Thu hồi hơn 20,4 nghìn tỷ đồng trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng

NDO - Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, kết quả thi hành án đối với khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đã thi hành xong 2.264 việc, thu được hơn 20.405 tỷ đồng.
0:00 / 0:00
0:00

Thường xuyên, quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án dân sự

Sáng 21/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo tóm tắt Công tác thi hành án năm 2023.

Theo đó, về công tác thi hành án dân sự, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, năm 2023, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được duy trì và thực hiện có hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có rà soát, hệ thống hóa văn bản pháp luật về thi hành án dân sự.

Đến nay, việc rà soát các văn bản trong lĩnh vực thi hành án dân sự cơ bản được hoàn thiện, trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ động trong việc xây dựng Luật Đấu giá tài sản để làm rõ tính đặc thù của bán đấu giá tài sản trong thi hành án; có ý kiến đối với nhiều vấn đề lớn trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng,…

Thu hồi hơn 20,4 nghìn tỷ đồng trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng ảnh 1

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023. (Ảnh: DUY LINH)

Trình bày cụ thể về kết quả thi hành án dân sự, Bộ trưởng Tư pháp cho biết, trong năm 2023, tổng số việc phải thi hành là 923.541 việc, có điều kiện thi hành 691.593 việc. Thi hành xong 575.667 việc, đạt tỷ lệ 83,24%.

Tổng số tiền phải thi hành trên 392 nghìn tỷ đồng, có điều kiện thi hành trên 192.712 tỷ đồng. Thi hành xong trên 89.505 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 46,44%.

Đối với khoản thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, đã thi hành xong 4.963 việc, thu được trên 21.264 tỷ đồng, tăng hơn 9.490 tỷ đồng.

Kết quả thi hành án đối với khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong 2.264 việc, thu được trên 20.405 tỷ đồng.

Kết quả thi hành án đối với khoản bị chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, đã thi hành xong 2.264 việc, thu được trên 20.405 tỷ đồng.

Bộ Tư pháp, các cơ quan thi hành án dân sự đã tiếp 7.633 lượt công dân; tiếp nhận 12.752 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Đã giải quyết xong 2.590 việc/2.669 việc thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 97,04%.

Về hạn chế, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, số việc thi hành án chuyển kỳ sau còn nhiều, các khoản thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng chưa cao. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự có chiều hướng tăng.

Đối với công tác thi hành án hành chính, đã thực hiện theo dõi 1.388 bản án, quyết định có hiệu lực có nội dung phải thi hành, trong đó ban hành văn bản thông báo tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án đối với 769 vụ việc; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 718 vụ việc; đăng tải công khai 553 quyết định buộc thi hành án hành chính của tòa án; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 135 vụ việc. Đến nay, đã thi hành xong 582 bản án, quyết định (tăng 153 bản án, quyết định so với năm 2022).

Về hoạt động Thừa phát lại, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, có tổng số 194 Văn phòng Thừa phát lại. Các Văn phòng Thừa phát lại trên cả nước đã tống đạt được 828.275 văn bản, lập 90.741 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 9 việc, thụ lý tổ chức thi hành án 5 vụ việc, doanh thu đạt hơn 173 tỷ đồng.

Tha tù trước thời hạn có điều kiện cho trên 1.600 phạm nhân

Thu hồi hơn 20,4 nghìn tỷ đồng trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng ảnh 2

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023. (Ảnh: DUY LINH)

Báo cáo về công tác thi hành án hình sự, Bộ trưởng nêu rõ, về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã ban hành 8 Nghị định; Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, ban hành 7 Thông tư liên tịch; sửa đổi, bổ sung và ban hành 27 Thông tư theo quy định của Luật thi hành án hình sự năm 2019. Bộ Quốc phòng xây dựng, ban hành 1 Thông tư.

Về công tác thi hành án phạt tù, tính đến ngày 30/9/2023, còn 180.905 người có án phạt tù; đã khám, cấp phát thuốc cho trên trên 4 triệu lượt phạm nhân; điều trị tại bệnh xá trại giam cho gần 70 nghìn lượt phạm nhân; chuyển đến khám, điều trị tại các bệnh viện cho trên 3 triệu lượt phạm nhân.

Về công tác giáo dục, cải tạo, tổ chức lao động, dạy nghề cho phạm nhân, đã tổ chức trên 2.300 lớp giáo dục pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ; 199 lớp dạy văn hóa xóa mù chữ; trên 2.000 lớp giáo dục công dân...

Công tác xét, đề nghị tạm đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện: Đã đề nghị tòa án nhân dân cấp tỉnh ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho 103 phạm nhân; đề nghị giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho gần 98 nghìn phạm nhân; lập hồ sơ, đề nghị và được tòa án nhân dân có thẩm quyền quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện cho trên 1.600 phạm nhân.

Tổng số người chấp hành án hình sự tại cộng đồng đang quản lý là trên 65 nghìn người; còn 48 người đang chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh; 36 học sinh thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng.

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: Đã tiếp nhận, phân loại, xử lý, giải quyết 21 đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến thi hành án phạt tù…

Tuy nhiên, công tác thi hành án dân sự còn hạn chế, khi hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến và tập huấn Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật chưa cao. Công tác quản lý giam giữ phạm nhân ở một số trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ còn xảy ra sơ hở dẫn đến phạm nhân lợi dụng trốn, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ. Một số cán bộ, chiến sĩ vi phạm quy trình, chế độ công tác phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng báo cáo trước Quốc hội về một số nhiệm vụ trọng tâm, kiến nghị giải pháp chủ yếu đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính, hình sự, thừa phát lại.

Trong đó, tập trung tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm tra công vụ, nội bộ, xác định trách nhiệm của người đứng đầu. Thực hiện các biện pháp quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tổ chức thi hành nghiêm minh các bản án, quyết định của tòa án và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, các văn bản pháp luật có liên quan; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp và chỉ đạo hướng dẫn, kiểm tra công an cấp xã trong việc quản lý, giám sát, giáo dục và tạo điều kiện giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện... chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tích cực học tập, lao động, ổn định cuộc sống...

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng đề nghị Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát theo thẩm quyền đối với công tác thi hành án dân sự, hành chính, hình sự, thừa phát lại…