Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, hiện, thành phố có 22 dự án theo hình thức PPP đã ký kết hợp đồng đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư 64.244 tỷ đồng. Trong đó, 11 dự án đã hoàn thành công tác xây dựng, hoặc đang trong giai đoạn thực hiện hợp đồng và 11 dự án chưa hoàn thành thi công xây dựng.
Về hình thức hợp đồng, có 12 dự án BT (hợp đồng xây dựng-chuyển giao); bảy dự án BOT (hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao); hai dự án BOO (hợp đồng xây dựng-sở hữu-kinh doanh); một dự án BT kết hợp BOT.
Trong 22 dự án này, có 14 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, hai dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, bốn dự án thuộc lĩnh vực môi trường và hai dự án thuộc các lĩnh vực khác.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh Cao Thị Phi Vân cho biết, với nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng tăng trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu, việc huy động nguồn vốn dồi dào từ khu vực tư nhân là rất cần thiết. Các quy định về đầu tư theo các hình thức hợp đồng BOT, BTO (hợp đồng xây dựng-chuyển giao-kinh doanh) và BT là cơ sở pháp lý đầu tiên về đầu tư PPP trong phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Các quốc gia trong khu vực như Philippines, Indonesia, Thái Lan đang đẩy nhanh quá trình sửa đổi các quy định và hình thức PPP hiện có để thu hút đầu tư tư nhân qua hình thức PPP hấp dẫn hơn. Việt Nam ngày càng hoàn thiện hơn về khung pháp lý để thu hút đầu tư qua hình thức PPP.
Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) nhận định, mặc dù đã xây dựng được một khuôn khổ pháp lý tương đối phục vụ triển khai các dự án PPP nhưng qua thời gian vận hành, thực tế cho thấy, nhiều quy định đã bộc lộ những hạn chế khiến doanh nghiệp cảm thấy không phù hợp.
Do đó, cần điều chỉnh, hoàn thiện khuôn khổ cơ sở pháp lý, rà soát lại để tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng cho doanh nghiệp để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư chất lượng. Để bảo vệ các bên trong quá trình thực hiện dự án PPP, việc tạo lập cơ chế kiểm soát, chia sẻ rủi ro, xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp cũng cần được chú trọng.
Theo các chuyên gia, tranh chấp liên quan đến dự án PPP đang ngày càng tăng, tính chất cũng dần phức tạp hơn dẫn đến nhiều thiệt hại về cả vật chất và uy tín của các bên. Để thực hiện một dự án PPP hiệu quả, bên cạnh các yếu tố về tính chất dự án, tài chính, nguồn lực, nhà đầu tư cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng về những rủi ro có thể phát sinh để có phương án kiểm soát hiệu quả, hạn chế tối đa các tranh chấp không đáng có.
Hiện, ngân sách nhà nước phải dành 5,7% GDP để đầu tư cơ sở hạ tầng. Chính vì vậy, cần có những giải pháp thu hút đầu tư tư nhân về cơ sở hạ tầng.
Trong giai đoạn 2021-2025, Việt Nam kêu gọi đầu tư nước ngoài 157 dự án thuộc các lĩnh vực: Hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng năng lượng; hạ tầng công nghệ thông tin; hệ thống xử lý rác, nước thải; hạ tầng giáo dục và y tế; hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch; ngành nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực sản xuất và dịch vụ.
Trong 24 dự án hạ tầng giao thông mà Việt Nam kêu gọi đầu tư trong giai đoạn này có tới 23 dự án kêu gọi đầu tư PPP.
Theo Tiến sĩ Lê Nết, Trọng tài viên VIAC, cơ quan nhà nước cũng cần tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ nhà đầu tư. Về mặt pháp lý, nên có những quy định rõ ràng, an toàn, thủ tục nhanh gọn. Về mặt tài chính, chi phí đền bù giải tỏa thỏa đáng, chia sẻ rủi ro và các chi phí khác với nhà đầu tư, nhất là cần có những cơ chế, chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư... Những vấn đề này cần được làm rõ để giúp nhà đầu tư có kế hoạch và thực hiện theo đúng định hướng ban đầu, từ đó đem lại hiệu quả tối ưu cho dự án PPP.
Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhấn mạnh, các nhà đầu tư phải có trách nhiệm đối với công trình có mục đích công. Mục đích của hợp đồng PPP là quá trình đầu tư và duy trì cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ổn định, bền vững nên nhà đầu tư cần có trách nhiệm trong quá trình vận hành, kinh doanh công trình.
Hơn nữa, hợp đồng PPP là loại hợp đồng đặc biệt giữa một bên là Nhà nước và một bên là nhà đầu tư, cho nên sẽ có nhiều trách nhiệm ràng buộc hơn so với hợp đồng thông thường. Nhà đầu tư cần có đầy đủ năng lực và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu triển khai dự án (thường là công trình quy mô lớn phục vụ mục đích công) cũng như kinh nghiệm thể hiện bằng các hợp đồng đã triển khai.
Cùng với đó, là năng lực tài chính thể hiện qua vốn chủ sở hữu, vốn vay và năng lực kỹ thuật thể hiện qua phương án triển khai xây dựng, vận hành, kinh doanh trong hồ sơ dự thầu…