Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên nhấn mạnh: Trong lịch sử hình thành và phát triển, đấu tranh cách mạng, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung, các chủ thể lịch sử-văn hóa cụ thể từng địa phương trong vùng nói riêng đã tạo nên nhiều sản phẩm văn hóa vật chất và tinh thần độc đáo, trở thành những di tích lịch sử, lịch sử-văn hóa, văn hóa kiến trúc, di chỉ khảo cổ có ý nghĩa lịch sử, có giá trị khai thác, phát huy phục vụ phát triển bền vững vùng hiện nay.
Theo thống kê, toàn vùng Tây Nguyên hiện có 59 hạng mục di tích lịch sử-văn hóa, trong đó có 14 di tích lịch sử, 2 di tích lịch sử đặc biệt, 8 di tích lịch sử văn hóa, 2 di tích văn hóa đặc biệt, 7 di tích lịch sử cách mạng, 21 di tích danh thắng, 1 danh thắng đặc biệt, 1 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, 2 di tích văn hóa kiến trúc, 1 di tích khảo cổ được Nhà nước xếp hạng từ năm 1980 cho đến thời điểm hiện tại. Ngoài ra, còn có hàng trăm di tích cấp tỉnh, được các tỉnh vùng Tây Nguyên xếp hạng…
Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên phát biểu đề dẫn hội thảo. |
Hầu hết các di tích được bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị thông qua các chương trình, đề án bảo vệ di sản; huy động các nguồn lực đóng góp của các tổ chức, cá nhân để tôn tạo, bảo trì, phát huy giá trị di sản bằng cách đưa di sản tham gia phát triển di sản…
Tuy nhiên, ở một số nơi, vì thiếu sự quan tâm, có tình trạng di tích xuống cấp, hư hại dẫn đến hạn chế trong quá trình khai thác giá trị của các di tích; một số di tích được đưa vào khai thác nhưng chưa thực sự phát huy hiệu quả… Vì vậy, hội thảo lần này diễn ra trong bối cảnh các địa phương vùng Tây Nguyên đang triển khai quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những ý kiến tham luận, trao đổi tại hội thảo nhằm củng cố thêm căn cứ lý luận và cung cấp những tư liệu thực tiễn sống động góp phần tham vấn chính sách cụ thể, sát thực tế cho các tỉnh vùng Tây Nguyên thực hiện tốt hơn việc khai thác giá trị các di tích lịch sử-văn hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên.
Tham luận tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Trung Hưng, Trường Đại học Công nghiệp Đồng Nai đề xuất: Để khai thác phát huy giá trị các di tích lịch sử-văn hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, cần đầu tư nghiên cứu một cách khoa học để nắm chắc thực trạng các di tích lịch sử-văn hóa trên toàn vùng và từng tỉnh, từ đó xây dựng được một quy hoạch tổng thể, lập các dự án bảo tồn, tôn tạo và hình thành chương trình khai thác, phát huy những mặt tích cực vào đời sống hiện thực. Việc lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phát huy di tích lịch sử-văn hóa phải gắn với công tác quản lý đầu tư xây dựng, phát triển các ngành kinh tế, hạ tầng và các hoạt động kinh tế-xã hội ở địa phương, nhất là địa bàn có di tích.
Công tác lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo phải thực hiện đúng quy trình khoa học, vừa bảo đảm nguyên tắc bảo tồn các yếu tố gốc vốn có, vừa phải bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển trong đầu tư cho các dự án bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử-văn hóa. Đặc biệt cần phân loại được các giá trị ẩn chứa trong trong di tích lịch sử-văn hóa để định hướng cho từng ngành, lĩnh vực trong việc phát huy chúng trong đời sống hiện thực. Muốn vậy, luôn cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, nhà khoa học và người dân địa phương…
Các đại biểu đề xuất các giải pháp khai thác giá trị các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn Tây Nguyên hiệu quả tại hội thảo. |
Thạc sĩ Trương Trần Hoàng Phúc đến từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng kiến nghị áp dụng một số kinh nghiệm cho các tỉnh Tây Nguyên trong quản lý và khai thác các giá trị di tích lịch sử-văn hóa Tây Nguyên như: Tập trung nhiều hơn nữa vào quá trình nghiên cứu và phác thảo quá trình lịch sử hình thành nên di tích thông qua các phương pháp phân tích trường hợp, gợi mở các văn vật có sẵn. Phương pháp phân tích trường hợp có thể dựa trên các câu chuyện lịch sử có thật để truyền tải cho khách du lịch thông qua hướng dẫn viên, thuyết minh có sẵn và bảng biểu hướng dẫn.
Bên cạnh đó, trước khi đầu tư cho một sản phẩm du lịch mới cần có những khảo sát và nghiên cứu để xác định tiềm năng phát triển, từ đó mới phác thảo chiến lược xây dựng sản phẩm du lịch, tránh tình trạng khai thác sản phẩm du lịch một cách cảm tính hoặc học hỏi rập khuôn từ các di tích lịch sử-văn hóa khác. Mặt khác, cần ứng dụng công nghệ và mạng xã hội trong quản lý và quảng bá các giá trị di tích lịch sử-văn hóa để những khu di tích truyền tải thông điệp về bảo tồn và xây dựng những hoạt động ý nghĩa đối với quá trình khai thác giá trị di tích lịch sử-văn hóa tại khu vực Tây Nguyên…
Ngoài 4 tham luận trình bày trực tiếp tại hội thảo trong tổng và 52 tham luận và nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia với những góc nhìn, cách tiếp cận khác nhau tập trung nhận diện và phân tích sâu về thực tiễn bảo tồn và khai thác giá trị di sản các di tích lịch sử-văn hóa vùng Tây Nguyên; đồng thời, đề xuất các nhóm giải pháp và giải pháp cụ thể nhằm giúp các tỉnh Tây Nguyên khai thác hiệu quả giá trị các di tích lịch sử-văn hóa trên địa bàn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Du khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột. |
Phát biểu tổng kết hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên đánh giá: Các quan điểm được đề cập tại hội thảo đều cho thấy vấn đề khai thác giá trị các di tích lịch sử-văn hóa đang dần trở thành một trong những trụ cột phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nguyên.
Tuy nhiên, để từ tiềm năng trở thành động lực, đòi hỏi trách nhiệm, nỗ lực và sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và cộng đồng. Mặc dù từ ý tưởng đề xuất đến áp dụng trong thực tiễn còn là một quá trình lâu dài và cần những nghiên cứu chuyên sâu, đánh giá tác động nghiêm túc, nhưng những ý kiến trao đổi tại hội thảo sẽ có những đóng góp thiết thực đối sự phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên.
Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên sẽ chắt lọc những nội dung chính, cách tiếp cận mới cũng như những ý kiến đề xuất, các nhóm giải pháp và giải pháp cụ thể trong khai thác giá trị các di tích lịch sử-văn hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên được đề cập tại hội thảo để xây dựng báo cáo trình Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xem xét, làm cơ sở báo cáo lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước; đồng thời cung cấp thêm những tư liệu, góp phần tham vấn chính sách cụ thể, sát thực cho các tỉnh vùng Tây Nguyên thực hiện tốt hơn việc khai thác giá trị các di tích lịch sử-văn hóa phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên trong thời gian tới theo Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị.