Thông tin mới

Lâm Đồng phát triển hơn 33.700ha cây ăn quả
0:00 / 0:00
0:00
Lâm Ðồng đẩy mạnh phát triển cây sầu riêng chất lượng cao.
Lâm Ðồng đẩy mạnh phát triển cây sầu riêng chất lượng cao.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Ðồng cho biết, địa phương có điều kiện thuận lợi để phát triển cây ăn quả và diện tích tăng dần qua các năm. Ðến nay, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh đạt hơn 33.700ha.

Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển một số cây ăn quả chủ lực như sầu riêng (hơn 17,9 nghìn héc-ta), bơ (hơn 8,5 nghìn héc-ta), hồng ăn trái (hơn 1,5 nghìn héc-ta), và chuối (khoảng 1,3 nghìn héc-ta); sản lượng cây ăn quả đạt hơn 306 nghìn tấn. Toàn tỉnh có 98,8ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP, 4,5ha được chứng nhận hữu cơ và hơn 6.800ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 88 cơ sở chế biến trái cây, sản lượng thành phẩm mỗi năm hơn 11 nghìn tấn; cùng 30 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả, tổng diện tích hơn 1.500ha, với 925 hộ liên kết, tổng sản lượng tiêu thụ cây ăn quả qua chuỗi đạt hơn 53.900 tấn.

Cà-phê đặc sản Đắk Mil được chọn vào danh mục mô hình thí điểm của cả nước

Theo Quyết định số 1528/QÐ-BNN-VPÐP Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về phê duyệt danh mục các mô hình thí điểm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2023-2025 (đợt 2), thì mô hình “Phát triển sản phẩm OCOP cà-phê chất lượng cao, cà-phê đặc sản gắn với vùng nguyên liệu theo hướng sinh thái bền vững tại huyện Ðắk Mil, Ðắk Nông” được chọn là một trong tổng số 18 mô hình để phát triển sản phẩm OCOP của cả nước giai đoạn 2023-2025.

Nguồn vốn thực hiện mô hình bao gồm vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 được phân bổ cho địa phương; nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và vốn huy động hợp pháp khác.

Việc được chọn làm mô hình thí điểm của cả nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản phẩm OCOP cà-phê chất lượng cao, cà-phê đặc sản gắn với vùng nguyên liệu theo hướng sinh thái bền vững tại huyện Ðắk Mil, Ðắk Nông cả về chất lượng, thương hiệu và giá trị trên thị trường.

250 thanh thiếu nhi tỉnh Kon Tum tham gia “Học kỳ trong quân đội”

Tỉnh đoàn Kon Tum phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức Chương trình “Học kỳ trong quân đội” lần thứ 11 năm 2023 với sự tham gia của 250 chiến sĩ là thanh thiếu nhi đến từ các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh.

Thông tin mới ảnh 1

Các chiến sĩ là thanh thiếu nhi tỉnh Kon Tum thực hiện nghi thức xuất quân.

Chương trình “Học kỳ trong quân đội” góp phần xây dựng một lớp thanh niên Việt Nam tiên tiến, giàu lòng yêu nước, có bản lĩnh, năng động, mạnh mẽ, vững vàng trong cuộc sống và sẵn sàng cống hiến hết mình cho Tổ quốc, mang đến cho các em học viên những trải nghiệm thực tế thiết thực, bổ ích trong những ngày hè.

Đắk Lắk tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng

Ủy ban nhân dân tỉnh Ðắk Lắk vừa có văn bản yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 441/CÐ-TTg, ngày 22/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn kiểm soát việc sử dụng lửa trong rừng và gần rừng của người dân, nhất là hoạt động đốt nương làm rẫy; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng.

Các Hạt kiểm lâm huyện, thị xã, thành phố phối hợp với các đơn vị chủ rừng tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ tất cả các ngày trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao; kịp thời phát hiện điểm cháy, huy động lực lượng tham gia khống chế và dập tắt cháy rừng trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn…