Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long:

Cần đánh giá kỹ quy định chuyển xử lý các vi phạm hành chính từ Chính phủ sang tòa án

NDO - Theo Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, việc chuyển đổi chức năng, quyền hạn và thẩm quyền trong việc giải quyết và xét xử các vi phạm hành chính từ Chính phủ sang tòa án theo dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) cần được đánh giá kỹ lưỡng, do đây là chức năng hiến định và đã được quy định cụ thể trong Luật Tổ chức Chính phủ về vai trò của Chính phủ.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu thảo luận tại Tổ 5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long phát biểu thảo luận tại Tổ 5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Chiều 9/11, tại phiên thảo luận ở Tổ 5, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long góp ý vào một nội dung của dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) về Điều 26, quy định về chức năng, quyền hạn và thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết và xét xử các vi phạm hành chính.

Theo Bộ trưởng, hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành, tòa án có thẩm quyền trong xử lý vi phạm hành chính đối với 4 trường hợp gồm: Xử phạt hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng; áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Như vậy, xét về mặt thẩm quyền của tòa án trong việc giải quyết các vi phạm hành chính thì đã có.

Thứ 2, về cơ cấu tổ chức bộ máy cũng như chức năng của cơ quan Nhà nước như Chính phủ, tòa án đã được quy định trong Hiến pháp, cũng như quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Chính phủ trong Luật tổ chức Chính phủ.

Theo đó, chức năng và nhiệm vụ chính liên quan đến việc này của Chính phủ là kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy tắc quản lý hành chính nhà nước do các cơ quan hành chính thực hiện thống nhất từ Trung ương tới địa phương, nhằm bảo đảm quản lý nhà nước gắn liền với việc phát hiện và xử lý các vi phạm hành chính.

Như vậy, đây là chức năng hiến định và đồng thời đã được quy định khá cụ thể trong Luật Tổ chức Chính phủ về vai trò của Chính phủ. Nếu chuyển toàn bộ chức năng này hay một phần chức năng này sang tòa án, theo Bộ trưởng cần phải có đánh giá rất kỹ, sau đó mới tính toán, cân nhắc xem có quy định chuyển từ Chính phủ sang tòa án hay không.

Một ý khác trong nội dung lớn thứ 2 là Điều 103, Hiến pháp năm 2013 quy định, tòa án không phải là cơ quan giải quyết các vi phạm hành chính nói chung hay là xét xử các vi phạm hành chính, trừ các vụ án hành chính.

Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị cân nhắc để tránh trùng lẫn với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, đồng thời bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tòa án theo quy định của Hiến pháp.

Cần đánh giá kỹ quy định chuyển xử lý các vi phạm hành chính từ Chính phủ sang tòa án ảnh 1

Quang cảnh buổi thảo luận tại Tổ 5, chiều 9/11. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Xét về phối hợp, phân công và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong tổ chức bộ máy nhà nước, hiện nay tòa án đang thực hiện một công việc rất trực diện liên quan đến kiểm soát hoạt động của các cơ quan hành pháp, đó là xét xử các vụ án hành chính đối với các quyết định hành chính, trong đó có cả quyết định xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tức tòa án đã và đang thực hiện quyền kiểm soát quyền lực ở lĩnh vực này.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, nếu chuyển việc này sang tòa án thì phải tính đến tính kịp thời, đặc biệt là tính khả thi, bởi xử lý vi phạm hành chính hiện nay quy định tương đối rõ là trách nhiệm của Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước.

Qua báo cáo và số liệu thống kê của Chính phủ, số vụ vi phạm hành chính trong năm 2019 khoảng độ 5,8 triệu vụ, số quyết định xử phạt hành chính đã ban hành khoảng 6,1 triệu quyết định.

Năm 2020, số tương ứng về xử phạt và các quyết định ban hành là hơn 4,8 triệu vụ vi phạm hành chính và gần 5,9 triệu quyết định xử phạt; năm 2021 số tương ứng là 4 triệu vụ vi phạm và 4,6 triệu quyết định xử phạt; năm 2022 là gần 4 triệu vụ vi phạm và 4,1 triệu quyết định xử phạt. Bộ trưởng nhấn mạnh đây đều là các con số rất lớn.

Hiện nay, theo pháp luật về Luật Xử lý vi phạm hành chính, có gần 200 chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. “Nếu nhân ra số lượng người tuyệt đối bao hàm ở tất cả các cấp, các ngành mà có chức năng xử phạt thì thực sự là một số lượng rất là lớn. Tôi đề nghị cần cân nhắc rất kỹ tính khả thi nếu chuyển toàn bộ sang hệ thống tòa án”, Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ. Do đó, với lý do này, Bộ trưởng đề nghị cần tính toán thêm, mà trước mắt cần bỏ Điều 26 trong dự thảo luật.