Cú huých từ cơ chế, chính sách đặc thù

Nghị quyết số 38/2021/QH15 của Quốc hội (gọi tắt là Nghị quyết số 38) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022. Các cơ chế, chính sách đặc thù này là công cụ hỗ trợ, thúc đẩy Thừa Thiên Huế phát triển, phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh để sớm đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố Huế.
Một góc thành phố Huế.

Theo Nghị quyết số 38, sáu lĩnh vực Thừa Thiên Huế được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù bao gồm: Được vay tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; hằng năm ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán; được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm (%) số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước; ngân sách địa phương được bố trí đầu tư tương ứng số thu phí tham quan nộp vào ngân sách nhà nước; được hưởng 50% số thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế.

Chung sức, đồng lòng

Các cơ chế, chính sách được Quốc hội thông qua có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là công cụ hỗ trợ, khuyến khích, động viên, thúc đẩy Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động cao nhất các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng kinh tế-xã hội, bảo đảm cân đối hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; bảo đảm nguồn thu ngân sách bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Phát huy và khai thác hết các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, sớm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện Nghị quyết số 38, Thừa Thiên Huế xây dựng các chương trình hành động cùng kế hoạch triển khai chi tiết, vận động sự chung sức, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, để phát triển Thừa Thiên Huế lên tầm cao mới, tỉnh tập trung cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistics, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là bứt phá; kinh tế biển là thiết yếu.

Hiện tỉnh đang đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh, bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế; trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm về phát triển đô thị.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, cùng với những nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, tỉnh sẽ tập trung thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế-xã hội, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế; tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, có giá trị gia tăng cao, tăng cường hoạt động xuất, nhập khẩu; bảo tồn di sản vật thể, phi vật thể và phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế…

Tạo chuyển biến từ năm đầu

Trong bối cảnh khó khăn với diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Thừa Thiên Huế tận dụng và ưu tiên phát triển các cơ chế thuộc nhóm quản lý tài chính ngân sách, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển. Theo đó, tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm phục hồi phát triển kinh tế hậu Covid-19 và bồi dưỡng nguồn thu từ các cơ chế, chính sách thông qua việc tăng cường các hoạt động xuất, nhập khẩu, xây dựng và đẩy mạnh các gói kích cầu du lịch, tăng nguồn thu từ phí tham quan di tích, huy động vốn đóng góp vào Quỹ Bảo tồn di sản nhằm tận dụng cao nhất nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng quan trọng, bảo tồn và giữ gìn di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ngày 26/3/2022, tuyến đường ven biển và cầu bắc qua cửa biển Thuận An, nối Thuận An với Hải Dương được khởi công xây dựng, với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng. Đây là một trong những hạng mục của tuyến đường ven biển đi qua Thừa Thiên Huế. Cầu bắc qua cửa biển Thuận An góp phần hình thành tuyến đường du lịch ven biển, kết nối thông suốt với tuyến đường bộ ven biển quốc gia. Công trình cũng tạo thuận lợi cho vận tải theo hướng bắc-nam, tăng tính kết nối đến các cảng biển, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng điểm ven biển miền trung.

Tháng 10/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký ban hành Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập và quy chế hoạt động của Quỹ Bảo tồn di sản Huế, một hình thức xã hội hóa việc bảo tồn, phát triển giá trị di sản Huế. Gần như cùng lúc, hãng đấu giá Millon ở Pháp rao đấu giá ấn "Hoàng đế chi bảo". Theo "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ", "đây là ấn báu của Nhà nước là để làm việc tuyên bố mệnh lệnh, chỉ bảo rõ ràng những việc phải làm, về khí cụ thì cực kỳ quan trọng, về điển lệ thì cực kỳ to lớn...".

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến và hãng Millon thông báo dời ngày đấu giá, tạo điều kiện cho phía Việt Nam có thêm thời gian thương lượng để mua trực tiếp. Ngay lập tức, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ được huy động nguồn lực xã hội hóa cho Quỹ Bảo tồn di sản Huế, sử dụng quỹ này để kịp thời mua lại và hồi hương ấn "Hoàng đế chi bảo".

Đó có thể xem là hai trong số những việc làm cụ thể của địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 38 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đại Vui, tỉnh đã tập trung ưu tiên triển khai các giải pháp quyết liệt như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế một cách thực chất và hiệu quả hơn. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Quyết liệt trong giải ngân vốn đầu tư công; giải phóng mặt bằng và đẩy mạnh thu hút đầu tư.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Phương chia sẻ, các cơ chế, chính sách thật sự chỉ phát huy hiệu quả khi có được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ chính quyền đến người dân và doanh nghiệp. Thực tế, với những chương trình cụ thể và bước đi vững chắc, tin tưởng rằng các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển liên kết vùng, cả nước và hội nhập quốc tế; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh.

Qua đó, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh phát triển mạnh mẽ, nhanh và bền vững, sớm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mục tiêu mà Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị đã đề ra.