Chỉ cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 10km về phía tây, vùng chè đặc sản Tân Cương có diện tích hơn 2.000 ha, với thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước phù hợp, kinh nghiệm trồng và chế biến lâu đời của người dân đã làm nên chè Thái Nguyên thơm ngon nổi tiếng bấy lâu, được công nhận chỉ dẫn địa lý.
Ở vùng đặc sản chè Tân Cương gồm 6 xã, gần như gia đình nào cũng làm chè, những đồi chè thấp xanh mướt san sát như bát úp, là cây trồng chủ lực không chỉ mang lại cuộc sống ngày càng ấm no cho người dân mà còn tạo ra vùng đất có cảnh quan đẹp như bức tranh quê.
Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên
Không chỉ kinh doanh chè đơn thuần như những năm trước, với sự hỗ trợ của địa phương, thời gian vừa qua nhiều hợp tác xã, người dân đã biết phát huy cảnh quan vùng chè Tân Cương, đầu tư cơ sở vật chất, cải tạo đồi chè đẹp để phát triển du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà.
Cơ sở chè Tiến Yên ở xóm Hồng Thái, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên là điểm đến bốn mùa của du khách. |
Anh Bùi Trọng Đại ở xóm Hồng Thái II, xã Tân Cương đã tâm huyết đầu tư cơ sở chè Tiến Yên với đường đi dạo tại các nương chè, cải tạo hồ nước, dựng không gian thưởng trà, tôn tạo cảnh quan khu vực, làm bãi để xe, tổ chức ẩm thực để phục vụ khách du lịch.
Anh Lê Thanh Phương ở phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang cùng đoàn khách gồm ba gia đình đến cơ sở của anh Bùi Trọng Đại, chia sẻ: “Trong cảnh quan vùng chè, thưởng trà thơm ngon, chúng tôi cảm thấy thảnh thơi”.
Văn hóa dân tộc Tày được bảo tồn tại làng Thái Hải ở thành phố Thái Nguyên thu hút nhiều du khách.. |
Đến điểm du lịch cộng đồng Tân Cương với Không gian văn hóa trà Tân Cương, Hợp tác xã chè Hảo Đạt và các cơ sở sản xuất, kinh doanh chè lân cận, du khách sẽ biết đến ấm chén pha trà cách đây hàng trăm năm, sự phát triển của nghề chè, công cụ chế biến, đóng gói thưởng thức các loại trà ngon nức tiếng.
Thả bộ trên những đồi chè xanh mướt san sát như bát úp, cảm nhận cuộc sống người làm chè, sự bình yên, giàu có của vùng chè. Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt tự hào: “Sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hợp tác xã chè của chúng tôi đầu năm 2023, ngày càng nhiều khách du lịch tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa trà, cảnh quan chè, quy trình chế biến, đóng gói các sản phẩm chè với nhiều mẫu mã khác nhau của Hợp tác xã chè Hảo Đạt. Vì thế, giá trị của chè ngày càng được được phát huy”.
Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với di tích, sản vật địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian qua cũng có bước phát triển. Theo Quốc lộ 1B, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 45km, nằm dưới dãy núi Phượng Hoàng hùng vĩ là điểm du lịch cộng đồng Suối Mỏ Gà gắn với di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia suối Mỏ Gà, hang Phượng Hoàng và trải nghiệm làng bản nhà sàn, thưởng thức ẩm thực đồng bào dân tộc Tày, thu hái nông sản địa phương là na, ổi, bưởi xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai.
Điểm du lịch cộng đồng suối Mỏ Gà gắn với văn hóa người dân tộc thiểu số huyện Võ Nhai. |
Dãy núi đá Phượng Hoàng nằm ở độ cao hàng nghìn mét so mực nước biển, được phủ xanh bởi rừng nguyên sinh trên núi đá, phạm vi bán kính rộng lớn không có cơ sở công nghiệp nào nên khí hậu ở đây trong lành quanh năm, mát mẻ vào mùa hè. Bên dưới là hệ thống hang động-suối nước Mỏ Gà như “tủ lạnh” khổng lồ trong lòng núi để du khách tránh nắng nóng; trước mặt là làng bản đồng bào dân tộc Tày, Nùng mộc mạc, thân thiện, kiến trúc nhà ở truyền thống.
