Những điểm tựa giúp Thừa Thiên Huế bứt phá vươn lên

Với vị thế chiến lược quan trọng, là một cực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền trung và cả nước, vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc, tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được Trung ương quan tâm, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (huyện Phú Lộc), điểm nhấn trong phát triển du lịch-dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô (huyện Phú Lộc), điểm nhấn trong phát triển du lịch-dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là những điểm tựa, đòn bẩy quan trọng để Thừa Thiên Huế tạo sức bật mới, bứt phá vươn lên.

Thừa Thiên Huế là địa phương duy nhất trên cả nước có tới bảy di sản được UNESCO vinh danh; là nơi hội tụ đầy đủ các tiềm năng, thế mạnh về đa dạng vùng miền, địa hình của Việt Nam, gồm: rừng núi - vùng đồi - đồng bằng - đầm phá - biển. Giá trị di sản Cố đô Huế còn được hun đúc bởi con người Huế, văn hóa Huế rất riêng có, rất đặc trưng.

Huế cũng tự hào là nơi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hệ thống di tích lưu niệm về Bác Hồ cùng với các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng đã trở thành tài sản vô giá của vùng đất cố đô. Nhiều nhà cách mạng, nhà nghiên cứu, bác sĩ y khoa giỏi, văn nghệ sĩ tài hoa đã xuất thân, hoạt động tại Huế.

Phát huy các thế mạnh của địa phương

Với những tiềm năng, lợi thế riêng có nêu trên, tháng 5/2009, Bộ Chính trị có Kết luận 48-KL/TW về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW, về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 xác định: Xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Triển khai Kết luận 48 và Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án để cụ thể hóa; trong đó, trụ cột là bốn nghị quyết về xây dựng, phát triển bốn trung tâm: văn hóa, du lịch đặc sắc; y tế chuyên sâu; khoa học-công nghệ; giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Cùng với đó là các nghị quyết chuyên đề khác về phát triển nguồn nhân lực, giảm nghèo bền vững, chuyển đổi số...

Sau hơn mười năm triển khai thực hiện, Thừa Thiên Huế đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Giai đoạn 2020-2022, mức tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 5,2%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 2.400 USD, gấp 1,19 lần so với năm 2019 (2.010 USD). Thu ngân sách của tỉnh ổn định, tăng trưởng bình quân 16%/năm.

Kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện; hệ thống đô thị phát triển nhanh; diện mạo đô thị, nông thôn khang trang, sạch đẹp. Các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục, khoa học-công nghệ có nhiều chuyển biến; từng bước phát huy được vị thế của trung tâm văn hóa-du lịch, khoa học-công nghệ, y tế, giáo dục-đào tạo lớn của cả nước. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch đạt nhiều kết quả; đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,13%.

Tuy nhiên, tình hình phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh vẫn còn những hạn chế. Từ chính sách đến các chương trình, kế hoạch, hành động thực tiễn nhằm khơi dậy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế đóng góp vào sự phát triển của Thừa Thiên Huế theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW vẫn còn nhiều vấn đề đòi hỏi phải quan tâm giải quyết.

Chẳng hạn như công tác kiểm kê, đánh giá toàn diện về nguồn lực văn hóa; công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế; khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế trong phát triển kinh tế, ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường đối ngoại và củng cố quốc phòng-an ninh;...

Từ thực tiễn địa phương, tháng 11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó Trung ương tiếp tục xác định các nhóm nhiệm vụ đột phá cho cả vùng là phát huy tối đa thế mạnh riêng có, tăng cường liên kết vùng. Theo đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là định hướng quan trọng và là kim chỉ nam để Huế phát triển đúng với đặc trưng, thế mạnh của mình.

Đổi mới tư duy, tạo bứt phá phát triển

Đồng chí Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết: Bám sát tinh thần hai nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị nêu trên, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết tâm đổi mới tư duy, tìm các giải pháp tạo đột phá mới. Trước hết, tỉnh tập trung các nguồn lực, tăng tốc triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu mà hai nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra, phấn đấu xây dựng và phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Trọng tâm là phát huy tối đa vị thế của bốn trung tâm: văn hóa, du lịch đặc sắc; y tế chuyên sâu; khoa học-công nghệ; giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao.

