Phóng viên: Sau hai năm giữ trọng trách là người đứng đầu Đảng bộ Thủ đô, đồng chí cho biết về những kết quả Hà Nội đạt được trong nửa nhiệm kỳ vừa qua?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Hơn 2 năm qua, thành phố Hà Nội đã gặp rất nhiều khó khăn, thử thách do các yếu tố chủ yếu như đại dịch Covid-19, tác động tiêu cực từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, tình trạng khó khăn về kinh tế vĩ mô toàn cầu do lạm phát, tăng lãi suất...
Tuy nhiên, xác định rõ trọng trách gương mẫu, đi đầu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội tiếp tục kiên trì mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ chính trị.
Nhận thức sâu sắc công tác xây dựng Đảng là then chốt, Đảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; tập trung đề cao trách nhiệm nêu gương, nâng cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Cùng với đó, nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế-xã hội tiếp tục được Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt cùng nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo; đã đạt những kết quả khả quan, ngay cả trong bối cảnh khó khăn nhất như phải phong tỏa, cách ly vì dịch Covid-19. Năm 2022, sau khi dịch bệnh được khống chế, thành phố đã đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, tạo được sức bật đáng kể. Hà Nội đã hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra. GRDP tăng trưởng 8,89%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp Hà Nội có số thu nội địa dẫn đầu cả nước với hơn 303 nghìn tỷ đồng; nghĩa là thu từ thuế, phí, là khoản thu có tính bền vững, thể hiện thực lực của nền kinh tế.
Phóng viên: Qua nhiều cuộc làm việc cũng như đi thực tế ở cơ sở, đồng chí đề cập nhiều đến sự “đồng lòng” trong Đảng, trong dân. Đây có phải là nguồn sức mạnh to lớn giúp Thủ đô vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, thưa Bí thư?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Đúng như vậy. Đây vừa là nhiệm vụ, vừa là giải pháp quan trọng mà Đảng bộ thành phố yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình.
Thời điểm tôi về làm Bí thư, Hà Nội đang phải căng mình để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng thời phục hồi, phát triển kinh tế. Có những giai đoạn căng thẳng, tưởng như vỡ trận, khi hệ thống y tế quá tải, số lượng bệnh nhân tăng quá nhanh, kéo theo rất nhiều vấn đề về an sinh xã hội. Đáng ghi nhận là khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc thì người dân cùng đồng lòng tham gia, chấp hành tốt các quy định của thành phố, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nhau bằng tinh thần tương thân tương ái. Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh to lớn giúp Thủ đô vững vàng vượt qua đại dịch.
Vừa qua tôi cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố đi thực tế ở rất nhiều địa phương để kiểm tra tiến độ dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. Thật mừng là đến đâu cũng thấy tất cả mọi người đều hồ hởi, phấn khởi, thể hiện rõ sự ủng hộ, đồng thuận cao đối với chủ trương đầu tư xây dựng dự án quan trọng này. Nhiều gia đình dù chưa nhận tiền đền bù, nhưng đã di chuyển mồ mả hay phần đất đang canh tác để bàn giao cho dự án. Đây là nhân tố rất quan trọng, qua đây càng đòi hỏi các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở phải làm thật tốt nhiệm vụ được giao, quyết tâm bảo đảm tiến độ công tác giải phóng mặt bằng như đã đề ra; đặc biệt, phải làm thật tốt công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư cho người dân, nghiên cứu bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân theo quy định. Trong đó, chủ trương chung của thành phố là chọn những khu đất đấu giá để bố trí tái định cư cho người dân có đất ở phải giải phóng mặt bằng, cố gắng tạo điều kiện thuận lợi, tương xứng cho người dân yên tâm, sớm ổn định cuộc sống.
Vừa qua tôi cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố đi thực tế ở rất nhiều địa phương để kiểm tra tiến độ dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. Thật mừng là đến đâu cũng thấy tất cả mọi người đều hồ hởi, phấn khởi, thể hiện rõ sự ủng hộ, đồng thuận cao đối với chủ trương đầu tư xây dựng dự án quan trọng này.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Đơn cử như tại quận Hà Đông, tôi yêu cầu phải chọn khu đất đấu giá ở huyện Thanh Oai gần đấy, mà ở ngay mặt đường để bố trí khu tái định cư các hộ dân trong diện di dời để giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4. Những việc làm đó khiến người dân càng ủng hộ, tin tưởng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội trò chuyện với người dân trong diện thu hồi đất phục vụ dự án đường Vành đai 4 tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng. |
Phóng viên: Thành ủy Hà Nội là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa? Xin đồng chí Bí thư Thành ủy chia sẻ những kết quả bước đầu sau một năm thực hiện Nghị quyết này?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ thành phố nhằm hiện thực hóa những chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; đặc biệt là nhằm khơi mở nguồn lực văn hóa của Thăng Long - Hà Nội, đặt văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, đưa văn hóa thật sự trở thành nguồn lực nội sinh cho Thủ đô phát triển.
Dù mới ban hành ngày 22/2/2022, nhưng Nghị quyết đã đi vào đời sống, đem lại những kết quả cụ thể. Trong 2 năm 2021-2022, thành phố đã hoàn thành xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 150 công trình y tế cơ sở (trạm y tế, phòng khám đa khoa); hoàn thành tu bổ, tôn tạo 181 di tích (trong đó có 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 114 di tích cấp quốc gia, 63 di tích cấp thành phố); hoàn thành 143 trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Tháng 12/2022, lần đầu tiên Hà Nội đã mang không gian quảng bá Di sản Hoàng thành Thăng Long đến triển lãm tại đô thị di sản Provins, vùng Ile-de-France (Cộng hòa Pháp)... Chúng ta đang triển khai các bước đi quan trọng nhằm phục dựng điện Kính Thiên, phát huy mạnh mẽ sức hút của Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long. Thành phố cũng đã chỉ đạo chuẩn bị các thủ tục cần thiết để khởi công dự án Đền thờ Ngô Quyền tại huyện Đông Anh. Đây là công trình có ý nghĩa văn hóa, tâm linh sâu sắc, là tâm nguyện của nhân dân và góp phần tăng thêm sức hút cho Khu di tích thành Cổ Loa, phát triển dịch vụ, du lịch, tạo sinh kế cho người dân trong vùng.
Chúng ta chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với các phong trào thi đua từ cơ sở, đi sâu vào yếu tố con người, gia đình như các mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, "Tổ dân phố văn hóa"; qua đó hướng tới một Hà Nội văn minh, hiện đại, nhưng có chiều sâu về văn hóa, nơi bản sắc văn hóa nghìn năm tỏa ra từ lời nói, cử chỉ, việc làm, từ những ứng xử của con người trong gia đình, giữa cộng đồng và với bạn bè đến với Thủ đô.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội khởi công Dự án khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. |
Hà Nội còn quan tâm xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị; gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy chế làm việc, tập trung cụ thể hóa các các quy định của trung ương về công tác cán bộ, tổ chức bộ máy; khơi dậy tinh thần của cán bộ, đảng viên về khát vọng phát triển Thủ đô. Thành ủy, các cấp ủy tổ chức Đảng không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng văn hóa trong Đảng, theo tinh thần của chủ đề công tác “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; cá thể hóa trách nhiệm, nhất là đề cao trách nhiệm người đứng đầu; coi sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, hiệu quả công việc, sản phẩm cụ thể là thước đo năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ.
Phóng viên: Thời điểm này, cả thành phố tập trung triển khai Dự án xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô. Xin đồng chí cho biết tình hình triển khai dự án?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án trọng điểm quốc gia, vốn là nhiệm vụ của Trung ương; nhưng thành phố đã chủ động đề xuất, được Trung ương tin tưởng giao cho nhiệm vụ làm chủ đầu tư.
Dự án đã được Bộ Chính trị nêu rõ trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được Quốc hội thông qua chủ trương, xác định cụ thể tiến độ hoàn thành cơ bản vào năm 2026, đưa vào vận hành vào năm 2027. Đây là nhiệm vụ chính trị được trung ương giao cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô - một nhiệm vụ rất khó khăn, nặng nề. Nhưng chúng ta quyết tâm làm. Vì dự án không chỉ đem lại lợi ích to lớn cho Thủ đô, mà còn cho cả Vùng Thủ đô Hà Nội, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng. Nói cách khác, Vành đai 4 là lời giải cho bài toán kết nối liên vùng.
Đồng chí Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác triển khai Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội. |
Từ việc thống nhất về nhận thức, cho nên ngay từ khi bắt tay vào triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, 3 địa phương có dự án đi qua là Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên đã có sự thống nhất, chung sức, đồng lòng và ý chí quyết tâm cao. Nhờ sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, đến nay, tình hình, tiến độ dự án cơ bản đạt yêu cầu. Nhiều quận, huyện đã hoàn thành việc di chuyển mồ mả ngay trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023; lãnh đạo các địa phương cũng cam kết bảo đảm, thậm chí là vượt tiến độ giải phóng mặt bằng. Chúng tôi đang cố gắng làm tốt nhất để chuẩn bị cho việc khởi công dự án trong tháng 6/2023.
Phóng viên: Ngoài Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô, đề nghị đồng chí cho biết trong năm 2023, thành phố sẽ triển khai các nhiệm vụ quan trọng nào khác?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17. Thành phố phấn đấu hoàn thành 22/22 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, trong đó cố gắng GRDP tăng 7% trở lên. Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, chúng ta đồng thời phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, nhằm tạo sức bật mới cho sự phát triển của Thủ đô trước mắt và lâu dài. Đó là hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, thành phố sẽ quy hoạch 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng gồm các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và thành phố phía Tây gồm khu vực Hòa Lạc-Xuân Mai. Đây phải là những cực tăng trưởng mới của thành phố, giúp kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội đô và vực dậy kinh tế các huyện còn khó khăn. Trong năm 2023, thành phố phấn đấu đưa hai huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận.
Cùng với đó, đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao Tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội; quy hoạch, ban hành quy định để triển khai cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ có sử dụng đất.
Phóng viên: Với khối lượng công việc lớn như vậy, thành phố đưa ra các giải pháp nào để hoàn thành các mục tiêu đề ra, thưa đồng chí?
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Đề bài rõ rồi, nhưng nếu không thực hiện một cách quyết liệt, khoa học, có trọng tâm, trọng điểm thì khó mà thành công. Năm nay, Đảng bộ thành phố tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2023 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, mười chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa 17 và các nhiệm vụ, chương trình công tác năm 2023 của Thành ủy đã đề ra; tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp.
Năm nay, Đảng bộ thành phố tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2023 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Tôi yêu cầu các cấp, các ngành phải tiếp tục đổi mới hơn nữa phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, gắn với kiểm soát quyền lực, phát huy dân chủ cơ sở, tăng cường kỷ cương, kỷ luật. Yêu cầu như vậy, bởi thực tế vẫn còn nhiều vấn đề của thành phố phải giải quyết, nhìn thấy xót ruột lắm. Như các dự án bỏ hoang có khi hàng chục năm, trong khi trường học, bãi đỗ xe đâu đâu cũng thiếu. Rồi kỷ cương hành chính, dù đã tiến bộ, nhưng vẫn vướng, vẫn chậm, chưa đạt yêu cầu.
Ngay trong các cơ quan của thành phố, có những nội dung triển khai còn nhiều lúng túng, chưa đủ động, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm. Thế nên một số huyện thiếu trường trung học phổ thông, đã chuẩn bị đủ cả địa điểm và tài chính, nhưng làm thủ tục vài năm mà không được. Những vấn đề dạng này, năm nay thành phố sẽ làm rất quyết liệt với tinh thần phân cấp, uỷ quyền để cho công việc “chạy” hơn. Muốn vậy, từng cấp ủy, chính quyền, từng cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu phải dám nghĩ, dám làm hơn, đừng có hô hào chung chung rồi đâu lại vào đấy. Chúng tôi sẽ coi sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, hiệu quả công việc, sản phẩm cụ thể là thước đo năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ.
Ngay trong các cơ quan của thành phố, có những nội dung triển khai còn nhiều lúng túng, chưa đủ động, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm. Thế nên một số huyện thiếu trường trung học phổ thông, đã chuẩn bị đủ cả địa điểm và tài chính, nhưng làm thủ tục vài năm mà không được.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng
Để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tôi đề nghị, các cấp, các ngành và từng cán bộ chủ chốt thành phố phải vào cuộc bằng tâm huyết, trách nhiệm với nhân dân; bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và thành phố; chủ trương 1 quyết tâm phải 10, hành động phải 20. Chúng ta phải có niềm say mê với công việc và tình yêu với Hà Nội mới có thể vượt qua mọi khó khăn để đạt kết quả tốt, thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong năm 2023.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư Thành ủy!