Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long:

Hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh

NDO - Giải trình trước Quốc hội về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, qua rà soát cho thấy hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh

Rà soát, cân nhắc kỹ các kiến nghị

Tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 1/11, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long báo cáo, làm rõ thông tin về một số vấn đề đại biểu nêu liên quan Báo cáo số 587/BC-CP ngày 20/10/2023 của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Bộ trưởng cho biết, Tổ công tác của Chính phủ thực hiện rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 đã cố gắng, nỗ lực rất lớn, chủ động tiếp cận các nguồn thông tin từ nhiều nguồn khác nhau: Báo cáo của các bộ, ngành, của các địa phương, tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc của Thủ tướng Chính phủ; đã ghi âm, ghi chép các kiến nghị và được chắt lọc đưa vào báo cáo kết quả rà soát…

Hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh ảnh 1

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Tổ công tác của Chính phủ cũng tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, kết quả giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội liên quan công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về kết quả giám sát, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, qua rà soát cho thấy, hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của đất nước.

Bộ trưởng cũng nêu rõ, số lượng các vấn đề vướng mắc, bất cập là có như đã nêu ở trong báo cáo. Thí dụ như mâu thuẫn, chồng chéo ở tầm luật như Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 và Luật Đầu tư năm 2020 về xử lý thu hồi các dự án bất động sản; hoặc ở tầm nghị định, chẳng hạn ngay trong bản thân Nghị định số 60 năm 2021 về tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Theo Bộ trưởng, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập cũng có nhưng nếu nghiên cứu một cách tổng thể, các kiến nghị có phần chưa chính xác. Chẳng hạn như những kiến nghị liên quan đến quy định về nhóm dự án được chia thành dự án thành phần theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định 99 năm 2021 về quản lý thanh quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, ý kiến chuyên gia cho rằng cần phải tính toán thêm xem có chính xác hay không.

Hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh ảnh 2

Quang cảnh phiên họp của Quốc hội, chiều 1/11. (Ảnh: DUY LINH)

Tuy nhiên cũng có những vấn đề thuộc về quan điểm và chính sách khi xử lý các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể. Thí dụ, có những đề xuất phải sửa đổi bổ sung khoản 2 Điều 68 của Luật Đầu tư công quy định về thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hàng năm. Ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng đây là vấn đề chính sách và Quốc hội cũng đã cân nhắc rất kỹ khi xem xét để biểu quyết thông qua, với tư duy nếu phân cấp xuống đến cấp xã như đề xuất có thể ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ, cũng như hiệu quả của các dự án đầu tư…

Hạn chế tối đa việc sửa đổi hoặc rà soát theo từng đợt

Về đề xuất kiến nghị các đại biểu nêu, Bộ trưởng cho biết Tổ công tác cũng thống nhất phải xem xét kết quả rà soát này một cách hết sức thận trọng. Những kết quả báo cáo Quốc hội chỉ là bước đầu và coi như một nguồn thông tin đầu vào cho các cấp, các ngành thuộc phạm vi, nhiệm vụ của mình nghiên cứu để đề xuất theo thẩm quyền việc sửa đổi, bổ sung các văn bản.

Đối với những vấn đề đã phát hiện, đề xuất ra, Tổ công tác cũng đã ghi rất cụ thể trong kiến nghị đề xuất trong báo cáo trình Quốc hội và có các phương án xử lý đối với các dự án luật đã có trong chương trình. Thí dụ Luật đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở sẽ cố gắng xử lý trong kỳ họp này.

Hệ thống pháp luật cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh ảnh 3

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long giải trình, làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. (Ảnh: DUY LINH)

Đối với những vấn đề chưa có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023-2024, đề nghị các bộ, ngành chủ động đề xuất, đẩy nhanh tiến độ và đề xuất bổ sung đưa vào chương trình.

Các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đẩy nhanh tiến độ đối với những việc đã có ở trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đồng thời đề xuất sẽ sửa đổi, bổ sung trong cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Bộ trưởng Tư pháp khẳng định, việc rà soát theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản, cần phải tiến hành thường xuyên, rà soát và cố gắng hạn chế đến mức tối đa việc sửa đổi hoặc rà soát theo từng đợt như hiện nay.

Thay mặt tổ công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Lê Thành Long đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường vai trò, nhất là vai trò hiến định của mình là giải thích các vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền.

Đối với kiến nghị khác của các đại biểu Quốc hội liên quan đến công tác xây dựng, hoàn thiện, tăng cường năng lực, Tổ công tác sẽ tiếp thu để tham mưu cho Chính phủ trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình.