Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển Tây Nguyên đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững

NDO - Sáng 20/11, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề “Phát triển xanh-hài hòa-bền vững”.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Cùng dự, có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước, quốc tế và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là Hội nghị “ba trong một”, với tư tưởng chủ đạo, mục tiêu là “Phát triển Tây Nguyên đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững”.

Thủ tướng khẳng định, Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng.

Thủ tướng phân tích, vùng Tây Nguyên hiện thiếu nguồn lực về con người cả số lượng và chất lượng; thiếu nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất; chủ yếu sử dụng nguồn lực trong nước, hạn chế thu hút đầu tư nguồn lực bên ngoài; thiếu sự kết nối nội vùng, trong vùng, trong nước và ngoài nước; xây dựng chưa nhiều những thương hiệu tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển Tây Nguyên đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững ảnh 1

Quang cảnh hội nghị.

Thủ tướng thông tin, quan điểm từ năm 2000 là ổn định tình hình chính trị của Tây Nguyên để phát triển Tây nguyên, khi có Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị. Quan điểm bây giờ là phát triển kinh tế-xã hội để góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh-quốc phòng và trật tự an toàn xã hội vùng Tây Nguyên.

Thủ tướng chỉ đạo, Tây Nguyên phải tự lực tự cường, đi lên bằng bàn tay, khối óc và khung trời, mảnh đất của mình; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, đột phá và chiến lược lâu dài là quyết định; phải có cách thức tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân để đối phó với thách thức an ninh toàn cầu; lấy người dân làm chủ thể, trung tâm để tham gia xây dựng các chính sách; phát triển đột phá nhưng phải bao trùm, toàn diện, bền vững và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau; tích cực đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm, thị trường và chuỗi cung ứng để tăng cường năng lực phát triển…

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình, Kế hoạch hành động của mình, đồng thời, đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức.

Trước mắt, phải hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách đặc thù và thí điểm ở Tây Nguyên; thể chế phải xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, mà các địa phương phải đề xuất, phải nêu cụ thể.

Các địa phương phải phát triển hạ tầng chiến lược, gồm hạ tầng giao thông kết nối hành lang kinh tế đông-tây, bắc-nam, giao thông kết nối vùng; giao thông phát triển sẽ tạo không gian phát triển mới và phát triển văn hóa-xã hội tương ứng; đường đi đến đâu văn minh đến đấy.

Tiếp đến, các địa phương cần phát triển hạ tầng y tế, giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển công nghệ, các trường đại học, trường dạy nghề, trường quản lý; tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng gió, năng lượng mặt trời; phát triển công nghệ chế biến, nông nghiệp sạch, thương hiệu; phát triển văn hóa gắn với du lịch và kinh tế đêm; phát triển bao trùm, toàn diện, bền vững xuất phát từ bài toán quy hoạch có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược; phát triển nguồn lực từ đầu tư công, thu hút đầu tư, hợp tác công tư; tạo môi trường đầu tư thông thoáng; xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững, ổn định.

Về xúc tiến đầu tư, các địa phương phải có trọng tâm, trọng điểm; dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi và mang lại hiệu quả cao; thực hiện tốt văn hóa doanh nhân.

Thủ tướng nêu rõ, các nhà đầu tư đã hứa là phải làm, đã cam kết phải thực hiện; mà thực hiện phải có hiệu quả, hài hoà lợi ích. Các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường thông tin, quảng bá về vùng đất, con người, văn hóa, lịch sử, tiềm năng, thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên.

Sau hội nghị hôm nay, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành theo thẩm quyền, sớm xử lý, tháo gỡ các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc các đại biểu đã nêu, kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền; Chú trọng các Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và xây dựng nông thôn mới; tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; không trông chờ, ỷ lại, lơ là, chủ quan; kiên định, đoàn kết vượt qua các khó khăn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển Tây Nguyên đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo bộ ngành, địa phương chứng kiến lễ trao biên bản ghi nhớ và hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các đối tác quan tâm đầu tư vùng Tây Nguyên.

Với chủ đề “Phát triển xanh, hài hoà, bền vững”, tại hội nghị, các bộ, ngành Trung ương, tổ chức quốc tế, nhà đầu tư và các tỉnh vùng Tây Nguyên đã trình bày nhiều tham luận liên quan đến các vấn đề, như phát triển giao thông kết nối vùng, nông nghiệp hiệu quả cao; phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống vùng Tây Nguyên; đánh giá tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế xanh tại Tây Nguyên; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bảo đảm an ninh-chính trị, thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách; phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến; kết nối hạ tầng vùng Tây Nguyên với quốc gia, khu vực… nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị, về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và thu hút đầu tư vào vùng Tây Nguyên.

Theo đánh giá, sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị, vùng Tây Nguyên đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta; phát huy những tiềm năng, lợi thế của vùng cho phát triển nhanh và bền vững.

Quy mô kinh tế vùng tăng nhanh, năm 2020 gấp hơn 14 lần năm 2002. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, được quan tâm đầu tư, giúp cải thiện đáng kể sự kết nối giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với cả nước. Một số địa phương trong khu vực đã có sự phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong cả nước.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong 6 vùng kinh tế-xã hội cả nước. Những điều này nếu được khắc phục, kết hợp với những tiềm năng, lợi thế và nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả, bên cạnh các cơ hội mới sẽ là “dư địa”, cơ hội để Tây Nguyên phát triển mạnh trong thời gian tới.

Chính vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW, với mục tiêu phát triển vùng Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, với định hướng chỉ đạo theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh vùng Tây Nguyên; đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng Tây Nguyên bảo đảm xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại, với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; 23 nhiệm vụ cụ thể, 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối; phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phát triển Tây Nguyên đột phá, bao trùm, toàn diện và bền vững ảnh 3

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại biểu tham quan không gian triển lãm nông sản vùng Tây Nguyên.

Trong khuôn khổ hội nghị, diễn ra Triển lãm ảnh nghệ thuật “Tây Nguyên xanh - Hài hòa - Bền vững” và Hội chợ nông sản vùng Tây Nguyên, nhằm giới thiệu vẻ đẹp, tiềm năng vùng đất, con người và đặc sản vùng Tây Nguyên.

Lễ công bố biên bản ghi nhớ và hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với 5 đối tác quan tâm, tài trợ cho các dự án phát triển vùng Tây Nguyên, tổng quy mô vốn 288 triệu USD và Lễ trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư của các địa phương vùng Tây Nguyên.