Bộ trưởng Tư pháp: Thi hành án hành chính hiện chưa tốt

NDO - Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tỷ lệ xử lý án hành chính hiện chưa đạt được như mong muốn, nội dung của các án hành chính chưa thực hiện được chủ yếu liên quan giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tập trung ở một số địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành án hành chính

Chất vấn Bộ trưởng Tư pháp tại phiên họp của Quốc hội sáng 7/11, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) nêu vấn đề: Theo báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm trong việc thi hành Luật Tố tụng hành chính, đã thi hành xong 582/1.375 bản án, quyết định hành chính đạt 42,32%.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc thi hành Luật Tố tụng hành chính chưa nghiêm túc tại nhiều địa phương. Không ít vụ việc mặc dù đã có bản án, quyết định hành chính của tòa án cấp cao đã có hiệu lực thi hành hoặc đã có quyết định không chấp nhận kháng nghị phúc thẩm của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhưng không được Ủy ban nhân dân các cấp thi hành.

Đến nay, cũng chưa có trường hợp nào cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị xử lý trách nhiệm do chậm hoặc không thi hành án.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tư pháp cho biết nguyên nhân cũng như giải pháp để bảo đảm tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án hành chính, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp không chấp hành án hành chính.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, cần phân định rạch ròi giữa tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.

Liên quan thẩm quyền của Bộ Tư pháp về thi hành án hành chính, Bộ trưởng thừa nhận vấn đề đại biểu đề cập là đúng, thi hành án hành chính hiện chưa tốt, tỷ lệ chưa đạt như mong muốn.

Bộ trưởng dẫn số liệu cho biết, năm 2021, tổng số bản án thụ lý chuyển từ trước sang mới thi hành xong trên toàn quốc là 455/944, đạt tỷ lệ 48,1%; năm 2022 là 429/992, đạt tỷ lệ 43,2%; năm 2023 là 582/1.375, đạt 42,3%.

Qua số liệu này cho thấy, số lượng bản án hành chính trong năm 2023 tăng lên một cách đột xuất và rất lớn về số lượng.

Qua theo dõi, Bộ trưởng cho biết, nội dung của các án hành chính chưa thực hiện được chủ yếu liên quan giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tập trung ở một số địa phương. Ngoài ra, còn một số bản án chưa thi hành xong liên quan việc tòa tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần giải quyết khiếu nại liên quan.

Bộ trưởng cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, liên quan đến tính tích cực, chủ động của cơ quan hành chính các cấp khi chưa quyết liệt trong đôn đốc thi hành ở các cấp. Nguyên nhân khách quan là do số vụ việc tăng nhiều, bản chất vụ việc phức tạp.

Về giải pháp, Bộ trưởng Tư pháp nêu rõ, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp. Trung ương và địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo điều hành.

Thời gian tới, cùng những biện pháp đã và đang thực hiện, ngành tư pháp sẽ công bố công khai và liên tục hơn các địa phương chưa thi hành án hành chính, tập trung làm việc nhiều hơn với các địa phương có nhiều án hành chính chưa thực hiện được.

Cùng với đó, ngành sẽ xem xét sửa đổi quy định liên quan như Luật Tố tụng hành chính, đang tổng kết thi hành, xem xét mở rộng thẩm quyền xét xử vụ án hành chính, bổ sung chế tài đối với các cơ quan hành chính nhà nước không thực hiện các bản án.

Vấn đề chưa rõ chưa nên đề xuất đưa vào chính sách

Bộ trưởng Tư pháp: Thi hành án hành chính hiện chưa tốt ảnh 2

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đặt câu hỏi chất vấn. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tư pháp: Nhiều doanh nghiệp phản ánh khi doanh nghiệp làm sai quy định thì nhà nước phạt chế tài rất nghiêm. Nhưng trong việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật thì chưa có chế tài cụ thể; nhất là tình trạng không ban hành hoặc chậm ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành văn bản không khả thi, tác động rất lớn đến người dân và doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Tư pháp đưa ra quan điểm về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân về giải pháp đối với việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận, tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn chi tiết đã tồn tại nhiều năm nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Trong đó, năm 2023 chưa ban hành 12 văn bản đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật, giảm 18 văn bản so năm 2020, tăng 4 văn bản so năm 2021 và bằng so năm 2022.

Bộ trưởng cho biết nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, do chủ thể trình văn bản, các bộ, ngành chưa chủ động, chưa cố gắng và chưa lường hết được vấn đề. Về nguyên nhân khách quan, một số văn bản luật yêu cầu số lượng văn bản quy định chi tiết nhiều, một số văn bản khó…

Bộ trưởng Tư pháp: Thi hành án hành chính hiện chưa tốt ảnh 3

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Về trách nhiệm, Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm chung tham mưu cho Chính phủ trong việc thẩm định, rà soát và đôn đốc kiểm tra việc phải thi hành. Bộ trưởng nêu rõ trong sự chậm trễ của các bộ, ngành có trách nhiệm chung của Bộ Tư pháp.

Nêu các giải pháp khắc phục, trong đó có các giải pháp đã triển khai từ trước đến nay, Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh vào trách nhiệm của Bộ trưởng, Trưởng ngành phải trực tiếp phụ trách công tác xây dựng văn bản pháp luật.

Các bộ, ngành trong giai đoạn soạn thảo, ngoài việc thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục theo quy định pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần tiếp tục cố gắng để xác định rõ các nội dung quy định trong văn bản quy định chi tiết.

Tương tự, trong quá trình thẩm tra, thẩm định văn bản, đề nghị các cơ quan phối hợp chặt chẽ với nhau, đối với vấn đề chưa rõ, chưa nên đề xuất đưa vào chính sách; hạn chế nội dung các văn bản quy định chi tiết có nội dung tương tự nhau để quy định trong 1 văn bản.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, trách nhiệm của việc chậm ban hành văn bản, hệ quả và cuối cùng truy trách nhiệm chính trị, trách nhiệm về chuyên môn, hành chính phụ thuộc rất lớn vào con người.

Do đó, từ những quy định về kiểm tra, giám sát của Đảng, Bộ Chính trị đã ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Sắp tới, trong công tác xây dựng văn bản, đây sẽ là một kênh cùng với giám sát của Quốc hội. Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng công tác này sẽ tạo được đà phát triển và khắc phục được tốt hơn những tồn tại, hạn chế.