng. Đến nay, Tỉnh ủy đã thông qua Đồ án quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đang chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, Đề án phân loại đô thị Phong Điền đạt đô thị loại 4 và một số đề án quan trọng khác.

Thừa Thiên Huế quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ảnh 4
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (ở giữa) thăm, kiểm tra các gian hàng phát triển công nghệ của các doanh nghiệp trên địa bàn Thừa Thiên Huế.

Phóng viên: Xin đồng chí chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần đưa nghị quyết của Đảng thật sự đi vào đời sống xã hội?

Đồng chí Lê Trường Lưu: Thứ nhất, luôn giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy nhằm phát huy sức mạnh trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Thực hiện nghiêm Quy chế làm việc. Phát huy năng lực, trách nhiệm của từng đ/c cấp ủy viên trong tham gia hoạch định đường lối, chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh trên từng ngành, từng lĩnh vực; phân công nhiệm vụ cụ thể, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả gắn với đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát.

Thứ hai, trong lãnh đạo, chỉ đạo phải có quyết tâm chính trị cao; chủ động, quyết liệt trong điều hành, tổ chức thực hiện; đổi mới tư duy, tạo đột phá để phát triển; nhạy bén, cương quyết, sáng tạo, linh hoạt, sâu sát cơ sở, bám thực tiễn để kịp thời giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đề ra các chủ trương, chính sách đúng đắn.

Thứ ba, đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư. Triển khai có hiệu quả chính sách của Trung ương, nhất là các cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo đòn bẩy, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ tư, đó là sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; sự chủ động, quyết liệt của các cấp chính quyền trong việc huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Coi trọng công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu. Phát huy trí tuệ, năng lực, trách nhiệm và gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Thứ năm, sự đồng thuận, chung sức của người dân Huế trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, các nhiệm vụ giải pháp của tỉnh. Chú trọng công tác truyền thông, dân vận, nhất là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời dân cư, thực hiện các phong trào, cuộc vận động.

Thứ sáu, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc thù; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương và hợp tác của các tỉnh, thành phố, bạn bè quốc tế trong quá trình xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ảnh 5

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (thứ 2 từ bên phải) cùng Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương tặng quà Trung tâm Điều dưỡng chăm sóc người có công tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phóng viên: Tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện mục tiêu sớm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị. Vậy, giải pháp nào để biến những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra sớm trở thành hiện thực, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Trường Lưu: Nhiệm vụ quan trọng mà Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra là sớm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Chúng tôi đã tiến hành đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 16, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề ra những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, sớm thực hiện thắng lợi mục tiêu này.

Trước hết, tỉnh ưu tiên tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trước mắt, xây dựng hoàn thành, bảo đảm chất lượng, tiến độ các quy hoạch, đề án đã được đề ra, trọng tâm là Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương; Đề án phân loại đô thị loại 4 đối với đô thị Phong Điền; Đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế. Đồng thời, triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ảnh 6
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (ngoài cùng bên trái) đi kiểm tra các công trình, dự án ven biển tại Thừa Thiên Huế.

Triển khai Đề án phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2022-2025. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Quyết tâm đưa A Lưới khỏi danh sách huyện nghèo quốc gia.

Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra là sớm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Đồng chí Lê Trường Lưu

Cơ cấu lại thu, chi ngân sách gắn với nâng cao hiệu quả quản lý. Ưu tiên chi đầu tư phát triển, nhất là các dự án trọng điểm, quan trọng, cấp bách, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế.

Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển đô thị. Chủ động phối hợp triển khai các dự án Trung ương triển khai trên địa bàn. Tập trung hoàn thành Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công vốn ngân sách tỉnh. Quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng, phát triển các đô thị đạt chuẩn.

Triển khai các công trình trọng điểm như tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường vành đai 3.

Thừa Thiên Huế quyết tâm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ảnh 7
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (ngoài cùng bên phải) và lãnh đạo Bộ Khoa học và công nghệ cùng tỉnh Thừa Thiên Huế tìm hiểu các sản phẩm của Huế đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án đang triển khai đầu tư. Quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng. Rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm pháp luật về đất đai, đầu tư theo đúng quy định.

Chăm lo phát triển lĩnh vực văn hóa-xã hội. Tập trung các giải pháp để xây dựng, phát huy vị thế 4 trung tâm văn hóa-du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học-công nghệ và giáo dục-đào tạo. Triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, đẩy mạnh cải cách hành chính, làm tốt công tác dân vận. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức và năng lực thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!