Để Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững

Vùng Tây Nguyên có năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Những năm qua các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và đạt nhiều kết quả to lớn, quan trọng. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng vẫn chưa tương xứng với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng. Phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng của cả nước, trước hết là các cấp ủy, chính quyền địa phương trong vùng.
0:00 / 0:00
0:00
Trung tâm thành phố Đà Lạt.
Trung tâm thành phố Đà Lạt.

Bài 1: Nhiều tiềm năng, thế mạnh được phát huy

Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và thời kỳ 2011-2020, vùng Tây Nguyên đã có nhiều phát triển bứt phá, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội

Với nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu, kho tàng văn hóa phong phú, nhiều cấp ủy địa phương trong vùng đã khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để phát triển bứt phá, tạo nên những điểm sáng trong vùng và cả nước.

Năm 1997, ông Lê Văn Cường (phường 8, TP Đà Lạt) đã chọn khởi nghiệp bằng nông nghiệp. Sau quá trình tìm tòi, học hỏi, gia đình ông thành lập Công ty TNHH Dalat G.A.P để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện công ty đã phát triển trang trại lên 32ha, trong đó có 17ha nhà kính trồng rau theo tiêu chuẩn Global GAP, ứng dụng phương pháp thủy canh hồi lưu, trồng cây trên giá thể; nước tưới được cài đặt, điều khiển tự động. Năm 2012, Dalat G.A.P được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận “Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Qua 25 năm hoạt động, Dalat G.A.P đã khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước và Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, phát huy thế mạnh về khí hậu, thổ nhưỡng; nhiều nhiệm kỳ qua, tỉnh đều ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp với mục tiêu “phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại”. Qua gần 20 năm thực hiện, nhiều thương hiệu nông sản Lâm Đồng đã có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, góp phần tạo sự đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Những năm gần đây, Gia Lai đang nổi lên như “thủ phủ” của ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng sạch với “làn sóng” đầu tư mạnh mẽ ở lĩnh vực điện mặt trời, điện gió và trong tương lai là điện sinh khối, điện mặt trời nổi. Xu hướng này hoàn toàn phù hợp với Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2016-2020, Gia Lai có bốn dự án điện mặt trời được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng công suất 138MW và tổng vốn 3.500 tỷ đồng; 17 dự án điện gió đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn 41.253 tỷ đồng, tổng công suất 1.242MW; một dự án điện mặt trời nổi và một số dự án nhà máy điện sinh khối. Những kết quả bước đầu mà Gia Lai đạt được trong thu hút đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo đã tạo tiền đề để tỉnh phát huy lợi thế, phù hợp với chương trình hành động mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 16 đề ra.

Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, trong những năm qua, tỉnh Đắk Lắk tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Hiện có hai khu công nghiệp với diện tích hơn 657ha, trong đó Khu công nghiệp Hòa Phú đi vào hoạt động, thu hút 54 dự án đầu tư với nguồn vốn gần 5.000 tỷ đồng. Có tám cụm công nghiệp đang hoạt động với 166 dự án đầu tư và đăng ký đầu tư với số vốn 6.000 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh còn có 19 công trình thủy điện với tổng công suất 825MW; 10 dự án điện năng lượng mặt trời và các dự án điện năng lượng gió với công suất hàng nghìn MW đã đi vào hoạt động.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành nghị quyết tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng ứng dụng công nghệ cao và chuyển dịch theo hướng tập trung chuyên canh, quy mô lớn. Từ một tỉnh nghèo đến nay Đắk Lắk đã vươn lên thành một tỉnh khá trong khu vực với thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 49,68 triệu đồng/người, cao gấp 16,95 lần so với năm 2002.