Hiện nay, thực hiện mục tiêu xây dựng trung tâm văn hóa, du lịch, tỉnh triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 phù hợp với thực tiễn địa phương; tập trung xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế xứng tầm là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam, thành phố lễ hội của Đông Nam Á; xây dựng Huế thành Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài Việt Nam. Để trở thành trung tâm giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, tỉnh tiến hành rà soát, sắp xếp bảo đảm quy hoạch mạng lưới trường, lớp và cơ sở đào tạo theo hướng thu gọn đầu mối.

Những điểm tựa giúp Thừa Thiên Huế bứt phá vươn lên ảnh 1

Thừa Thiên Huế hướng đến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Trong ảnh: Một góc đô thị Huế nhìn từ trên cao.

Đại học Huế được quan tâm đầu tư phát triển trở thành Đại học Quốc gia; phát triển Trường đại học Y Dược Huế theo mô hình “Trường-Viện” cấp quốc gia và hướng tới đạt chuẩn quốc tế. Học viện Âm nhạc Huế được xây dựng xứng tầm là một trong ba cơ sở đào tạo, nghiên cứu, sáng tác và biểu diễn có uy tín, thương hiệu của cả nước.

Tỉnh chú trọng xây dựng trung tâm y tế chuyên sâu trên cơ sở gắn kết chặt chẽ và phát huy thế mạnh ba trụ cột chính là Bệnh viện Trung ương Huế, Trường đại học Y Dược Huế và hệ thống y tế địa phương; trong đó tập trung xây dựng Bệnh viện Trung ương Huế xứng tầm là trung tâm y học cao cấp, bệnh viện hạt nhân, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, có thương hiệu quốc tế.

Riêng về trung tâm khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng và vận hành có hiệu quả hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển tài sản trí tuệ gắn với phát triển thị trường khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Công tác chuyển đổi số được tăng cường nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế...

Theo đồng chí Lê Trường Lưu, Thừa Thiên Huế tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch vùng, chú trọng mối liên hệ vùng Đông Nam Á, hành lang Đông-Tây, mối quan hệ với các đô thị lân cận. Trong quá trình phát triển, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển, giữa thành thị và nông thôn và phù hợp đặc thù riêng có của Thừa Thiên Huế.

Tỉnh đang tập trung xây dựng Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch phát triển các bệnh viện, trường học, trung tâm khoa học-công nghệ; hình thành khu công nghệ cao quốc gia; quy hoạch phát triển kinh tế biển và đầm phá Tam Giang-Cầu Hai; Khu du lịch quốc gia Lăng Cô-Cảnh Dương.

Hiện nay, các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế nhằm quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, truyền thống lịch sử, văn hóa và con người Thừa Thiên Huế đến bạn bè quốc tế gắn với các hoạt động xúc tiến đầu tư đang được các ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện. Đồng thời, các trung tâm, viện nghiên cứu của tỉnh đẩy mạnh hợp tác với các cơ quan trung ương trên địa bàn, tạo sự gắn kết các ngành, lĩnh vực; thực hiện cơ chế phối hợp tương hỗ giữa Đại học Huế, các cơ sở đào tạo với ngành giáo dục địa phương một cách hiệu quả, chất lượng.

Về kinh tế, tỉnh phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền trung để hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về các chỉ số phát triển kinh tế-xã hội; các ngành, lĩnh vực ưu tiên; các công trình trọng điểm, dự án lớn nhằm phục vụ công tác điều phối các hoạt động liên kết vùng; thúc đẩy liên kết, phát triển kinh tế vùng.

Trên cơ sở định hướng chiến lược của Trung ương, Thừa Thiên Huế từng bước phát huy mạnh mẽ nội lực, củng cố vai trò động lực, đẩy mạnh liên kết với các địa phương nhằm khai thác hiệu quả thế mạnh của các vùng đất giàu tiềm năng văn hóa, du lịch, tạo sức mạnh thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế-xã hội địa phương cũng như của toàn vùng.