Sự kết hợp giữa danh thắng thiên nhiên, văn hóa truyền thống và đầu tư điểm du lịch suối Mỏ Gà ở đây đã hình thành khu du lịch khám phá, sinh thái, trải nghiệm và nghỉ dưỡng thu hút nhiều du khách, góp phần tích cực cải thiện đời sống đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở địa phương.
Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm ở huyện Võ Nhai, nơi phát hiện dấu tích người tiền sử sớm nhất Việt Nam. |
Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ tỉnh Thái Nguyễn Văn Tuyên vui mừng, cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại khu dự trữ thiên nhiên Thần Sa-Phượng Hoàng giai đoạn 2022-2030.
Trong đó, gắn kết Di chỉ khảo cổ Mái Đá Ngườm, nơi phát hiện dấu tích người tiền sử cách đây hơn 50 nghìn năm với khu du lịch Phượng Hoàng và điểm du lịch cộng đồng Phú Thượng. Đây là điểm thu hút du khách đến với khu du lịch này để phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm cho người dân.
Nơi ở và làm việc của Bác Hồ ở ATK Định Hóa có sức hút lớn đối với du khách. |
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Ban chỉ đạo phát triển du lịch Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: “Tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19, trong đó coi trọng phát triển các dòng du lịch đặc thù, riêng có là văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; sinh thái, nghỉ dưỡng; cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà nên thu hút nhiều du khách”.
Với 550 di sản văn hóa phi vật thể; hơn 1.000 di tích lịch sử-văn hóa, trong đó di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa với 13 điểm di tích là nơi ở, làm việc của Bác Hồ, các lãnh đạo tiền bối: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở, cùng với Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo trường kỳ kháng chiến, được tôn tạo, bảo tồn gần như nguyên trạng.
Ngày 1/9/1954, tại đồi Giang, xã Độc Lập (nay là xóm Thắng Lợi, xã Tiên Hội), huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Lễ nhận quốc thư đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bên trình quốc thư là Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba. Ngày nay, di tích được tôn tạo, đón nhiều du khách. |
Đến với những di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cách mạng này, du khách mường tượng Bác Hồ, các lãnh đạo tiền bối ở trong những căn nhà đơn sơ bằng tranh, tre, nứa lá trong rừng, cuộc sống mộc mạc, khó khăn, vất vả, thiếu thốn của một giai đoạn cách mạng gian khó để cảm nhận công lao của Bác Hồ, các đạo tiền bối và Đảng ta. Các địa chỉ đỏ này gắn kết với văn hóa, sản vật bản địa trở thành sản phẩm du lịch lịch sử, về nguồn, văn hóa, tâm linh không chỉ ngày càng thu hút nhiều du khách, giáo dục truyền thống cách mạng mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Bình, khi đã có sản phẩm du lịch tốt, thời gian vừa qua tỉnh tăng cường tuyên truyền, quảng bá cái mà mình có, mình nỗ lực tạo ra để du khách biết, đến du lịch để cảm nhận những sản phẩm ấy.
Du lịch cộng đồng Thái Nguyên khởi sắc. |
Tỉnh Thái Nguyên tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch có tính lan tỏa cao, khai mạc mùa du lịch với nhiều hoạt động phong phú, mời nhiều cơ quan truyền thông, hãng lữ hành tham quan, trải nghiệm, khảo sát điểm đến để tuyên truyền, kết nối du lịch Thái Nguyên; phối hợp Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines để quảng bá du lịch Thái Nguyên trên các chuyến bay nhằm hướng đến khách quốc tế trong những tháng cuối năm; tổ chức hàng loạt hội nghị xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch ở các thị trường du lịch trong nước.
Lượng khách du lịch Thái Nguyên 8 tháng đầu năm nay gần bằng cả năm 2019 trước dịch Covid-19. |
Bên cạnh đó là giao thông kết nối thuận lợi với Hà Nội, sân bay Nội Bài, các tỉnh đồng bằng Sông Hồng nên thời gian qua du lịch Thái Nguyên có bước tiến mới, lượng khách đạt gần 2,6 triệu lượt người trong 8 tháng đầu năm 2024, cao hơn lượng khách cả năm 2023 và gần bằng cả năm 2019 trước đại dịch Covid-19. Đặc biệt, nhiều du khách bày tỏ sẽ trở lại, cho thấy du lịch Thái Nguyên ngày càng khởi sắc.