Kon Tum cũng có những bước tiến tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hàng loạt các giải pháp được triển khai như: rà soát, điều chỉnh, bổ sung danh mục dự án thu hút đầu tư để phù hợp với nhu cầu phát triển của tỉnh. Tỉnh xây dựng và triển khai hệ thống giám sát, theo dõi quản lý tiến độ dự án đầu tư, đồng thời chủ động tiếp xúc với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh thu hút 19 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 1.656,6 tỷ đồng. Trong đó, có 10 dự án tại khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký gần 172,6 tỷ đồng, chín dự án ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế với tổng vốn đăng ký 1.484 tỷ đồng. Một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn đã đến khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh.

Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị khóa IX và khóa XI về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 và thời kỳ 2011-2020, Trung ương đánh giá: Quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông sản chủ lực quy mô lớn, chiếm tỷ trọng cao, nhất là cây công nghiệp, cây ăn quả. Du lịch có bước phát triển khá, hình thành các chuỗi phát triển du lịch liên vùng, đang trở thành vùng du lịch sinh thái-văn hóa có sức hấp dẫn. Giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy... Hệ thống giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố.

Bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước được chú trọng. Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh vượt mục tiêu đề ra. Các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.

Thách thức cần vượt qua

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, song sự phát triển của Tây Nguyên còn những hạn chế, yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Theo nhiều nhà nghiên cứu, nguyên nhân là do trong quá trình phát triển, Tây Nguyên xuất hiện nhiều “điểm nghẽn” đồng thời cũng là những thách thức lớn cần vượt qua.

Theo Tỉnh ủy Đắk Lắk, những “điểm nghẽn” lớn của tỉnh là công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và quản lý đất đai còn bất cập. Việc triển khai một số chương trình, đề án phát triển sản xuất gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, kết quả thực hiện thấp. Nền nông nghiệp tuy tăng trưởng khá nhưng chưa thật sự bền vững, chưa giải quyết tốt vấn đề cung-cầu của thị trường và giải pháp ổn định giá nông sản. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội còn hạn chế, nhất là giao thông kết nối vùng. Đến nay hệ thống giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chưa được đầu tư đồng bộ, chưa có đường sắt, chưa có cửa khẩu quốc tế.

Cảng hàng không Buôn Ma Thuột chỉ mới kết nối với một số tỉnh, thành phố trong nước… Hoạt động khoa học-công nghệ chưa có nhiều đề tài có chất lượng cao, chưa thể hiện vai trò là nền tảng và động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội. Trình độ công nghệ của nhiều ngành, lĩnh vực và nhiều doanh nghiệp còn lạc hậu. Một số nội dung, hoạt động khoa học-công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là việc chuyển giao, ứng dụng các đề tài nghiên cứu, thành tựu khoa học-công nghệ vào sản xuất và đời sống. Về du lịch, Đắk Lắk là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế lớn về vị trí địa lý, khí hậu, đặc biệt với 49 dân tộc cùng chung sống tạo nên một nền văn hóa rất phong phú, đa dạng và đặc sắc…

Tuy nhiên, việc nghiên cứu các giá trị văn hóa, tôn giáo tâm linh tộc người và các giá trị khác chưa được chuyển hóa thành các sản phẩm du lịch có tính đặc thù. Giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh đón tiếp hơn 3,8 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 302.000 khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng hằng năm chỉ đạt 3,70%, tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.566 tỷ đồng, không đạt chỉ tiêu kế hoạch theo Nghị quyết phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 của Tỉnh ủy đề ra…

Tại Kon Tum, sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vướng mắc trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp chậm được giải quyết triệt để; dịch bệnh xuất hiện trên cây sâm Ngọc Linh và một số cây trồng, vật nuôi gây thiệt hại lớn cho các hộ dân. Công tác thu hút đầu tư vào khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng; nguồn lực đầu tư phát triển cụm công nghiệp còn nhiều hạn chế. Công tác giải ngân vốn đầu tư công mặc dù tăng so với cùng kỳ nhưng tiến độ còn chậm, đặc biệt là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng một số dự án quan trọng của tỉnh. Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp còn diễn biến phức tạp, có những vụ vi phạm với khối lượng lớn. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép còn xảy ra, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu thông thường...

