Việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù

Để giúp người từng một thời lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng cần nhiều biện pháp đồng bộ, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, để họ tái hòa nhập bền vững, vấn đề quan trọng mang tính quyết định chính là tạo cho họ việc làm với thu nhập ổn định. Làm tốt công tác này không những thực hiện chính sách nhân đạo đối với người từng phạm tội, mà còn góp phần giữ vững ổn định an ninh-trật tự, phòng ngừa tội phạm.
0:00 / 0:00
0:00
"Phiên chợ của tình người" do Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, huyện Quảng Xương tổ chức. (Ảnh MẠNH CƯỜNG)
"Phiên chợ của tình người" do Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, huyện Quảng Xương tổ chức. (Ảnh MẠNH CƯỜNG)

Theo số liệu của Cục Cảnh sát Quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự (Bộ Công an), hiện nay, cả nước có hơn 154 nghìn trường hợp thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng; trong đó, hằng năm, có từ 50 nghìn đến 55 nghìn trường hợp được trở về với cộng đồng.

Đây không chỉ là áp lực đối với cộng đồng, mà ngay chính những người trong cuộc. Vì vậy, sự giúp đỡ, chung tay hành động của cộng đồng, gia đình, người thân đối với người có quá khứ lầm lỡ giúp họ hoàn lương, quay về với cuộc đời tự do, lương thiện, hòa nhập với cuộc sống, không tái phạm tội là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng.

Những năm qua, công tác tái hòa nhập cộng đồng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương với tinh thần chủ động, sáng tạo, đã tổ chức những hình thức đa dạng, phong phú trong việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ người có quá khứ lầm lỗi nói chung, người chấp hành xong án phạt tù nói riêng ổn định cuộc sống.

Một trong những cách làm hay, sáng tạo là việc một số địa phương phối hợp sở lao động-thương binh và xã hội tổ chức các phiên giao dịch, giới thiệu việc làm cho những người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn. Đây là công tác có ý nghĩa, giải quyết vấn đề căn cơ trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng của những người từng lầm lỡ.

Hà Nam là tỉnh đi đầu cả nước trong việc triển khai tổ chức phiên giao dịch việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn. Gần đây nhất, đầu tháng 10 vừa qua, gần 200 người có hộ khẩu thường trú tại thị xã Duy Tiên, thành phố Phủ Lý và huyện Thanh Liêm (Hà Nam) chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, được tham gia phiên tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí.

Chương trình do Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), Công an thị xã Duy Tiên tổ chức, với sự tham dự của 12 doanh nghiệp. Đã có 10 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: Dịch vụ bảo vệ, may mặc, sản xuất linh kiện điện tử... trực tiếp phỏng vấn với những người vừa chấp hành xong án phạt tù, với các tiêu chí phù hợp khả năng, trình độ, chuyên môn và điều kiện từng người, mức lương từ 4,5 triệu-15 triệu đồng/người/tháng.

Đây là phiên giao dịch tư vấn, giới thiệu việc làm thứ tư cho người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Trong ba phiên giao dịch trước, có khoảng 300 người chấp hành xong án phạt tù tham gia, 97 người đã được các doanh nghiệp tuyển dụng với mức thu nhập ổn định.

Cũng trong tháng 10, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, huyện Quảng Xương tổ chức "Phiên chợ của tình người" dành cho người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc, Đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh: Ba năm trở lại đây, hằng năm, tỉnh Thanh Hóa có trung bình gần hai nghìn người chấp hành án trên toàn quốc được đặc xá, chấp hành xong án phạt tù trở về cư trú, sinh sống trên địa bàn. Hiện, đã có 22/27 huyện, thị xã, thành phố có mô hình giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng hoạt động có hiệu quả. Tại phiên chợ, có 13 doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề tham gia tư vấn, tuyển dụng việc làm với 359 người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng, người tái hòa nhập cộng đồng. Tại đây, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã thông tin cho những người tham dự về thị trường lao động, định hướng học nghề đáp ứng nhu cầu lao động của thị trường, doanh nghiệp. Các công ty, doanh nghiệp tuyển dụng giới thiệu thông tin về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của đơn vị, thông tin nhu cầu tuyển dụng. Những người lầm lỗi còn được tư vấn pháp lý; các phương thức vay vốn phát triển sản xuất.

Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, quy định chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, để đào tạo nghề và sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được hòa nhập cộng đồng bền vững, để không ai bị bỏ lại đằng sau. Nguồn vốn vay này được kỳ vọng là điểm tựa vững chắc giúp người hoàn lương vươn lên tái hòa nhập cộng đồng, cải thiện cuộc sống, làm giàu cho bản thân và gia đình.

Theo số liệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng hợp nhanh nhu cầu vay vốn từ các địa phương, số người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn là hơn 2.100 người, với số tiền 138 tỷ đồng. Chỉ sau một tháng triển khai, đã hỗ trợ vay vốn số tiền gần 46 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Văn Kiên (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) chấp hành xong án phạt tù, trở về địa phương đầu năm 2023, là một trong những người nhận được nguồn vay sớm nhất sau khi Quyết định 22 có hiệu lực. Anh Kiên cho biết, đã được lực lượng công an, chính quyền địa phương giúp đỡ, hoàn thành nhanh chóng các thủ tục vay vốn ở mức cao nhất là 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với số tiền nêu trên anh đầu tư nuôi bò sinh sản, lợn, phát triển kinh tế gia đình, bù đắp cho vợ con những ngày tháng xa nhà để cải tạo do những lỗi lầm mình đã phạm phải.

Để công tác tái hòa nhập cộng đồng của những người chấp hành xong án phạt tù được triển khai hiệu quả hơn nữa, lực lượng công an cần tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu, nòng cốt; lực lượng cảnh sát quản lý trại giam tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân; chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp, tổ chức dạy nghề cho phạm nhân; trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để họ thích ứng nhanh với cuộc sống đời thường.

Công an các tỉnh tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ngay từ khi họ mới ra khỏi cơ sở giam giữ, trở về cộng đồng dân cư. Triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Phát huy hiệu quả hơn nữa công tác tổ chức đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; thống nhất về cơ chế phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin giữa công an tỉnh với sở lao động-thương binh và xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm, nhằm tạo sự kết nối liên tục, kịp thời giữa nhu cầu tìm kiếm việc làm của người chấp hành xong án phạt tù với nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm nhiều hơn nữa công tác cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi; chỉ đạo, tạo điều kiện cho lực lượng công an, các tổ chức chính trị, đoàn thể: Hội phụ nữ, đoàn thanh niên... thực hiện ngày càng tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng; khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong án phạt tù.