Với tỉnh Gia Lai, “điểm nghẽn” chính là tư duy sản xuất của một bộ phận người dân. Sản xuất nhỏ vẫn phổ biến; nguồn vốn đầu tư cho nông thôn, nông nghiệp, vùng sâu, vùng xa chưa nhiều, chưa hiệu quả. Lực lượng lao động đông đảo nhưng trình độ chuyên môn, tay nghề thấp nên khó sắp xếp và tìm kiếm được việc làm. Đời sống một bộ phận dân cư còn khó khăn. Tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh đang ở mức khá cao (9,7%) nên dễ dẫn đến nguy cơ tái nghèo.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, Tây Nguyên cần vượt qua một số “điểm nghẽn”. Trước tiên là cơ chế, chính sách. Trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các tỉnh vùng Tây Nguyên, vấn đề liên kết kinh tế nội vùng chưa đặt đúng vị trí trong quy hoạch phát triển tổng thể toàn vùng. Sự liên kết giữa các tỉnh, các cấp thiếu đồng bộ, gắn kết và còn mờ nhạt dẫn đến việc trao đổi thông tin, cơ chế phối hợp không rõ ràng, thiếu một “nhạc trưởng” để điều phối. Bài toán quy hoạch, áp dụng các mô hình sản xuất tại các tỉnh trong vùng còn máy móc, rập khuôn theo khuynh hướng chung đã vô tình tạo ra sự cạnh tranh lẫn nhau, sản phẩm thiếu thương hiệu và dễ bị tổn thương bởi quy luật cung-cầu của nền kinh tế thị trường.

“Điểm nghẽn” thứ hai, khoa học và công nghệ là một tác nhân đóng vai trò đòn bẩy và kết nối các nguồn lực. Tuy nhiên hiện nay trình độ và khả năng áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất của người nông dân, doanh nghiệp tại Tây Nguyên vẫn còn thiếu đồng bộ, hạn chế nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

Một “điểm nghẽn” khác là trong nghiên cứu, ứng dụng và khai thác các tài nguyên văn hóa hiện đã lộ những bất cập nhưng vẫn chưa có giải pháp tiếp cận. Các tỉnh vùng Tây Nguyên còn loay hoay, lúng túng trên cả hai phương diện nghiên cứu và ứng dụng. Các giá trị văn hóa, tôn giáo tâm linh tộc người và các giá trị khác chưa được xây dựng chuyển hóa thành các sản phẩm du lịch vừa mang tính đặc thù, vừa thêm tính đa dạng, phong phú.

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, tại Nghị quyết số 23-NQ/TW, Trung ương chỉ rõ: Một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng; tư duy về liên kết vùng chậm được đổi mới. Chất lượng các quy hoạch còn thấp, thiếu liên kết, đồng bộ. Nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng.

Quản lý đất đai, di dân, bảo vệ rừng chưa hiệu quả. Các cơ chế, chính sách cho vùng chưa có trọng tâm, trọng điểm và chưa sát với thực tiễn. Thể chế liên kết vùng chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của mình và của vùng. Thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Phân cấp, phân quyền chưa thực sự gắn với năng lực và điều kiện thực tiễn của từng địa phương, thiếu phối hợp và kiểm tra, giám sát.

Chưa phát huy, khai thác tốt giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống và con người vùng đất Tây Nguyên thành nguồn lực phát triển. Năng lực cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước ở một số nơi còn hạn chế, công tác chỉ đạo, điều hành chưa hiệu quả. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành với các địa phương chưa thường xuyên, chặt chẽ và chưa được quan tâm đúng mức.

Từ những kết quả đạt được và hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên thời gian qua đặt ra yêu cầu cần có những quan điểm mới, cái nhìn mới, ý tưởng mới, cách làm mới để tiếp tục phát triển vùng Tây Nguyên nhanh, bền vững xứng đáng với vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng.

(Còn nữa)